Hòa Bình: Quýt Nam Sơn tạo thu nhập bền vững cho người dân vùng cao

Với diện tích trồng hơn 100ha, giá quýt thành phẩm từ 25.000-30.000 đồng/kg, cây quýt Nam Sơn là cây trồng chủ lực đem lại hiệu quả kinh tế cao, giúp nhiều hộ dân tộc Mường thoát nghèo.

Người dân thu hoạch quýt Nam Sơn bằng cách đổi công giữa các hộ gia đình. (Ảnh: Thanh Hải/TTXVN)
Người dân thu hoạch quýt Nam Sơn bằng cách đổi công giữa các hộ gia đình. (Ảnh: Thanh Hải/TTXVN)

Xã Vân Sơn, huyện Tân Lạc (Hòa Bình) đang vào mùa thu hoạch chính vụ quýt Nam Sơn.

Hiện tổng diện tích trồng quýt Nam Sơn đạt hơn 100ha, giá quýt thành phẩm từ 25.000-30.000 đồng/kg.

Với ưu điểm vỏ mỏng, múi dày, ít hạt, mọng nước, có mùi thơm đặc trưng, cây quýt Nam Sơn đang trở thành cây trồng có múi chủ lực đem lại hiệu quả kinh tế cao, giúp nhiều hộ gia đình thoát nghèo bền vững.

Trước đây, xã Vân Sơn là một trong những xã nghèo, đặc biệt khó khăn của tỉnh Hòa Bình với 98% dân số là người dân tộc Mường, đời sống của người dân còn gặp nhiều khó khăn do kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp.

ttxvn-2612-quyt-nam-son-hoa-binh-2.jpg
Quýt Nam Sơn có vỏ mỏng, múi dày, mọng nước, mùi thơm đặc trưng. (Ảnh: Thanh Hải/TTXVN)

Từ năm 2009, được sự hướng dẫn của cán bộ khuyến nông, toàn xã đã áp dụng mô hình trồng quýt và đạt hiệu quả rõ rệt.

Nhiều hộ dân trồng quýt đã có thu nhập ổn định từ 30-100 triệu đồng/năm.

Quýt Nam Sơn thường được người dân địa phương gọi là “quýt cổ” vì chẳng ai biết cây quýt có trên đất Vân Sơn từ bao giờ, chỉ biết cây quýt đã ở đất Vân Sơn từ trước năm 1950.

Thời điểm này, khắp các sườn đồi dọc các xóm Tớn, Bương, Rồ, Xôm… ở xã Vân Sơn, huyện Tân Lạc, quýt Nam Sơn sai trĩu cành, vàng rực cả một vùng đồi núi, các nhà vườn phải sử dụng que chống để cây không bị gãy, đổ.

Dọc theo tuyến đường liên xóm, xe tải nối đuôi nhau thu mua quýt tận vườn. Bà con phấn khởi bởi quýt Nam Sơn năm nay được mùa, được giá, có thời điểm đầu mùa giá quýt lên đến hơn 40.000 đồng/kg.

Thực hiện Nghị quyết của xã Vân Sơn tập trung phát triển cây có múi, đặc biệt là cây quýt Nam Sơn, nhiều hộ gia đình nơi đây mở rộng diện tích, thực hiện áp dụng công nghệ vào gieo trồng.

ttxvn-2612-quyt-nam-son-hoa-binh-3.jpg
Phân loại quýt Nam Sơn để bán cho thương lái. (Ảnh: Thanh Hải/TTXVN)

Từ trung tuần tháng 11, hộ gia đình anh Bùi Văn Tuấn, xóm Xôm, xã Vân Sơn (Tân Lạc) đang cùng người dân đã tập trung thu hái để đảm bảo nguồn cung cho tư thương thu mua tại vườn.

Bình quân mỗi ngày gia đình xuất ra thị trường 1 tấn quýt, giá bán ổn định 30.000 đồng/kg, tư thương chủ yếu đến từ Hà Nội, Bắc Giang, Hưng Yên và các tỉnh miền Nam.

