'Hòa Bình cần khai thác tốt hơn tiềm năng vị trí giáp ranh Thủ đô'

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị tỉnh Hòa Bình cần khai tác tốt hơn tiềm năng, lợi thế cửa ngõ Thủ đô; "sao cho mâm cơm của người dân Hà Nội, Hòa Bình phải có thực phẩm từ Hòa Bình."
'Hòa Bình cần khai thác tốt hơn tiềm năng vị trí giáp ranh Thủ đô' ảnh 1Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Nhân dịp công tác tại địa phương, chiều 10/1, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Hòa Bình.

Đây cũng là buổi làm việc đầu tiên của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với địa phương trong năm 2021.

Hòa Bình từng được biết đến là cái nôi của người Việt cổ với nền văn hóa 4 Mường: Bi, Vang, Thàng, Động. Vùng đất Hòa Bình cũng có nhiều truyền thuyết độc đáo và hấp dẫn như: Sử thi “Đẻ đất, Đẻ nước," truyền thuyết ông Đùng, bà Đùng, Út Lót-Hồ Liêu...

Hòa Bình có 4 khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Sơn; Ngổ Luông, thuộc huyện Tân Lạc và Lạc Sơn; Thượng Tiến (Kim Bôi); Hang Kia-Pà Cò, huyện Mai Châu; Pu Canh, huyện Đà Bắc với hệ động, thực vật phong phú là tiềm năng lớn để phát triển du lịch sinh thái.

Đặc biệt, nhắc đến mảnh đất Hòa Bình, không thể không nói đến khu hồ sông Đà - hồ nhân tạo lớn nhất Đông Nam Á với phong cảnh thiên nhiên hữu tình, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia.

Trên địa bàn tỉnh có 296 di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh được quản lý bảo vệ, trong đó có hơn 70 hang động chứa đựng những di chỉ khảo cổ của nền văn hóa Hòa Bình.

Một số di tích đang trở thành điểm thu hút nhiều khách tham quan du lịch như quần thể di tích chùa Tiên, di tích Đồn điền Chi Nê và Nhà máy in tiền đầu tiên của chính quyền cách mạng ở huyện Lạc Thủy; di tích khảo cổ hang xóm Trại, huyện Lạc Sơn; di tích lịch sử văn hóa đền Thác Bờ, huyện Đà Bắc...

Tỉnh đã quan tâm bảo tồn các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể, tổ chức khôi phục và phát triển các giá trị văn hóa đặc sắc như: Lễ hội chùa Tiên, Lễ hội Khai hạ Mường Bi, Lễ hội đền Bờ, Lễ hội Xên Mường…

Nhiều điểm, khu du lịch tại Hòa Bình đang hoạt động khá hiệu quả như: Khu du lịch hồ Hòa Bình; khu nghỉ dưỡng cao cấp Serena Kim Bôi; khu du lịch An Lạc, xã Vĩnh Đồng; điểm du lịch Mai Châu Ecolodge (Nà Phòn), Mai Châu Villas; sân golf Phượng Hoàng (huyện Lương Sơn); điểm du lịch sinh thái Vịt Cổ xanh, thác thăng thiên, Cửu thác Tú Sơn...; Bảo tàng không gian văn hóa Mường, Bảo tàng di sản văn hóa dân tộc Mường (thành phố Hòa Bình); Làng văn hóa Việt-Mường (huyện Lương Sơn), Trung tâm bảo tồn di sản tiến sĩ Việt Nam (huyện Cao Phong)…

Theo báo cáo, năm 2020, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) Hòa Bình ước thực hiện 29.423,07 tỷ đồng, tăng 3,80% so với năm 2019. Tăng trưởng của tỉnh đạt trên trung bình cả nước, đứng thứ 28/63 tỉnh, thành phố và đứng thứ 9/14 tỉnh trung du miền núi phía Bắc. GRDP bình quân đầu người năm 2020 đạt 60,5 triệu đồng/người, so với năm 2019 tăng 7,55%.

Trong năm, toàn tỉnh có 16.000 lao động được tạo việc làm mới; 15.800 lao động được đào tạo nghề; tỷ lệ thất nghiệp 2,6%, so với năm 2019 giảm 0,4%; tỷ lệ hộ nghèo 8,56%, giảm 2,8% so với năm 2019.

Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Hòa Bình đã không ngừng vươn lên, xây dựng địa phương.

[Thủ tướng phát lệnh khởi công Dự án Nhà máy thủy điện Hòa Bình mở rộng]

Thủ tướng đề nghị tỉnh cần khai tác tốt hơn tiềm năng, lợi thế cửa ngõ Thủ đô; “sao cho mâm cơm của người dân Hà Nội, Hòa Bình phải có thực phẩm từ Hòa Bình."

Nhắc đến truyền thống quý báu của Hòa Bình, đóng góp rất lớn trong sự nghiệp kháng chiến, bảo vệ đất nước, Thủ tướng mong muốn chính quyền và nhân dân trong tỉnh phát huy truyền thống hào hùng, nỗ lực, phấn đấu vươn lên xây dựng Hòa Bình phát triển mạnh mẽ hơn.

Đề cập đến tiềm năng, lợi thế của địa phương, Thủ tướng lưu ý tỉnh cần khai thác tốt hơn nữa tiềm năng vị trí khu vực đường vành đai 5, giáp ranh với Hà Nội, nhất là trong lĩnh vực du lịch, thương mại. Cùng với đó là chú trọng, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn.

Đánh giá kết quả phát triển kinh tế-xã hội của Hòa Bình, Thủ tướng cho rằng tỉnh có những đóng góp quan trọng vào thành tựu chung của đất nước trong cả nhiệm kỳ vừa qua. Hòa Bình phát triển tương đối toàn diện, vượt các chỉ tiêu đặt ra trong bối cảnh chịu tác động nặng nề từ dịch COVID-19; thu ngân sách tăng 24% so với cùng kỳ; thu hút 21 dự án đầu tư.

Độ che phủ rừng của tỉnh đạt mức cao; Chương trình xây dựng nông thôn mới đạt 43% với 51 xã đạt chỉ tiêu nông thôn mới...

Tỉnh cũng tích cực chăm lo đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số, người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn.

'Hòa Bình cần khai thác tốt hơn tiềm năng vị trí giáp ranh Thủ đô' ảnh 2Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc xem hình ảnh về địa điểm thực hiện Dự án Nhà máy thủy điện Hòa Bình mở rộng. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Về những hạn chế tỉnh cần khắc phục, Thủ tướng cho rằng Hòa Bình chưa thực sự tận dụng tốt lợi thế vị trí cửa ngõ Tây Bắc, gắn liền với Thủ đô Hà Nội. Cơ cấu kinh tế nông nghiệp còn thấp, xây dựng thương hiệu sản phẩm nông nghiệp còn hạn chế, chưa có những sản phẩm chủ lực. Du lịch dù có phát triển nhưng chưa tạo nên sức hút mạnh mẽ với du khách và tận tụng tốt tiềm năng lợi thế sẵn có. Quy hoạch chưa đồng bộ, giải phóng mặt bằng là điểm yếu, còn khó khăn, kéo dài.

Đặc biệt, Thủ tướng chỉ rõ tỉnh chưa có dự án lớn, mang tính động lực cho phát triển. Cải cách hành chính còn nhiều tồn tại; môi trường đầu tư còn nhiều vấn đề cần khắc phục, chỉ số PCI xếp thứ 48 cả nước.

Các chỉ số phát triển doanh nghiệp nằm trong nhóm thấp của cả nước. Số lượng doanh nghiệp trên địa bàn thấp, chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa, mặc dù là vùng sát Thủ đô. Đời sống của một số bộ phận dân cư còn khó khăn, tình trạng tội phạm ma túy vẫn tiếp tục diễn ra tại một số địa bàn.

Đề nghị lãnh đạo tình Hòa Bình nhận thức rõ các hạn chế để khắc phục trong thời gian tới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mong muốn tỉnh cần hướng đến phát triển xanh hơn, mạnh mẽ hơn; phát huy tinh thần tự lực, tự cường trong toàn Đảng bộ; vận dụng nhiều nguồn lực để phát triển; tận dụng tốt các nguồn lực nhất là đất đai, hầm mỏ để phát triển.

Thủ tướng giao nhiệm vụ cho Hòa Bình tiếp tục chú trọng công tác phòng, chống dịch COVID-19; tiếp tục thực hiện mục tiêu kép.

Đáng chú ý, Thủ tướng đề nghị tỉnh tập trung xây dựng chương trình hành động của từng huyện, ngành để nhanh chóng thực hiện Nghị quyết 01 của Chính phủ về phát triển kinh tế-xã hội năm 2021; song song với triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.

Bên cạnh đó, tỉnh phải khẩn trương lập quy hoạch phát triển giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050, đi liền với đó là quy hoạch đất đai, khu công nghiệp, quy hoạch dịch vụ.

Tỉnh tái cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực liên quan, nhất là nông nghiệp; có chiến lược phát triển công nghiệp sạch, trở thành lĩnh vực đột phá về kinh tế-xã hội của địa phương. Quy hoạch du lịch cần đồng bộ hơn, thu hút nhiều hơn khách du lịch đến với Hòa Bình.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh đến yêu cầu cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để tăng cường thu hút đầu tư. 

Tại buổi làm việc, Thủ tướng căn dặn tỉnh Hòa Bình và Tập đoàn Điện lực Việt Nam cần có phương án đảm bảo an toàn, nhất là an toàn giao thông trong quá trình thi công Dự án Nhà máy Thủy điện Hòa Bình mở rộng với nhu cầu vận chuyển nguyên vật liệu rất lớn, thời gian dài và công trường xây dựng ngay trong địa bàn thành phố Hòa Bình./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục