Để đẩy nhanh tiến độ chi hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động, hiện các quận, huyện và thành phố Thủ Đức đã huy động thêm tình nguyện viên là giáo viên, đoàn viên hỗ trợ xử lý hồ sơ; đồng thời bố trí cán bộ làm việc cả ngày thứ Bảy, Chủ nhật.
Các cấp ngành, cơ quan liên quan cũng chung tay vào cuộc với quyết tâm cao để đưa chính sách an sinh, thúc đẩy phát triển kinh tế của Thủ tướng Chính phủ sớm đến với người lao động.
Đồng hành chạy nước rút
Trong những ngày giữa tháng 8, Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội Quận 3 trở nên sôi động do tăng “quân số làm việc” và đông đại diện doanh nghiệp đến hoàn tất hồ sơ.
Chị Nguyễn Thanh Lam, cán bộ Bộ phận tiếp nhận hồ sơ, Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội Quận cho biết mỗi ngày tiếp nhận,đơn vị hướng dẫn trực tiếp trên 100 doanh nghiệp bổ sung hoàn tất hồ sơ cho người lao động.
Đặc biệt, những ngày gần đây, lượng doanh nghiệp đến nộp hồ sơ tăng đột biến. Nhiều bộ phận đã làm phải làm đêm, làm thêm cả ngày thứ Bảy, Chủ nhật.
Theo bà Vũ Thị Mỹ Ngọc, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân Quận 3, cực nhất là bộ phận tiếp nhận, phân loại, hướng dẫn và thẩm định hồ sơ. Do vậy, Ủy ban nhân dân quận đã tăng cường thêm gần 10 cán bộ từ lĩnh vực khác cùng lực lượng tình nguyện tham gia đảm nhận nhiệm vụ.
Đồng hành cùng các bộ phận liên quan, Hội đồng xét duyệt ngoài hai ngày cố định trong tuần cũng căng mình làm thêm giờ. Quy định của Hội đồng là khi được triệu tập trong khoảng 30 phút phải có mặt để tiến hành họp ra quyết định ngay, nếu không có mặt được coi như đồng ý ký vào biên bản.
[Để tiền hỗ trợ thuê nhà đến tay người lao động: Trên thông, dưới tắc]
Tương tự, để đẩy nhanh tiến độ, ông Bùi Thế Hải, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Quận 10 đã tăng cường thêm 8 giáo viên hỗ trợ và tiến hành tổ chức xét duyệt hồ sơ, ra quyết định chi hỗ trợ, chuyển Kho bạc giải ngân cho doanh nghiệp mỗi ngày.
Đồng thời, Ủy ban nhân dân quận đôn đốc doanh nghiệp chi trả cho người lao động đúng hạn, thực hiện thanh quyết toán với cơ quan chức năng sau khi giải ngân; tiến hành hậu kiểm để đảm bảo đúng đối tượng thụ hưởng và người lao động sớm nhận được tiền hỗ trợ thuê nhà.
Ông Bùi Thế Hải cam kết, ưu tiên của quận hiện nay là tập trung giải ngân chi trả hỗ trợ cho người lao động. Địa phương cố gắng hoàn thành trước ngày quy định trong tháng 8.
Nhiều địa phương như Quận 4, 5, 10, Phú Nhuận, Bình Tân, huyện Nhà Bè, Củ Chi, Hóc Môn, thành phố Thủ Đức… chọn giải pháp gắn trách nhiệm của doanh nghiệp, người sử dụng lao động với việc xác minh, lập hồ sơ người lao động thuộc diện được hỗ trợ, đẩy nhanh các bước xác nhận. Nhờ đó, việc ra quyết định nhanh hơn so với trước đây.
Bà Lê Thị Ánh Tuyết, Trưởng Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Củ Chi cho biết do Quyết định 08 đã quy định cụ thể về trách nhiệm, nghĩa vụ của từng đơn vị, đối tượng liên quan, Ủy ban nhân dân huyện không lập tổ thẩm định xét duyệt; đồng thời, thường xuyên đôn đốc, thẩm định, giải quyết nhanh từng hồ sơ để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và tiền hỗ trợ đến tay người lao động.
Chủ trương đúng góp phần đảm bảo an sinh xã hội
Đến ngày 25/8, 21 quận, huyện và thành phố Thủ Đức đã tiếp nhận hơn 70.500 doanh nghiệp với hơn 1,69 triệu người lao động đề nghị hưởng chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà theo Quyết định 08.
Các địa phương đã phê duyệt ban hành quyết định hỗ trợ cho hơn 42.792 doanh nghiệp với hơn 1,21 triệu người lao động với số tiền hơn 672 tỷ đồng, đạt 69,36% so với dự toán kinh phí.
Chính sách nhân văn, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của Thủ tướng Chính phủ cùng với sự quan tâm của các cấp ngành, chính quyền địa phương đã kịp thời hỗ trợ, động viên khích lệ người lao động tích cực thi đua sản xuất.
Bà Nguyễn Thị Hồng Ngọc, Chủ tịch Công đoàn Công ty cổ phần Garmex Sài Gòn (quận Gò Vấp) cho biết, ngay sau khi nhận được tiền hỗ trợ từ địa phương, Công ty đã chi trả cho 858 người lao động đang ở trọ với tổng số tiền hơn 400 triệu đồng.
Nhiều người lao động không giấu được niềm vui sau khi nhận được tiền hỗ trợ thuê nhà tháng 4 và 5, giải tỏa được phần nào những bứt bách, khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh. Trong quá trình thực hiện, Công ty cũng như người lao động gặp một số trở ngại, nhất là việc xác nhận của chủ nhà trọ do họ ở xa nơi cho thuê.
Tuy nhiên, với ý thức, trách nhiệm của doanh nghiệp và của tổ chức Công đoàn trong việc chăm lo bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng cho người lao động cùng với sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương, các thủ tục đã sớm hoàn tất và chi trả cho người lao động kịp thời.
Cũng trải qua nhiều ngày khó khăn, thay đổi, điều chỉnh, bổ sung, đến nay, Công ty Trách nhiệm hữu hạn phần mềm Moso hay Siêu thị Sài Gòn (thuộc Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn trách nhiệm hữu hạn Một thành viên) ở Quận 10 đã có hơn 100 lao động nhận được tiền hỗ trợ thuê nhà với tổng số tiền gần 120 triệu đồng.
Bà Nguyễn Ngọc Anh, Trưởng Phòng Nhân sự Công ty Trách nhiệm hữu hạn phần mềm Moso cho biết, trong khoảng thời gian từ 2-3 ngày kể từ khi Ủy ban nhân dân quận phê duyệt và kho bạc giải ngân, Công ty đã chi trả cho người lao động thông qua các tài khoản cá nhân. Có thêm khoản tiền hỗ trợ ngay sau khi dịch bệnh được kiểm soát, người lao động càng yên tâm gắn bó với công việc, tin tưởng vào các quyết sách của Đảng, Nhà nước; đồng thời, càng gắn bó và đồng hành cùng doanh nghiệp.
Chị Nguyễn Hoàng Thanh Thủy, một trong những công nhân nhận được tiền hỗ trợ đợt này chia sẻ, mỗi tháng, chị phải dành khoảng 30% thu nhập để thanh toán tiền thuê nhà trọ, điện, nước. Vì vậy, khi Chính phủ có chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà, chị cùng nhiều đồng nghiệp vui mừng vì có thêm chi phí để trang trải phần nào cuộc sống. Dù không nhiều nhưng khoản tiền này thật sự có ý nghĩa với chị và các đồng nghiệp; giúp mọi người có thêm động lực để làm việc.
Hoàn cảnh gia đình chị Trần Thị Ngọc Phương, công nhân Công ty Trách nhiệm hữu hạn Pouyuen Việt Nam, ở quận Bình Tân rất khó khăn bởi 5 người trong gia đình (gồm hai vợ chồng cùng 3 đứa con nhỏ) đều dựa vào thu nhập hơn 6 triệu đồng/tháng của chị và những cuốc xe ôm công nghệ của anh.
Với gia đình chị Phương, số tiền hỗ trợ lúc này giúp giảm áp lực nỗi lo cơm áo gạo tiền, nhà trọ. Chị Phương chia sẻ cuộc sống vất vả khi từ Sóc Trăng quay trở lại Thành phố làm việc. Vì vậy, khi nhận được khoản hỗ trợ, hầu hết người lao động rất phấn khởi. Khoản tiền này thật sự có ý nghĩa, có giá trị đối với người lao động nghèo, giúp mọi người vượt qua giai đoạn khó khăn.
Hiện hơn 26.200 công nhân Công ty Trách nhiệm hữu hạn Pouyuen Việt Nam, ở quận Bình Tân đã nhận được hỗ trợ đợt tháng 4 với tổng số tiền hơn 13 tỷ đồng; 800 công nhân Công ty trách nhiệm hữu hạn Hansae Việt Nam (ở Khu Công nghiệp Tây Bắc, huyện Củ Chi) đã nhận được hơn 1,1 tỷ đồng tiền hỗ trợ thuê nhà tháng 4, 5 và 6.
Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thêu Vĩnh Dương ở quận Tân Phú có 213 người lao động ngoại tỉnh có hoàn cảnh khó khăn được nhận hỗ trợ 1,5 triệu đồng/người tiền thuê nhà từ chính sách…
Có thể thấy, ngay sau khi có Quyết định 08 của Thủ tương Chính phủ, cùng với cả nước, Thành phố Hồ Chí Minh đã nhanh chóng triển khai đến các cấp ngành và 21 quận, huyện, thành phố Thủ Đức; đồng thời, phổ biến rộng rãi, hướng dẫn, động viên các doanh nghiệp, người lao động, các đơn vị liên quan thực hiện chính sách an sinh xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế.
Tuy gặp nhiều khó khăn trong giai đoạn đầu triển khai thực hiện nhưng bằng sự nỗ lực, quyết tâm, quyết liệt của chính quyền, các cấp ngành Thành phố Hồ Chí Minh cùng với tinh thần, trách nhiệm chung của mỗi cá nhân, tổ chức đơn vị đã góp phần đưa chính sách nhanh chóng đi vào thực tiễn, giải quyết nhu cầu cấp bách về an sinh xã hội của người lao động đang làm việc hay quay lại thị trường lao động.
Việc hỗ trợ người lao động cũng chính là hỗ trợ “vốn quý” cho doanh nghiệp giải quyết khâu then chốt để phục hồi, phát triển, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương, đất nước sau đại dịch COVID-19./.