Khi có kế hoạch sản xuất kinh doanh, hợp tác xã có thể triển khai thực hiện và mang lại lợi nhuận cho các thành viên. Thế nhưng, để có thể phát triển lâu dài và bền vững, các hợp tác xã phải tự tìm đến các chuỗi liên kết theo giá trị. Có như vậy, hợp tác xã mới có thể khẳng định được thế mạnh của người sản xuất ra sản phẩm chất lượng.
Khuyến khích tham gia mô hình chuỗi giá trị
Thời gian qua, để xây dựng hệ thống hợp tác xã phát triển vững mạnh, Liên minh hợp tác xã Việt Nam đã tiến hành khảo sát nhiều hợp tác xã khu vực phía Nam để đề xuất tham gia vào mô hình chuỗi giá trị. Điển hình như các hợp tác xã tại Bình Thuận, Tây Ninh, Đồng Tháp, Cà Mau... Các hợp tác xã tham gia chuỗi này sẽ được đảm bảo ổn định từ khâu dịch vụ đầu vào, sản xuất và đầu ra của sản phẩm, thông qua mối liên kết giữa hợp tác xã và doanh nghiệp.
Thông qua mô hình chuỗi giá trị, các hợp tác xã được liên kết với các trung tâm khoa học công nghệ để chuyển giao quy trình sản xuất sản phẩm đạt chất lượng cao, hướng đến sản xuất các sản phẩm hữu cơ, nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm trong hợp tác xã, tăng khả năng được lựa chọn hơn khi doanh nghiệp ký kết hợp đồng tiêu thụ, tạo niềm tin sản phẩm chất lượng trong lòng người tiêu dùng.
Bằng chữ tín xây dựng từng bước, chuỗi giá trị sản phẩm do hợp tác xã làm ra sẽ càng lớn mạnh và được nhân rộng khi thị trường chấp nhận, tìm kiếm.
Mô hình chuỗi giá trị này có thể giúp các hợp tác xã khắc phục những khó khăn trong quá trình thực hiện sản xuất, cung ứng sản phẩm. Cụ thể, các hợp tác xã cần thêm công cụ hỗ trợ trong truy xuất nguồn gốc như phần mềm ứng dụng truy xuất nguồn gốc, cách tổ chức sản xuất, hệ thống thu thập số liệu sản xuất...
Bên cạnh đó, theo mô hình này, chất lượng nguồn nhân lực và trình độ quản lý của Ban quản trị hợp tác xã sẽ được cải thiện, nâng cao qua các chương trình liên kết, hợp tác đào tạo nguồn nhân lực cho hợp tác xã.
Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó Giám đốc Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ, an toàn vệ sinh thực phẩm đang là vấn đề hàng đầu trong chuỗi sản xuất và liên kết sản xuất, tiêu thụ. An toàn thực phẩm chỉ được giải quyết đồng bộ theo hướng tiếp cận chuỗi giá trị. Các hợp tác xã phải nâng cao trách nhiệm của nhà sản xuất, gắn kết với người tiêu dùng. Có như vậy mối liên kết sản xuất đa vùng theo chuỗi sản xuất-cung ứng-tiêu thụ nông sản thực phẩm an toàn mới được thực hiện một cách căn cơ.
Các hệ thống phân phối của Thành phố Hồ Chí Minh sẽ phát tín hiệu thị trường để định hướng sản xuất cho các địa phương vùng nguyên liệu, đồng thời chỉ nhận bán những hàng hóa đạt chuẩn chất lượng, có truy xuất nguồn gốc.
Bên cạnh đó, Thành phố Hồ Chí Minh cũng sẽ hỗ trợ, hướng dẫn cải thiện bao bì, mẫu mã, cam kết tiêu thụ, ưu tiên chọn làm hàng nhãn riêng và hỗ trợ quảng bá, từ đó, giúp hình thành chuỗi liên kết chặt chẽ giữa nhà sản xuất, nhà phân phối và người tiêu dùng.
Phát triển kinh tế hợp tác xã là bắt buộc
Kết quả phân loại hơn 9.200 hợp tác xã nông nghiệp năm 2017 cho thấy, số hợp tác xã hoạt động tốt chỉ chiếm 12% (1.115 hợp tác xã), 34,3% hoạt động khá (3.178 hợp tác xã), 41,3% ở mức trung bình (3.830 hợp tác xã) và còn đến 12,4% hợp tác xã xếp loại yếu (1.143 hợp tác xã). Điều này chứng minh, kinh tế hợp tác xã là con đường bắt buộc trong xu thế cạnh tranh hiện nay.
Thông qua sự liên kết các cá thể sản xuất thành một nhóm sản xuất, sẽ tạo thế mạnh hơn nữa cho những thành viên này. Trong điều kiện thị trường mất cân xứng, triệu người bán, vạn người mua, nếu không liên kết, người nông dân sẽ chịu thiệt.
Tại Hội nghị trực tuyến triển khai Nghị định 98/2018/NĐ-CP của Chính phủ và Quyết định 461/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ diễn ra ngày 18/8 vừa qua, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã khẳng định để có 15.000 hợp tác xã hoạt động có hiệu quả đến năm 2020 thì phải phấn đấu rất gian khổ. Vì vậy, liên kết gắn sản xuất và tiêu thụ nông sản có vai trò rất quan trọng trong phát triển nông nghiệp. Liên kết giúp nâng cao lợi ích của các tác nhân tham gia, đặc biệt đối với nông dân; hạn chế tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, tăng quy mô sản xuất hàng hóa...
[Hỗ trợ tín dụng cho hợp tác xã: Nguồn quỹ tín dụng nghèo nàn]
Đứng trước yêu cầu phát triển kinh tế tập thể cấp thiết này, thành lập hợp tác xã là nhiệm vụ bắt buộc, là mệnh lệnh để thực hiện chủ trương của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội, quyết định của Chính phủ. Chủ thể thực hiện vẫn là người nông dân, là đầu mối để đưa sản xuất nông nghiệp lên sản xuất lớn, phát huy vai trò kinh tế hộ, tăng cường liên kết hợp tác xã với nông dân, các nhà khoa học.
Bên cạnh khuyến khích, hỗ trợ cho các hợp tác xã phát triển đồng bộ, các địa phương phải tiếp tục củng cố và gia tăng chất lượng 4.400 hợp tác xã đang hoạt động hiệu quả; trong đó có 1.500 hợp tác xã phải đi vào ứng dụng công nghệ cao...
Hướng đến mục tiêu 25% hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng các công nghệ cao thuộc nhóm công nghệ sinh học, công nghệ tự động hóa, bán tự động, công nghệ thông tin và công nghệ sản xuất vật tư nông nghiệp.
Để làm được điều này, Phó Thủ tướng đã đề nghị Ngân hàng Nhà nước sớm ban hành nghị định sửa đổi Nghị định 55/ 2015/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, tập trung vốn hơn nữa cho lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn, theo đó, sẽ cho phép tổ chức, cá nhân được thế chấp tài sản hình thành sau vốn vay, được vay tín chấp để tái đầu tư cho sản xuất nông nghiệp, nhất là nông nghiệp công nghệ cao...
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương đánh giá lại đất đai và tài sản trên đất của các hợp tác xã, tạo điều kiện để các hợp tác xã có đủ điều kiện để vay vốn ngân hàng. Chính phủ cũng đã chỉ đạo các bộ liên quan sớm sửa Nghị định số 210/2013/NĐ-CP về khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn
Riêng từng địa phương thực hiện xây dựng kinh tế hợp tác xã phải khắc phục tình trạng buông lỏng, chú trọng, quan tâm hơn nữa đến các hoạt động của hợp tác xã. Mỗi địa phương thực hiện phát triển kinh tế hợp tác xã phải tránh chuyện hành chính cưỡng ép, tránh bệnh thành tích, khắc phục tình trạng đưa vào cho đủ chỉ tiêu phát triển hợp tác xã để xét công nhận nông thôn mới./.