Anh Bùi Văn Tuấn chia sẻ gia đình trồng quýt Nam Sơn từ năm 2013, đến nay tổng diện tích trồng quýt Nam Sơn của gia đình đạt hơn 2ha, cây quýt hợp thổ nhưỡng, khí hậu nên phát triển nhanh, nhưng cũng khó tính nếu không biết cách chăm bón.

Quýt Nam Sơn có nhiều chủng loại như quýt đường, quýt chua, quýt bánh xe... Quýt Nam Sơn năm nay chất lượng và mẫu mã đẹp, do đó người dân thu hoạch đến đâu thì tư thương thu mua đến đấy, không phải mang ra chợ phiên để tiêu thụ hoặc bày bán dọc đường như trước kia.

Chị Hà Thị Lành, xã Vân Sơn (Tân Lạc), cho biết năm nay, thời tiết thuận lợi, cùng với việc chăm sóc đảm bảo đúng kỹ thuật, nên cây quýt không bị sâu bệnh. Chất lượng quả cũng đẹp hơn, quýt có vị ngọt thanh, múi mọng nước.

Vụ quýt nhà chị Lành, đến cuối tháng 12 mới chín rộ, hiện đã có nhiều thương lái đã đặt hàng mua cả vườn.

Anh Lương Đình Cương, thương lái tại chợ Long Biên (Hà Nội) cho biết: "Được sự giới thiệu từ bạn bè, năm nay tôi vào tận xã Vân Sơn để mua quýt, nhìn chung chất lượng, mẫu mã rất đạt tiêu chuẩn, nên được người tiêu dùng ưu chuộng, hàng về đến đâu là được tiêu thụ đến đấy. Về lâu dài, mong bà con phát huy giá trị quýt Nam Sơn để sản phẩm có cạnh tranh mạnh mẽ với các sản phẩm quýt các địa phương khác trong nước."

Hiện nay, quýt Nam Sơn đã được trồng phổ biến tại 17/17 xóm trên địa bàn xã Vân Sơn. Một số hộ đã cải tạo, xóa bỏ diện tích vườn tạp để trồng quýt cổ và chủ động học hỏi kinh nghiệm của các nhà vườn làm trước để áp dụng vào quá trình trồng, chăm sóc, do đó hạn chế tối đa sâu bệnh trên cây.

Bên cạnh đó, nhiều nhà vườn tạo mối liên kết với các doanh nghiệp thu mua sản phẩm, đảm bảo giá thành ổn định, không bị tư thương ép giá.

Ngoài ra, xã Vân Sơn đã nhân rộng diện tích trồng cây có múi khác như cam canh, cam lòng vàng... sản lượng trên 1ha trong thời kỳ kinh doanh có thể thu về từ 3-4 tấn quả.

ttxvn-2612-quyt-nam-son-hoa-binh-4.jpg
Quýt Nam Sơn có vỏ mỏng, múi dày, mọng nước, mùi thơm đặc trưng. (Ảnh: Thanh Hải/TTXVN)

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Vân Sơn, ông Hà Văn Hà cho biết xác định quýt cổ Nam Sơn là một trong những cây trồng chủ lực, giúp người dân xóa đói, giảm nghèo, xã đã làm tốt tuyên truyền, vận động nhân dân cải tạo vườn tạp, nhân rộng diện tích.

Thời gian tới, xã mong muốn các sở, ban, ngành quan tâm, hỗ trợ tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để bảo tồn giống và nâng cao chất lượng sản phẩm. Tạo mối liên kết với các doanh nghiệp, mở rộng thị trường tiêu thụ với giá thành ổn định.

Quýt Nam Sơn dễ trồng, được thiên nhiên ưu đãi, ít sâu bệnh lại có sức đề kháng tốt, chu kỳ thu hoạch của cây kéo dài, cho hiệu quả kinh tế cao.

Năm 2018, Ủy ban Nhân dân huyện Tân Lạc đã đón nhận bằng bảo hộ nhãn hiệu tập thể “Quýt Nam Sơn - xã Tân Lạc.”

Những nỗ lực của chính quyền và người dân Vân Sơn đã giúp cây quýt có điều kiện phát triển, vươn xa ra thị trường trong nước; đồng thời, hướng đến xây dựng quýt Nam Sơn trở thành nông sản đặc trưng chất lượng cao, giúp các hộ nâng cao thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội địa phương./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục