Ngày 16/6, Chính phủ Colombia nối lại vòng đàm phán với đại diện Lực lượng Vũ trang Cách mạng Colombia (FARC) với sự ủng hộ mạnh mẽ của Tổng thống Juan Manuel Santos vừa tái đắc cử.
Vòng đàm phán mới nhất này diễn ra một ngày sau khi ông Santos giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống vòng hai với 50,95% số phiếu và cuộc bầu cử lần này được xem là cuộc trưng cầu dân ý về tiến trình đàm phán hòa bình giữa chính phủ với FARC nhằm kết thúc cuộc xung đột kéo dài 50 năm qua.
Phát biểu với người dân sau khi kết quả bầu cử được công bố chính thức, Tổng thống tái đắc cử Santos cam kết sẽ nỗ lực để hai bên đạt được một "thỏa thuận công bằng" không dựa trên sự trừng phạt. Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận những khó khăn trong tiến trình đàm phán để thỏa thuận đạt được mang tính bền vững.
Trong khi đó, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon cho rằng Colombia đang đứng trước cơ hội vàng để chấm dứt cuộc xung đột dai dẳng nhất tại Nam bán cầu thông qua thương lượng. Chia sẻ quan điểm này, Na Uy, nước đóng vai trò thúc đẩy các cuộc hòa đàm giữa Bogota và FARC, nhận định việc Tổng thống Santos tái đắc cử mang lại cơ hội lịch sử cho nền hòa bình của Colombia.
Theo giới phân tích, tiến trình hòa đàm giữa Chính phủ Colombia và FARC đang diễn ra thuận lợi, hai bên dần thu hẹp bất đồng trong nhiều đề mục hòa đàm và có triển vọng sớm đạt được một thỏa thuận cuối cùng.
Kết quả bầu cử cho thấy nguyện vọng của đa số người dân Colombia mong muốn đất nước hòa bình, ổn định và thịnh vượng.
Ông Santos, 62 tuổi, sinh trưởng trong gia đình giàu có và quyền lực nhất Colombia. Ông tốt nghiệp trường Đại học Harvard, Mỹ. Ông đắc cử tổng thống Colombia năm 2010 và khởi động tiến trình đàm phán với FARC từ tháng 10/2012.
Trong chiến dịch tranh cử vừa qua, đương kim Tổng thống Santos cam kết tiếp tục thúc đẩy đàm phán với FARC sau khi đã được một số kết quả, trong đó có nội dung liên quan việc FARC tham gia các hoạt động chính trị của đất nước với tư cách một chính đảng đối lập.
Song song với FARC, Chính phủ Colombia cũng đã khởi động các cuộc hòa đàm tương tự với Quân đội Giải phóng quốc gia (ELN), nhóm vũ trang lớn thứ hai tại Colombia (sau FARC).
Cùng được thành lập năm 1964, FARC và ELN là hai nhóm vũ trang lâu đời nhất tại Mỹ Latinh. Hiện thành viên của hai lực lượng này lần lượt là khoảng 8.000 và 2.500 người. Cuộc xung đột kéo dài gần nửa thế kỷ qua tại Colombia đã khiến hơn 200.000 người thiệt mạng và khoảng 4,5 triệu người phải đi lánh nạn./.