Do chịu ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới có trục đi qua giữa khu vực Nam Đồng Bằng và phía Bắc của Bắc Trung Bộ, từ ngày 27-29/7, ở Hòa Bình có mưa vừa, mưa to đến rất to trên diện rộng.
Nhiều nơi tại thành phố Hòa Bình cùng các huyện đã xảy ra lũ quét, sạt lở đất gây thiệt hại về nhà cửa, tài sản người dân. Nhiều tuyến đường bị ách tắc chưa thể lưu thông.
Theo Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hòa Bình, lượng mưa trong những ngày qua khá lớn.
Huyện Đà Bắc có lượng mưa lên tới 289,2mm, 86 nhà tại các xã Tân Minh, Mường Chiềng, Giáp Đắt... bị sạt lở đất, đá.
Huyện Kỳ Sơn mưa 248 mm làm các tuyến đường khu ngầm tràn không lưu thông do nước ngập; đặc biệt nghiêm trọng là điểm sạt lở xảy ra vào rạng sáng 30/7 tại km 3 đường tỉnh 445, xóm Máy Giấy, xã Dân Hạ huyện Kỳ Sơn với hơn 200m đường bị sạt lở taluy âm và taluy dương (tuyến đường vẫn bị ách tắc chưa thể lưu thông).
[Chủ động ứng phó với diễn biến mưa lũ và các tình huống bất thường]
Tại thành phố Hòa Bình và huyện Cao Phong... nhiều nơi bị ngập cục bộ, có nguy cơ sạt lở cao.
Ông Trần Quốc Toản, Chi cục Trưởng Chi cục thủy lợi kiêm Chánh văn phòng Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hòa Bình cho biết do mưa lớn, cộng với Thủy điện Hòa Bình xả lũ nên đất đồi ngấm nước dẫn đến tình trạng sạt lở nghiêm trọng.
Tuyến đường 445 xuất hiện nhiều vết nứt gần 10cm chia lòng đường làm đôi; nhiều nhà dân tường đã bị nứt và có nguy cơ sập bất cứ lúc nào.
Theo ghi nhận của phóng viên tại điểm sạt lở xóm Máy Giấy, xã Dân Hạ, huyện Kỳ Sơn, tuyến đường 445 bị ách tắc, các phương tiện không thể di chuyển, khối lượng đất đá do sạt lở taluy dương đang được các cơ quan chức năng khẩn trưởng khắc phục. Các điểm sạt lở taluy âm cũng được đo đạc để báo các lãnh đạo tỉnh Hòa Bình chỉ đạo tìm phương án khắc phục.
Ông Hoàng Văn Minh - Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Kỳ Sơn cho biết sau khi vụ việc sạt lở xảy ra, tỉnh Hòa Bình và huyện Kỳ Sơn đã huy động các lực lượng chức năng tiến hành canh gác và cắm biển báo không cho các phương tiện và người qua lại. Chính quyền địa phương cũng đã vận động 5 hộ dân di dời khẩn cấp đến nơi an toàn, 8 hộ dân cảnh báo phải di dời, tổng số là 24 nhân khẩu.
Tạm thời các hộ dân này được di dời đến nhà người thân hoặc tạm trú tại nhà văn hóa xóm Máy Giấy.
Sau khi khắc phục xong, chính quyền sẽ thông báo cụ thể đến từng hộ dân về tình trạng cư trú ở khu vực này.
Trước tình hình mưa lũ trên địa bàn khá phức tạp, Ủy ban Nhân dân tỉnh Hòa Bình đã yêu cầu chính quyền địa phương chủ động huy động lực lượng, phương tiện để khắc phục hậu quả mưa lũ; cảnh báo khu vực nguy hiểm, các điểm sạt lở, khu vực ngầm bị ngập nước, cấm các phương tiện giao thông, người di chuyển qua lại.
Các địa phương cần thường xuyên cử người xuống các xã để hướng dẫn, chỉ đạo khắc phục hậu quả thiên tai, có phương án sơ tán, di chuyển dân ra khỏi khu vực có nguy cơ bị sạt lở đảm bảo an toàn cho người dân.
Sở Giao thông Vận tải Hòa Bình chỉ đạo các đơn vị quản lý đường bộ khẩn trương huy động lực lượng, máy móc thiết bị gác trực tại các vị trí nước ngập sâu, thu dọn đất đá để thông xe trong thời gian sớm nhất./.