Hòa đồng bộ lần đầu lưới điện Tổ máy 1 nhà máy nhiệt điện Sông Hậu 1

Việc hòa đồng bộ lưới điện lần đầu thành công là mốc quan trọng sau gần 4 tháng đốt lửa lần đầu để tiến tới hoàn thành việc thử nghiệm, tiến tới vận hành thương mại tổ máy số 1 vào quý 2/202.
Hòa đồng bộ lần đầu lưới điện Tổ máy 1 nhà máy nhiệt điện Sông Hậu 1 ảnh 1Các bên ký giao ước thi đua đưa công trình vào vận hành đúng tiến độ. (Nguồn: baodautu.vn)

Ngày 26/11, tại ấp Phú Xuân, thị trấn Mái Dầm, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang, chủ đầu tư Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Ban quản lý dự án Điện lực dầu khí Sông Hậu 1 cùng tổng thầu là Tổng công ty Lắp máy Việt Nam (LILAMA) đã tổ chức hòa đồng bộ lưới điện lần đầu tổ máy số 1, dự án nhà máy nhiệt điện Sông Hậu 1 vào hệ thống điện Quốc gia 500kV.

Theo ông Lê Mạnh Hùng, Tổng Giám đốc PVN, việc hòa đồng bộ lưới điện lần đầu thành công là mốc quan trọng tiếp theo sau gần 4 tháng đốt lửa lần đầu (ngày 28/7/2020) để tiến tới hoàn thành việc thử nghiệm, tiến tới vận hành thương mại tổ máy số 1 vào quý 2/2021.

Đây cũng là bước tiến trong quá trình xây dựng và lắp đặt, thử nghiệm các hệ thống, phát điện lên lưới điện Quốc gia của tổ máy. Đồng thời, là mốc để chuyển bước sang quá trình chạy thử, hiệu chỉnh các chế độ đốt nhằm tăng công suất, tối ưu vận hành hệ thống.

Ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban Nhân dân tỉnh Hậu Giang đề nghị PVN, các đơn vị liên quan tiếp tục thực hiện các bước tiếp theo hoàn thành việc thử nghiệm, vận hành thương mại Tổ máy số 1 vào quý 2/2021; cũng như đưa Tổ máy số 2 vào vận hành thử nghiệm trong quý 3/2021.

Tỉnh Hậu Giang cũng đề nghị PVN sớm thành lập doanh nghiệp tại Hậu Giang nhằm quản lý, vận hành nhà máy Nhiệt điện Sông Hậu 1 để thực hiện nghĩa vụ thuế Nhà nước cho tỉnh theo quy định.

Theo kế hoạch, khi nhà máy Nhiệt điện Sông Hậu 1 đi vào hoạt động, phát điện thương mại sẽ đóng góp cho ngân sách tỉnh Hậu Giang hơn 1.000 tỷ đồng/năm.

[Đốt lửa lần đầu lò hơi tổ máy 2 Nhà máy Nhiệt điện Sông Hậu 1]

Dự án Nhiệt điện Sông Hậu 1 nằm trong quy hoạch chung của Trung tâm điện lực Sông Hậu được Bộ Công Thương phê duyệt tại Quyết định số 6722/QĐ-BCT ngày 23/12/2008; quy hoạch tổng mặt bằng được phê duyệt tại Quyết định số 1155/QĐ-BCT ngày 08/03/2010 và Quyết định số 0222/QĐ-BCT ngày 14/01/2011; quy hoạch đấu nối các trung tâm điện lực vào hệ thống điện Quốc gia tại Quyết định số 6949/QĐ-BCT ngày 30/12/2010.

Dự án có quy mô 600 MW x 2 do PVN là chủ đầu tư và LILAMA là tổng thầu EPC, có tổng mức đầu tư hơn 43.000 tỷ đồng, tương đương hơn 2 tỷ USD với cơ cấu 30% vốn chủ sở hữu và 70% vốn vay.

Nhiệt điện Sông Hậu 1 sử dụng công nghệ lò hơi kiểu lò than phun thông số siêu tới hạn, trực lưu, đốt trực tiếp, quá nhiệt trung gian 1 lần, sử dụng công nghệ vòi đốt giảm phát thải NOx; Tuabin kiểu tuabin ngưng hơi truyền thống, quá nhiệt trung gian 1 cấp, trích hơi gia nhiệt nước cấp, thông số hơi đầu vào siêu tới hạn.

Dự án có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện Chiến lược phát triển lĩnh vực điện của ngành Dầu khí Việt Nam định hướng đến năm 2030.

Khi đi vào hoạt động, Nhà máy sẽ cung cấp vào lưới điện quốc gia khoảng 7,8 tỷ kWh/ năm, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng Quốc gia và phát triển kinh tế khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và tỉnh Hậu Giang./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục