Khu xử lý rác thải tại Chiềng Khến, thị trấn Mãn Đức, huyện Tân Lạc (Hòa Bình) gây ô nhiễm trong thời gian dài, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời và sản xuất nông nghiệp của hàng trăm hộ dân nơi đây.
Điều đáng nói chính quyền địa phương vẫn đang loay hoay tìm ra phương án để giải quyết dứt điểm vấn đề này.
Khu xử lý rác thải của Công ty Cổ phần đầu tư Kim Đạt Việt đặt tại khu Chiềng Khến, thị trấn Mãn Đức có diện tích gần 2ha, đi vào hoạt động từ năm 2017, chuyên tập kết và xử lý rác thải cho các địa phương ở huyện Tân Lạc.
Tuy nhiên, do lượng rác thải quá nhiều và quá trình xử lý chưa đảm bảo đã gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng tới đời sống của người dân gần khu vực phụ cận.
Bên cạnh đó, khi có mưa, nước dồn về khu vực xử lý rác thải, dẫn đến tình trạng ùn ứ và chảy theo dòng suối xuống khu dân cư An Khang, gây ảnh hưởng đến cuộc sống và sinh hoạt của người dân.
Theo ghi nhận thực địa của phóng viên Thông tấn xã Việt Nam, khu xử lý rác thải nằm trên đỉnh đồi, cách khu vực dân cư An Khang khoảng 800m.
Hơn 100 hộ dân nơi đây đang phải hứng chịu hậu quả của ô nhiễm nghiêm trọng bởi nguồn nước ngầm khu vực suối Mó Cơi đã bị "đầu độc," màu nước đen kịt và bốc mùi hôi thối không thể sử dụng được. Bầu không khí nồng nặng mùi rác thải.
Gần 8 năm qua, người dân khu An Khang phải sống trong môi trường ô nhiễm, tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe, xáo trộn đời sống sinh hoạt.
Các hộ gia đình sinh sống dọc suối Mó Cơi bức xúc chia sẻ từ khi khu xử lý rác thải đi vào hoạt động, nguồn nước bị ô nhiễm, người dân phải tìm kiếm các mó nước khác để sử dụng hàng ngày.
Ngoài ra, người dân cũng cảm thấy bất an khi phải chung sống với mùi hôi thối bốc, đặc biệt trong thời điểm rác được đốt, khói đen bao phủ cả ngôi làng kèm theo mùi khét khó chịu.
Anh Bùi Văn Mẫn, Tổ trưởng khu An Khang, thị trấn Mãn Đức (Tân Lạc) cho biết nguồn nước bị ô nhiễm từ nhiều năm nay, ai cũng bức xúc và không dám sử dụng trong sinh hoạt hàng ngày; bà con đi làm ruộng không ai dám sử dụng nước rửa chân, rửa tay.
Anh Bùi Văn Linh, khu An Khang, thị trấn Mãn Đức (Tân Lạc) một trong những hộ sinh sống cạnh suối Mó Cơi cũng thông tin, trước đây, các hộ dân sinh sống ở đây chủ yếu dùng nguồn nước để sinh hoạt hàng ngày và tưới tiêu nông nghiệp. Nhưng từ khi khu xử lý rác thải đi vào hoạt động, nguồn nước bị ô nhiễm không thể sử dụng được nữa.
Để có nước sinh hoạt, người dân bắt buộc phải đi kiếm các nguồn nước trên đồi, cách đây khoảng 3-4km và dùng dây kéo về.
Tại khu xử lý rác, rác thải được doanh nghiệp thu gom chất đống, không phủ bạt, không được phân loại xử lý, một phần được đốt, phần còn lại được chôn lấp phía sau quả đồi.
Do khu xử lý rác nằm ở phía thượng nguồn nên nước rỉ rác thải thẩm thấu xuống đất, ảnh hưởng nghiêm trọng đến mạch nước ngầm của suối Mó Cơi.
Ông Bùi Văn Hiển, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thị trấn Mãn Đức (Tân Lạc) cho biết lãnh đạo thị trấn đã làm việc với Công ty Cổ phần đầu tư Kim Đạt Việt về thu gom rác thải và vận chuyển xử lý.
Hiện việc xử lý rác chủ yếu là chôn lấp. Quá trình chôn lấp, nước rỉ rác ngấm xuống lòng đất dẫn đến nguồn nước ngầm khu vực An Khang của thị trấn bị ô nhiễm.
Địa phương đã báo cáo, đề xuất Ủy ban Nhân dân huyện có giải pháp khắc phục sớm nhất để xử lý ô nhiễm tại bãi rác hiện nay.
Trước thực trạng khu xử lý rác thải đang gây ô nhiễm như hiện nay, chính quyền huyện Tân Lạc yêu cầu Công ty Cổ phần đầu tư Kim Đạt Việt thực hiện ngay các biện pháp khắc phục.
Trước mắt là phủ bạt toàn bộ bãi rác, đưa các thiết bị, máy móc để xử lý việc rò rỉ nước ra môi trường; đồng thời triển khai các phương án xây bao, thu dung nước thải và áp dụng công nghệ mới vào xử lý rác thải.
Địa phương đề nghị Ủy ban Nhân dân tỉnh Hòa Bình hỗ trợ kinh phí đầu tư sửa chữa, nâng cấp bãi chôn lấp, công nghệ, máy móc xử lý rác tồn đọng; hỗ trợ huyện di chuyển, xây dựng mới bãi rác đảm bảo các yêu cầu, tiêu chuẩn./.
Các đô thị nỗ lực giải bài toán xử lý rác thải cồng kềnh
Nhiều địa phương đã tiến hành quản lý, xử lý rác cồng kềnh trước khi thực hiện quy định bắt buộc phân loại rác tại nguồn từ 1/1/2025, tuy nhiên đây là bài toán nan giải, đặc biệt với các đô thị lớn.