Chiều 16/9, thông tin từ Bệnh viện Trung ương Huế (Thừa Thiên-Huế) cho biết vừa mổ lấy thai thành công cho một sản phụ (30 tuổi, trú ở tỉnh Quảng Bình).
Hiện nay, sức khỏe sản phụ và bé gái sơ sinh đều ổn định. Đây là một trong số những trường hợp được Bệnh viện Trung ương Huế hội chẩn, tư vấn từ xa vào ngày 1/9 vừa qua.
Người phụ nữ này mang thai nhờ thụ tinh trong ống nghiệm, thai khoảng 35 tuần dọa sinh non và mắc hội chứng tăng đông máu.
[Đỡ đẻ thành công cho sản phụ mắc COVID-19 từ Nga về nước]
Bệnh nhân được Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam-Cuba Đồng Hới (Quảng Bình) chọn hội chẩn trực tuyến với Bệnh viện Trung ương Huế vào ngày 1/9.
Sản phụ từng có tiền sử sảy thai hai lần và được khâu eo cổ tử cung.
Sau hội chẩn trực tuyến, sản phụ được chuyển đến Khoa Sản, Bệnh viện Trung ương Huế để tiếp tục theo dõi điều trị vào lúc thai được 36 tuần 4 ngày.
Lúc nhập viện, bệnh nhân tỉnh táo, tim phổi chưa phát hiện bất thường; tim thai 140l/p, thai nhi phát triển trong tử cung, Doppler thai nằm trong giới hạn bình thường.
Quá trình điều trị tại Bệnh viện Trung ương Huế, bệnh nhân được chăm sóc đặc biệt tại phòng Sinh, Khoa Sản và làm các xét nghiệm chẩn đoán.
Đơn vị đã tiến hành hội chẩn liên khoa Phụ sản-Huyết học lâm sàng-Nội tim mạch-Ngoại tim mạch-Nhi sơ sinh và quyết định mổ lấy thai chủ động cho thai phụ vào sáng 16/9.
Lúc này, thai đã được 37 tuần 1 ngày. Bé gái sơ sinh được sinh ra khỏe mạnh, nặng 3kg.
Một trường hợp khác được điều trị thành công dưới sự hỗ trợ và hội chẩn trực tuyến của Bệnh viện Trung ương Huế là một nữ bệnh nhân (85 tuổi, trú tỉnh Hà Tĩnh).
Bệnh nhân có nhiều bệnh nền, thể trạng suy kiệt, bị gãy liên mấu chuyển xương đùi trái.
Ngày 10/9, bệnh nhân được Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh đưa ra hội chẩn trực tuyến với Bệnh viện Trung ương Huế.
Sau khi hội chẩn, Bệnh viện Trung ương Huế đã cử kíp bác sỹ phẫu thuật và gây mê đến hỗ trợ cho Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh.
Kíp phẫu thuật đã quyết định sử dụng phương pháp kết hợp xương dưới màn hình tăng sáng với can thiệp xâm nhập tối thiểu nhưng hiệu quả tối ưu, nhằm giảm gánh nặng hậu phẫu cho bệnh nhân. Đây là kỹ thuật được thực hiện lần đầu tiên tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh.
Kết quả phẫu thuật rất tốt và sức khỏe bệnh nhân đang dần bình phục.
Lãnh đạo Bệnh viện Trung ương Huế cho biết đơn vị đã đưa các hoạt động tư vấn khám, chữa bệnh từ xa vào thực hiện thường quy hằng tuần nhằm duy trì, phát huy hiệu quả của Đề án Khám chữa bệnh từ xa của Bộ Y tế. Các hoạt động này có ý nghĩa rất quan trọng trong giai đoạn dịch COVID-19.
Việc triển khai thực hiện tốt hoạt động khám, chữa bệnh từ xa sẽ phát huy được hiệu quả khám, chữa bệnh cho người dân; giúp người dân được sử dụng dịch vụ y tế có chất lượng của tuyến trên ngay tại cơ sở y tế tuyến dưới, đặc biệt là các bệnh nhân ở vùng sâu, vùng xa trên khắp cả nước. Song song đó, hoạt động góp phần phòng, chống dịch bệnh, giảm quá tải bệnh viện tuyến trên.
Hoạt động đào tạo trực tuyến được Bệnh viện Trung ương Huế chú trọng, góp phần nâng cao năng lực lực lượng cán bộ y tế tuyến dưới; tăng hiệu quả khám, chữa bệnh và giúp cho người bệnh được hưởng dịch vụ y tế tốt hơn tại các cơ sở y tế tuyến dưới.
Thời gian qua, là bệnh viện tuyến cuối, tiếp nhận nhiều trường hợp bệnh khó, đội ngũ y bác sỹ Bệnh viện Trung ương Huế thường xuyên kết nối, thảo luận với các chuyên gia quốc tế để hội chẩn trực tuyến. Qua đó, các bác sỹ đơn vị tiếp cận, tiếp thu được những kỹ thuật y học phức tạp, tiên tiến nhất thế giới./.