Hòa Bình: Bản Bích Trụ vùng lòng hồ sông Đà có nhiều tiềm năng du lịch

Đến Bích Trụ, du khách được tham quan không gian văn hóa bản sắc dân tộc Mường, hòa mình vào thiên nhiên, trải nghiệm trò chơi dân gian và hoạt động thú vị trên mặt nước, thưởng thức ẩm thực Mường.

Điểm du lịch bản Bích Trụ, xã Hòa Bình, thành phố Hòa Bình. (Ảnh: TTXVN phát)
Điểm du lịch bản Bích Trụ, xã Hòa Bình, thành phố Hòa Bình. (Ảnh: TTXVN phát)

Từ khi xây dựng Công trình Thủy điện Hòa Bình, bản Bích Trụ nằm trọn trong vùng hồ sông Đà, gần như toàn bộ đất canh tác của người dân bị ngập sâu trong biển nước.

Từ đó Bích Trụ (xã Hòa Bình, thành phố Hòa Bình) trở thành bản vùng lòng hồ. Biến khó khăn thành lợi thế, người dân phát triển mạnh nghề nuôi trồng, đánh bắt thủy sản, đồng thời chú trọng bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, gìn giữ văn hóa truyền thống để phát triển du lịch, nghỉ dưỡng, góp phần nâng cao thu nhập cho bà con.

Bản Bích Trụ hiện có 53 hộ, phát triển mạnh nghề nuôi trồng thủy sản, với 167 lồng cá các loại và 4 hộ kết hợp nuôi trồng thủy sản và phát triển du lịch cộng đồng.

Đánh giá tiềm năng, lợi thế cần phát huy, tạo bước đột phá thời gian tới, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hòa Bình (tỉnh Hòa Bình) Bùi Quang Điệp nhấn mạnh Bích Trụ là nơi còn lưu giữ nhiều bản sắc văn hóa của dân tộc Mường và nằm trong quy hoạch xây dựng Khu Du lịch Quốc gia Hồ Hòa Bình.

ttxvn-2012bantru2-1161.jpeg
Các gian hàng bày bán các sản phẩm đặc trưng của dân tộc Mường tại bản Bích Trụ. (Ảnh: TTXVN phát)

Chính quyền địa phương đang từng bước đẩy mạnh giới thiệu, quảng bá đến du khách tiềm năng và các sản phẩm du lịch đặc sắc của bản. Đến với Bích Trụ, du khách được tham quan không gian văn hóa bản sắc dân tộc Mường, hòa mình vào thiên nhiên cũng như trải nghiệm trò chơi dân gian, hoạt động thú vị trên mặt nước như chèo thuyền, dù lượn, lướt ván phản lực, câu cá... Thành phố Hòa Bình đang hướng tới xây dựng bản Mường Bích Trụ trở thành sản phẩm du lịch nông thôn tiêu biểu.

Từ thành phố Hòa Bình, du khách chỉ mất 20 phút di chuyển đường sông hoặc đi đường bộ để đến bản Bích Trụ. Cách Thủy điện Hòa Bình hơn 3km, Bích Trụ được chia làm hai cụm dân cư chính nhưng nhìn tổng thể các hộ chủ yếu sinh sống men theo lòng hồ Hòa Bình. Ấn tượng đầu tiên khi đến đây là bản Mường vẫn giữ nguyên được nếp nhà sàn truyền thống.

Ông Bùi Văn Chức (người dân bản Bích Trụ) chia sẻ để bảo vệ rừng, từ lâu bản không còn dựng nhà sàn gỗ. Tuy nhiên, các hộ vẫn duy trì phong tục của cha ông để lại bằng cách chuyển sang xây nhà theo "kiểu" nhà sàn, vừa chắc chắn, vừa thoáng mát.

Đặc biệt, khi xây dựng nhà sàn, toàn bộ chuồng trại chăn nuôi được chuyển ra xa nhà ở đảm bảo vệ sinh môi trường.

Không chỉ lưu giữ những nếp nhà sàn, người dân còn giữ gìn nhiều phong tục, tập quán, làm nên nét cuốn hút độc đáo riêng ở Bích Trụ. Chị Bùi Thị Phương (dân bản) cho biết, cũng như những phụ nữ Mường ở Bích Trụ, chị luôn giữ thói quen mặc trang phục dân tộc vào ngày lễ, Tết. Các chị thành lập đội văn nghệ, thường xuyên luyện tập bài chiêng cổ, điệu Thường Rang-Bọ Mẹng để biểu diễn trong lễ, hội.

Không khó để nhận ra người dân Bích Trụ rất tự hào với bản làng của mình và luôn có ý thức bảo vệ, giữ gìn cảnh quan thiên nhiên. Vì vậy, bản Mường xinh đẹp đang là điểm đến lý tưởng nằm trên cung đường khám phá, trải nghiệm thiên nhiên, văn hóa du lịch vùng lòng hồ.

Ông Trần Văn Đoàn, Trưởng bản Bích Trụ cho biết người dân sinh sống chủ yếu bằng nghề đánh bắt, nuôi trồng thủy sản, việc giữ gìn môi trường nước trên hồ Hòa Bình có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.

Điểm giữ chân du khách mỗi khi đến vùng lòng hồ chính là phong cảnh thiên nhiên hùng vĩ, làn nước trong xanh, bản sắc văn hóa độc đáo. Vì vậy, hàng năm, thực hiện chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền, Ban công tác Mặt trận bản Bích Trụ xây dựng kế hoạch, vận động người dân chủ động thu dọn vệ sinh đường làng, ngõ xóm, xây dựng đường hoa, vườn hoa thanh niên...

ttxvn-2012bantru3-1486.jpeg
Hoạt động lướt ván phản lực trở thành điểm thu hút khách du lịch đến với bản Bích Trụ. (Ảnh: TTXVN phát)

Cùng với nghề nuôi trồng thủy sản gắn bó từ lâu đời, nhiều hộ dân tại Bích Trụ bắt đầu phát triển mô hình du lịch, nghỉ dưỡng. Đến đây, du khách có thể tham gia nhiều hoạt động trải nghiệm hấp dẫn như đi bộ, đạp xe khám phá bản làng, leo núi, chèo bè mảng, đánh bắt cá tôm, câu cá trên hồ hay thưởng thức các món ăn do bà con tự chăn nuôi, chế biến theo phong cách ẩm thực dân tộc Mường.

Ông Hà Văn Thiểm, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Hòa Bình cho biết với những lợi thế về cảnh quan thiên nhiên, Đảng ủy, Ủy ban Nhân dân xã triển khai xây dựng Bích Trụ trở thành điểm du lịch cộng đồng tại vùng lòng hồ.

Xã hỗ trợ các hộ đầu tư xây dựng cảnh quan, sản phẩm du lịch độc đáo và kết nối du lịch với bản vùng lòng hồ của huyện Đà Bắc tạo ra tuyến du lịch hấp dẫn vùng lòng hồ.

Ủy ban Nhân dân thành phố Hòa Bình vừa tổ chức Ngày hội Văn hóa, Thể thao, Du lịch tại bản Mường Bích Trụ. Tại Ngày hội diễn ra nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, trò chơi dân gian, thi đấu thể thao dân tộc.

Đặc biệt, tại Ngày hội, các hoạt động đua thuyền kayak, trình diễn dù lượn thể thao có động cơ; trưng bày không gian văn hóa đặc trưng dân tộc Mường; triển lãm sản phẩm du lịch đặc trưng và hoạt động trang trí vườn hoa thanh niên được tổ chức.

Trong khuôn khổ Ngày hội, thành phố Hòa Bình tổ chức Chương trình du lịch tham quan hồ Hòa Bình - Không gian Văn hóa bản Mường Bích Trụ-thác Giăng-đền Chúa Thác Bờ; tham quan điểm du lịch của thành phố.

Với nhiều hoạt động hấp dẫn, Ngày hội để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng du khách về một bản Mường với non nước hữu tình, sự hiếu khách và giàu bản sắc văn hóa dân tộc./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục