Hoa giấy Thanh Tiên - Nét văn hóa tín ngưỡng của người dân xứ Huế

Với óc tưởng tượng phong phú và bàn tay khéo léo, nghệ thuật, người dân làng Thanh Tiên đã tạo nên những bông hoa giấy mô phỏng các loại hoa có ở tự nhiên, trông vô cùng sống động, tươi tắn và rực rỡ.
Hoa giấy Thanh Tiên mang ý nghĩa Tam Cương-Ngũ Thường, ba cành hoa ở giữa tượng trưng cho Trung-Hiếu-Nghĩa; trong đó, luôn có một chiếc hoa màu vàng hoặc đỏ được làm to nhất tượng trưng cho đấng minh quân. Năm bông hoa hai bên tượng trưng cho Nhân-Lễ-Nghĩa-Trí-Tín. (Ảnh: Mai Trang/TTXVN)

Mỗi độ Tết đến Xuân về, làng hoa giấy Thanh Tiên (thành phố Huế) lại rộn ràng hơn để mang những sản phẩm hoa giấy độc đáo, đẹp mắt đến mọi nhà, tô điểm thêm cho mùa Xuân xứ Huế. Từ lâu, những cành hoa giấy đã rất gắn bó với đời sống tâm linh của người dân xứ Huế.

Theo sách Đại Nam nhất thống chí, nghề làm hoa giấy Thanh Tiên đã có trong danh mục thống kê các nghề thủ công từ thế kỷ 16-19. Ngày nay, làng hoa giấy Thanh Tiên là một điểm đến không thể bỏ qua khi đặt chân đến vùng đất Cố đô.

Nét văn hóa tín ngưỡng dân gian

Làng Thanh Tiên thuộc xã Phú Mậu, Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế (từ tháng 7/2021, xã Phú Mậu thuộc thành phố Huế). Làng nằm dọc theo bờ Nam, hạ lưu sông Hương gần ngã ba Sình. Là một địa danh nổi tiếng về nghề làm hoa giấy thờ cúng, đặc biệt là hoa Sen và nghề làm hoa đã xuất hiện cách đây hơn 300 năm.

Nghề làm hoa giấy Thanh Tiên xuất phát từ tín ngưỡng dân gian. Tục xưa, hoa giấy được trang trọng tôn trí ở những nơi như Trang Ông, Trang Bà, Am cảnh và Ông táo. Hàng năm thay thế một lần vào Tết nguyên Đán, hoa mới được thay thế, hoa cũ hạ xuống “Duống” và đốt đi gọi là “Tẩu.”

Cứ như thế, hoa giấy Thanh Tiên từ bao đời nay đã trở thành một nét văn hóa trong tín ngưỡng dân gian của người dân xứ Huế và đã lan tỏa ra các tỉnh lân cận như Quảng Trị, Đà Nẵng cũng như những nơi có người Huế cư ngụ mỗi khi Tết đến, Xuân về.

[Làng nghề trăm năm tuổi rực rỡ sắc Xuân]

Người dân làng Thanh Tiên đã biết tận dụng những nguyên liệu sẵn có ở vùng mình như cây lùng, cây tre cộng với sức sáng tạo phong phú đã tạo nên những Bông Lùng, Hoa Tre hay còn gọi là Hoa Đũa và nhuộm màu ngũ sắc. Bông Lùng, Hoa Tre cũng chỉ dùng cho việc thờ cúng, dần dà phát triển thành nghề làm hoa giấy.

Có được cái tên làng Hoa giấy Thanh Tiên ngày nay chính là sự sáng tạo của nhiều người dân trong làng qua bao đời làm hoa giấy. Với óc tưởng tượng phong phú và bàn tay khéo, nghệ thuật, họ đã mô phỏng các loại hoa có ở tự nhiên như hoa Bìm Bìm (Loa kèn), hoa Cúc đơn, hoa Cúc kép, hoa Mắm nêm, hoa Tường vi, hoa Quỳ và sau đó là hoa Sen.

Các công đoạn để làm nên hoa giấy Thanh Tiên khá công phu và cầu kỳ. Sau khi cắt, dán tạo nên những loài hoa đẹp, nghệ nhân sẽ đính kết các loài hoa này tạo thành những cành hoa đầy màu sắc. (Ảnh: Mai Trang/TTXVN)

Hoa giấy Thanh Tiên có nhiều loài hoa khác nhau như hoa mai, cúc, lan, đồng tiền, thược dược... và đều được làm thủ công. Các công đoạn từ vót tre, tẩm màu, cắt cánh hoa, nhụy hoa… đều được làm từ đôi tay khéo léo của người thợ. Công đoạn cuối cùng là tạo nếp nhăn trên hoa, tạo sự sống động cho cánh hoa như hoa thật và kết hoa lại thành từng cành.

Trước đây, người dân làng Thanh Tiên phải dùng một số loại lá cây để nhuộm giấy. Chẳng hạn màu vàng được nhuộm từ trái dành dành, màu tím từ hạt mồng tơi... Ngày nay, giấy làm hoa có đủ sắc màu được bán sẵn nên những người thợ đỡ tốn công sức hơn trước. Cũng vì vậy, dù trên thị trường có nhiều sản phẩm hoa khác nhau nhưng hoa giấy Thanh Tiên vẫn được nhiều người ưa chuộng.

Hoa giấy nhìn bề ngoài tuy đơn giản nhưng mỗi bông hoa khác nhau lại chuyển tải những lý thuyết Nho học của người phương Đông.

Mỗi cành hoa giấy Thanh Tiên bao giờ cũng có 8 hoa chính.

Ba cành hoa ở giữa tượng trưng là Quân-Sư-Phụ cũng có thể là Thiên-Địa-Nhân hoặc Trung-Hiếu-Nghĩa. Đặc biệt, luôn luôn có một bông hoa màu vàng hoặc màu đỏ được làm to nhất tượng trưng cho mặt trời, đấng minh quân, còn 5 bông hoa hai bên tượng trưng cho Nhân-Lễ-Nghĩa-Trí-Tín.

Bảo tồn nghề làm hoa giấy truyền thống

Với những giá trị về văn hóa, tín ngưỡng, Làng nghề Hoa giấy Thanh Tiên được Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế công nhận là làng nghề truyền thống ngày 16/4/2013.

Trong những ngày cận Tết này, đến với làng Thanh Tiên, du khách có thể thấy không khí làm việc rộn ràng của những người thợ và nghệ nhân nơi đây.

Hoa sen giấy đã được khôi phục sau nhiều năm thất truyền. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Nghề làm hoa giấy truyền thống vào dịp Tết với người làng Thanh Tiên chỉ lấy công làm lời nhưng vì trân quý nghề truyền thống của cha ông nên nhiều gia đình vẫn gắn bó với nghề.

Nghệ nhân Nguyễn Hóa (60 tuổi) cho biết: "Từ năm 10 tuổi, tôi đã bắt đầu làm hoa phụ với ông bà, cha mẹ. Giờ chúng tôi vẫn tiếp tục làm để duy trì và phát triển nghề.”

Để đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường, người làng Thanh Tiên đã bắt đầu cải tiến mẫu mã, làm nhiều loại hoa, đặc biệt là khôi phục làm hoa sen giấy sau nhiều năm thất truyền. Hoa sen giấy có mục đích sử dụng phong phú, có thể trang trí trong gia đình, các lễ hội, sự kiện, cũng có thể đặt lên bàn thờ gia tiên. Hiện nay, hoa sen giấy của làng đã có mặt trên thị trường các tỉnh, thành trong cả nước và nước ngoài. 

Xã Phú Mậu hiện có khoảng 20 hộ làm hoa giấy. Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Phú Mậu Nguyễn Văn Trai cho biết thời gian gần đây, hoa giấy Thanh Tiên nhận được nhiều đơn đặt hàng, các hộ dân rất phấn khởi khi có thêm việc làm. Đây cũng là động lực giúp người dân bảo tồn và phát triển làng nghề.

Địa phương đã tạo điều kiện cho các hộ dân tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, tổ chức lớp đào tạo nghề làm hoa giấy.

Người làm hoa ở làng có việc làm quanh năm. Sản phẩm của làng Thanh Tiên không những có mặt tại các kỳ Festival Huế, Festival làng nghề truyền thống Huế, Lễ hội áo dài… mà còn theo chân các du khách đi khắp mọi miền đất nước như Đà Nẵng, Hội An, Sài Gòn, Hà Nội và ra cả nước ngoài như Mỹ, Pháp, Thái Lan.

Ngoài việc sản xuất để đáp ứng nhu cầu thị trường dịp Tết cho người dân xứ Huế, làng nghề Thanh Tiên còn chú trọng phát triển làng nghề theo hướng du lịch trải nghiệm.

Ngôi làng nhỏ thường xuyên đón tiếp các đoàn khách du lịch về tham quan. Nhiều du khách đến với làng nghề rất thích thú và đây là động lực để giúp người dân Thanh Tiên bám trụ và phát triển nghề./.

Sắc màu hoa giấy tràn ngập trong các ngôi nhà của người dân làng hoa giấy Thanh Tiên dịp cận Tết. (Ảnh: Mai Trang/TTXVN)
Hàng chục, hàng trăm cành hoa giấy Thanh Tiên được kết thành cành lớn và đưa đi bán tại các chợ, đường phố trong thành phố Huế. (Ảnh: Mai Trang/TTXVN)
Hoa giấy Thanh Tiên mang ý nghĩa Tam Cương-Ngũ Thường, ba cành hoa ở giữa tượng trưng cho Trung-Hiếu-Nghĩa; trong đó, luôn có một chiếc hoa màu vàng hoặc đỏ được làm to nhất tượng trưng cho đấng minh quân. Năm bông hoa hai bên tượng trưng cho Nhân-Lễ-Nghĩa-Trí-Tín. (Ảnh: Mai Trang/TTXVN)
Các sắc hoa giấy Thanh Tiên tươi mới, báo hiệu một mùa xuân sung túc, ấm no đang đến. (Ảnh: Mai Trang/TTXVN)
Các công đoạn để làm nên hoa giấy Thanh Tiên khá công phu và cầu kỳ. Sau khi cắt, dán tạo nên những loài hoa đẹp, nghệ nhân sẽ đính kết các loài hoa này tạo thành những cành hoa đầy màu sắc. (Ảnh: Mai Trang/TTXVN)

(Vietnam)

Tin cùng chuyên mục