Các điều tra viên chính phủ Mỹ ngày 24/1 cho biết nói họ chưa thể giải thích điều gì đã gây ra các vụ hỏa hoạn trên những máy bay Boeing 787 Dreamliner khiến hàng loạt hãng hàng không ngưng sử dụng máy bay này trên toàn thế giới. Chủ tịch Cục an toàn giao thông quốc gia Mỹ (NTSB) Deborah Hersman nói các điều tra viên đang làm việc cật lực để tìm hiểu điều gì gây ra vụ hỏa hoạn ngày 7/1 trên một máy bay 787 không hành khách của hãng Japan Airlines cũng như một vụ khác khiến máy bay của hãng All Nippon Airways phải hạ cánh khẩn cấp. Nhưng bà nói các hệ thống được thiết kế để hạn chế sự cố trên máy bay 787 “đã không hoạt động như dự tính.” “Đây là sự cố chưa có tiền lệ. Chúng tôi rất lo lắng. Chúng tôi không chờ đợi xảy ra hỏa hoạn trên máy bay,” Hersman nói với các phóng viên. “Lẽ ra không bao giờ xảy ra hỏa hoạn trên máy bay. Trong hai tuần qua chúng tôi đã xem xét hai trường hợp pin trục trặc trên máy bay 787… Không thể đánh giá thấp tầm nghiêm trọng của vấn đề”. Bà nói NTSB vẫn chưa thể đưa ra kết luận về nguyên nhân hỏa hoạn, nhưng cho biết khi điều tra viên lần đầu kiểm tra sau khi lửa đã được dập tắt, họ đã phát hiện hư hại về cấu kiện xung quanh pin. Cục hàng không liên bang Mỹ (FAA) và các hãng điều hành hàng không lớn khác tuần trước đã yêu cầu ngưng sử dụng tất cả 50 máy bay 50 Dreamliner trên toàn thế giới sau hai sự cố nói trên. Boeing cũng đã hoãn việc giao các máy bay 787, được sử dụng từ tháng 10/2011 trong một kế hoạch đầy tham vọng của hãng này trên thị trường hàng không quốc tế nhờ sử dụng vật liệu nhẹ hơn và tiết kiệm nhiên liệu hơn, theo quảng cáo của hãng. Tuy nhiên, không như các máy bay trước, Boeing thuê ngoài sản xuất rất nhiều phần của máy bay 787 từ khắp nới trên thế giới. Công ty Pháp Thales thiết kế hệ thống điện cho Dreamliner trong khi hãng Nhật Bản GS Yuasa sản xuất pin. Cả hai công ty này đều tham gia cuộc điều tra. Mỹ và các nhà điều hành hàng không khác xác nhận Dreamliner là một máy bay an toàn sau hơn hai năm thử nghiệm gắt gao, càng khiến vấn đề với hệ thống pin thêm bí ẩn.
Một thành viên của NTSB với phần vỏ pin của Dreamliner bị cháy đen (Nguồn: AFP)
Càng thêm bí ẩn khi ngày 24/1, các điều tra viên Nhật Bản nói pin của chiếc máy bay ANA buộc phải hạ cánh không có dấu hiệu gì đã bốc cháy hay có cường độ dòng điện tăng cao. Công ty Boeing ngày thứ Năm ra một tuyên bố nói họ đang hỗ trợ NTSB và các nhà điều tra Nhật Bản tìm hiểu những trục trặc với 787. “Công ty đã thành lập một đội hàng trăm kỹ sư và chuyên gia làm việc cật lực tập trung duy nhất vào giải quyết vấn đề này và đưa 787 trở lại các chuyến bay. Boeing rất lấy làm tiếc về những ảnh hưởng của các sự kiện gần đây với lịch trình của các khách hàng chúng tôi và hành khách của họ,” tuyên bố nói. Giám đốc điều hành United Continental Holdings, Jeff Smisek, nói công ty của ông, công ty mẹ của hãng United Airlines, vẫn tin tưởng ở 787. United hiện có sáu chiếc Dreamliner và là hãng hàng không Mỹ duy nhất sử dụng máy bay này./.
Trần Trọng (Vietnam+)