'Hoa cúc xanh': Khám phá vũ trụ nhiều bí ẩn của nhà thơ Xuân Quỳnh

Với thơ, nhạc và kịch, chương trình "Hoa cúc xanh" dẫn lối khán giả tìm hiểu về những tâm tư, tình cảm của nhà thơ Xuân Quỳnh - những điều mà từ trước đến nay chưa được khám phá.
Các nghệ sỹ trong chương trình Hoa cúc xanh, kỷ niệm 80 năm ngày sinh nhà thơ Xuân Quỳnh. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Khi giọng nói của nhà thơ Xuân Quỳnh cất lên nhẹ nhàng, dung dị: “Sau đây, tôi xin đọc bài thơ ‘Hát với con tàu’…, khán phòng Nhà hát Lớn Hà Nội lặng đi. Tất cả khán giả chăm chú lắng nghe trong niềm xúc cảm khôn tả, bởi đây là lần đầu tiên họ được nghe giọng nói của nữ sỹ kể từ sau vụ tai nạn cướp đi sinh mạng cặp nghệ sỹ tài danh và con trai.

Nhiều khán giả khẳng định thước phim tư liệu cùng đoạn băng ghi âm Xuân Quỳnh "Hát với con tàu" chính là phần khiến họ thổn thức nhất trong đêm thơ-nhạc-kịch “Hoa cúc xanh” vừa diễn ra trong hai tối 5-6/10.

Những điều "lần đầu tiên được biết" về Xuân Quỳnh

Năm 1976, bài thơ "Hát với con tàu" lần đầu tiên được nhà thơ Xuân Quỳnh thể hiện giọng đọc trên Đài phát thanh. Đây cũng là lần duy nhất, nữ thi sỹ để lại cho những người yêu thơ của mình một bài thơ được thể hiện bằng chính giọng đọc của tác giả.

Đoạn ghi âm dài 2 phút được tổng đạo diễn chương trình Nguyễn Hoàng Điệp tìm thấy trong kho lưu trữ của Đài Tiếng nói Việt Nam. Nghệ sỹ nhân dân Nguyễn Thước đã bổ sung đoạn băng này vào bộ phim tài liệu về nhà thơ Xuân Quỳnh.

Hình ảnh nhà thơ Xuân Quỳnh trong phim tư liệu của nghệ sỹ nhân dân Nguyễn Thước.

Ngay từ những lời dẫn dắt đầu tiên, bộ phim đã khiến người xem đi vào thế giới tình yêu của Xuân Quỳnh-Lưu Quang Vũ: "Chị bên cạnh anh không phải lúc anh chói sáng, mà là lúc anh khó khăn. Chị nhận ra vẻ đẹp của tâm hồn anh, lúc anh có nhiều đổ vỡ nhất..."

Nhà báo Lưu Quang Định, Tổng biên tập Báo Nông thôn ngày nay/Dân Việt (đơn vị sản xuất chương trình) và cũng là em trai nhà biên kịch Lưu Quang Vũ chia sẻ: "Trước khi nói tới chị Xuân Quỳnh như một nhà thơ, chúng tôi đều coi chị như chị ruột. Chị Quỳnh là một vũ trụ mà ở đó còn nhiều điều công chúng chưa biết tới hết. Đó là những trăn trở của chị về chiến tranh, về ý thức công dân, về nỗi xót xa mà chị dành cho những người mẹ, những đứa trẻ trong cuộc chiến..."

Phóng sự cũng hé lộ nhiều câu chuyện chưa bao giờ kể về chuyện đời, chuyện nghề của cặp đôi tài danh Xuân Quỳnh-Lưu Quang Vũ. Không gian lắng đọng khi khán giả ‘gặp lại’ nghệ sỹ nhân dân Hoàng Dũng.

Ông vừa rơi nước mắt vừa kể về một dịp cùng nghệ sỹ Minh Trang tới nhà “đàn anh” Lưu Quang Vũ chơi Tết, khi nhà thơ Xuân Quỳnh đi xuống bếp, nhà biên kịch Lưu Quang Vũ lấy tiền ra mừng tuổi, họ ngại ngần vì nghĩ ông không muốn để vợ biết chuyện. Thế nhưng, trùng hợp thay, đến lúc họ ra về, nhà thơ Xuân Quỳnh tiễn họ ra cổng. Chị dúi vào tay hai diễn viên trẻ chút tiền mừng tuổi, y như cách chồng mình đã kín đáo làm trước đó.

Cặp vợ chồng nghệ sỹ Đỗ Kỷ-Lan Hương đọc những bức thư của nhà viết kịch Lưu Quang Vũ và nhà thơ Xuân Quỳnh gửi cho nhau. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Chương trình còn gây xúc động khi cặp vợ chồng nghệ sỹ Đỗ Kỷ-Lan Hương đọc những bức thư của nhà viết kịch Lưu Quang Vũ và nhà thơ Xuân Quỳnh gửi cho nhau.

“Các bức thư là những tâm sự về gia đình, công việc. Qua đó, chính tôi cũng hiểu hơn tình cảm mà anh chị dành cho nhau. Có những lúc đầm ấm vui vẻ nhưng trong cuộc sống vợ chồng cũng có khi cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt. Nhưng trên hết là tình cảm anh chị dành cho nhau, là sự trân trọng và yêu thương nhau,” nghệ sỹ ưu tú Đỗ Kỷ chia sẻ.

[Khám phá thế giới nội tâm của nữ sỹ Xuân Quỳnh qua nhạc kịch 'Sóng']

Nghệ sỹ cho hay những dòng thư mang lại nhiều cảm xúc khác nhau cho cá nhân ông. Khi đọc thư họ ở nơi riêng tư, ông cảm nhận được sự thủ thỉ và tâm tình trong từng câu chữ. Nhưng khi đứng giữa không gian của Nhà hát Lớn Hà Nội, đứng trước hàng trăm khán giả, ông phải làm sao để diễn tả tình cảm của bản thân nhân vật.

“Đứng trên sân khấu tôi được là anh Lưu Quang Vũ. Có những câu chữ trong thư tôi cần nhấn nhá ngữ điệu để có thể truyền tải được tinh thần của anh Vũ đến gần hơn với trái tim khán giả,” nghệ sỹ Đỗ Kỷ nói.

Những ký ức buốt nhói

Đến với chương trình, nhà thơ Võ Hồng Thu “run rẩy” khi được thâm nhập vào vũ trụ ảo diệu mang tên Xuân Quỳnh cùng người đàn ông vĩ đại của mình – nhà viết kịch Lưu Quang Vũ.

 “Xuân Quỳnh và Lưu Quang Vũ là hai cái tên mà ai quan tâm đến văn chương nghệ thuật nước nhà đều không thể bỏ qua. Tôi tin đây là một chương trình nghệ thuật đáng xem. Bên cạnh đó, tôi trân trọng nỗ lực cũng như sự sáng tạo của đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp,” nhà thơ cho hay.

Vở kịch Ai đã lấp cái đầm lầy mãi mãi. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Nhà thơ Võ Hồng Thu cho rằng chương trình được dàn dựng kỹ càng, có một số điểm nhấn như phim tài liệu ghi giọng nói của nhà thơ Xuân Quỳnh và phần trình diễn thơ của hai nghệ sỹ Lê Khanh-Minh Trang.

“Xuân Quỳnh và Lưu Quang Vũ vẫn luôn là hai cái tên có sức hút với khán giả. Và với sự nhắc nhớ hàng năm như thế này thì tên tuổi và sáng tác của họ sẽ còn sống lâu hơn nữa với chúng ta,” nhà thơ chia sẻ.

Với nhà thơ Nguyễn Thành Phong, chương trình "Hoa cúc xanh" khiến ông thật sự xúc động, kể cả khi các nghệ sỹ đã chào kết thúc và màn sân khấu đã khép lại nhưng những ký ức vẫn dội lại trong ông đầy buốt nhói, bởi ông từng sống gần nhà với nữ sỹ Xuân Quỳnh và từng "chạm mặt" nhau nhiều lần...

“Có lần giữa đường, chị gọi giật lại, reo vui như có quà, rủ tôi mua chung một xâu cá giá rẻ mà trẻ con mới câu được ở hồ Thiền Quang,” nhà thơ Nguyễn Thành Phong bùi ngùi nhớ lại.

Ca sỹ-nhạc sỹ Giáng Son thể hiện ca khúc sáng tác riêng cho chương trình. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Kỷ niệm ấy khiến ông nghẹn ngào trong lòng khi nghe các nghệ sỹ đọc nhật ký của Xuân Quỳnh viết: "Con ơi, mấy hôm nay mẹ ít sữa. Nhà mình nghèo quá, chả còn gì cho mẹ ăn. Trên đường đi làm về, mẹ thấy một bà già bán 5 quả trứng gà, những quả trứng gà bé xíu. Mẹ muốn mua một quả về nhà luộc ăn để có thêm sữa cho con, nhưng bà bán trứng không đồng ý bán một quả. Mẹ đang tính nói khó với bà bán trứng để cho mẹ mua hai quả. Thế rồi có một người đàn ông chạy đến, ông ấy đã tranh mua hết cả 5 quả trứng... Đêm nay, mẹ nhìn xuống vú mẹ teo tóp, chả có sữa, mà càng thương con."

Trong niềm xúc động, nhà thơ Nguyễn Thành Phong chia sẻ: “May quá, họ còn để lại những trang nhật ký, những lá thư. Các nghệ sỹ đã cùng nhau đọc lên một số trang ấy trong chương trình. Chỉ cần thế thôi mà một thời gian khó, thiếu thốn, vất vả, gian nan, đầy trăn trở đã hiện ra, làm cho ta thấy như đang sống ở giữa khung cảnh ấy. Và vượt lên trên hết, là một tình yêu cao khiết, vừa mạnh mẽ, đẹp đẽ, dào dạt lại vừa đầy dự cảm mong manh mà họ hướng về nhau, để sống vượt lên.”

Nói về chương trình, nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên cho rằng đây là lần đầu tiên nhà thơ Xuân Quỳnh được đứng độc lập, để công chúng được chiêm ngưỡng những tác phẩm văn thơ của bà được đưa lên sân khấu.

“Đây là một chương trình đặc sắc, có chất lượng nghệ thuật cao, nơi tôi được gặp lại Xuân Quỳnh qua thơ và qua các góc cạnh riêng của nữ thi sỹ,” nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên chia sẻ.

Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên là một trong những khán giả của chương trình. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Có mặt tại các đêm diễn, nhiều khán giả tâm đắc với yếu tố “kỷ niệm và hồi ức” của chương trình song cho hay chưa "cảm" được phần âm nhạc có phần biến tấu quá mới mẻ.

“Tôi nhớ ngày xưa nghe ‘Thuyền và biển’ hay ‘Thơ tình cuối mùa Thu’ có thể xúc động đến rơi nước mắt, nhưng hôm nay nghe các ca sỹ trẻ và bản phối do Hồng Nhung thể hiện, tôi lại không thấy nhiều cảm xúc,” khán giả Đàm Mai Lan (65 tuổi) cho biết./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục