Hỗ trợ doanh nghiệp vào thị trường Trung Đông

Hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp Việt tiếp cận Trung Đông

Theo Vụ trưởng Thị trường châu Phi, Tây Á và Nam Á, các cơ quan quản lý Nhà nước luôn hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận thị trường Trung Đông.
Hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp Việt tiếp cận Trung Đông ảnh 1Chế biến cá tra xuất khẩu. (Ảnh minh họa: Phương Vy/TTXVN)

Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Phi, Tây Á và Nam Á thuộc Bộ Công Thương, ông Trần Quang Huy khẳng định các nước Trung Đông có nhu cầu lớn về nhập khẩu lương thực, thực phẩm, nông sản, thủy sản và hàng tiêu dùng.

Phát biểu tại hội thảo “Tiềm năng và cơ hội kinh doanh với các nước Trung Đông,” tổ chức ngày 18/4, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Vụ trưởng Trần Quang Huy cho biết Bộ Công Thương và các cơ quan quản lý Nhà nước luôn cố gắng hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận thị trường đầy tiềm năng này.

Ông Trần Quang Huy cũng lưu ý các doanh nghiệp bên cạnh việc khảo sát thị trường Trung Đông, tìm hiểu các điều kiện hợp tác, các doanh nghiệp cũng cần tìm hiểu về văn hóa, tôn giáo, chính trị tại các quốc gia thuộc khu vực này để phòng tránh được các rủi ro khách quan ảnh hưởng đến hợp tác thương mại hai bên.

Vụ trưởng Trần Quang Huy cũng cho biết Trung Đông là khu vực có tiềm năng lớn về dầu mỏ, khí đốt; tiềm năng tài chính lớn. Tuy nhiên do điều kiện tự nhiên khắc nghiệt nên nhu cầu về các mặt hàng như sản phẩm sữa, hạt tiêu, hạt điều, gạo là rất có triển vọng. Đây là cơ hội lớn để các doanh nghiệp Việt Nam hợp tác với các nước trong khu vực Trung Đông, đặc biệt là các nước thuộc khối Hội đồng hợp tác Vùng Vịnh (GCC), nơi áp dụng thuế nhập khẩu thấp từ 0-5% đối với hàng hóa nhập khẩu từ bên ngoài khối.

Bên cạnh đó, các thị trường như Thổ Nhĩ Kỳ, Israel, Iran, Iraq là những thị trọng điểm mà các doanh nghiệp Việt Nam cần quan tâm.

Theo ông Trần Quang Huy, cơ cấu những mặt hàng xuất nhập khẩu của Trung Đông khá phù hợp với những mặt hàng xuất khẩu thế mạnh và nhu cầu của Việt Nam. Tuy nhiên, vẫn có những rào cản thương mại lớn đối với việc xuất khẩu thực phẩm sang thị trường này. Các nước GCC, Thổ Nhĩ Kỳ… yêu cầu đối với mặt hàng thực phẩm nhập khẩu vào thị trường của họ cần có giấy chứng nhận Halal, một yêu cầu có tính tôn giáo hơn là tính thương mại.

Theo Ban đại diện Cộng đồng Hồi giáo tại Thành phố Hồ Chí Minh, để được cấp chứng nhận Halal cho phép xuất khẩu vào thị trường Hồi giáo, các doanh nghiệp tuân thủ nghiêm ngặt những quy định về chế biến thực phẩm theo quy định.

Cụ thể như thực phẩm Halal tuyệt đối không phải thịt lợn hay những sản phẩm liên quan đến thịt lợn; thực phẩm Halal phải do người Hồi giáo giết mổ; động vật phải được giết mổ đúng cách; không phải thịt thú rừng có một răng nanh và chim chóc có móng vuốt…

Đặc biệt, rượu và đồ uống có cồn không được cấp chứng nhận Halal. Doanh nghiệp sau khi tìm hiểu kỹ những yêu cầu trên sẽ lập hồ sơ xin cấp chứng nhận Halal gửi tới các cơ quan cấp giấy chứng nhận Halal ở Việt Nam. Các cơ quan này sau khi tiếp nhận hồ sơ sẽ trực tiếp tới khảo sát thực tế, nếu đạt đủ tiêu chuẩn sẽ cấp chứng nhận Halal (có giá trị một năm). Các sản phẩm xuất khẩu có giấy chứng nhận Halal sẽ giúp doanh nghiệp tăng khả năng tiêu thụ, nâng cao và mở rộng thị trường của doanh nghiệp xuất khẩu.

Năm 2013, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Đông đạt gần 6,7 tỷ USD; trong đó kim ngạch xuất khẩu sữa và các sản phẩm sữa đạt 184 triệu USD, hạt tiêu đạt 96 triệu USD, hạt điều đạt 78 triệu USD./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục