Thực hiện chương trình làm việc sáng 11/11, các đại biểu Quốc hội làm việc tại Tổ, cho ý kiến về dự án Luật Đường sắt (sửa đổi) và Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi).
Tạo đột phá để giao thông đường sắt phát triển
Thảo luận về dự thảo Luật Đường sắt (sửa đổi), các ý kiến đại biểu đều thống nhất cho rằng việc sửa đổi Luật Đường sắt năm 2005 là rất cần thiết, không thể chậm trễ hơn.
Nhiều ý kiến cho rằng trong thời gian qua, lĩnh vực giao thông đường sắt chưa được quan tâm đầu tư tương xứng với vị trí và tầm quan trọng của nó so với các loại hình giao thông khác và không đáp ứng được yêu cầu phát triển đất nước hiện nay.
Tuy Luật Đường sắt năm 2005 đã góp phần tích cực trong việc điều chỉnh các hoạt động giao thông vận tải đường sắt, từng bước đổi mới ngành đường sắt phù hợp với tình hình phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam trong giai đoạn vừa qua nhưng bước vào thời kỳ phát triển mới với yêu cầu và nhiệm vụ mới rất nặng nề thì giao thông vận tải đường sắt bộc lộ nhiều bất cập.
Đó là kết cấu hạ tầng đường sắt lạc hậu, xuống cấp; đường sắt quốc gia là đường đơn, khổ rộng 1m, trong khi đó hầu hết các nước trên thế giới đã sử dụng đường sắt khổ rộng 1,435m; hệ thống tín hiệu không đồng bộ, nhiều thế hệ từ nhiều quốc gia; nhiều điểm giao cắt đồng mức với đường bộ gây mất an toàn; công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý, điều hành, vận hành phương tiện hầu như chưa được ứng dụng... năng lực thông qua thấp.
Tỷ trọng đầu tư cho hạ tầng ngành đường sắt so với các loại hình giao thông khác là rất thấp, không phù hợp với cơ cấu đầu tư trong nước và xu thế phát triển của lĩnh vực này trên thế giới. Sản lượng vận tải hàng hóa ngành đường sắt so với toàn ngành giao thông trong những năm gần đây giảm dần.
Hệ thống đường sắt chưa được kết nối hài hòa với các loại hình giao thông khác để tạo nên một mạng lưới đồng bộ. Quản lý, quản trị giao thông đường sắt không còn phù hợp với cơ chế mới, cồng kềnh, thiếu khoa học, chưa được thị trường hóa, chưa huy động được các nguồn lực đầu tư...
Thể hiện sự đồng tình cao với việc cần phải sửa đổi Luật Đường sắt hiện hành, đại biểu Nguyễn Văn Thể (Sóc Trăng) hy vọng dự Luật sửa đổi sẽ tạo nên cơ chế đột phá phát triển giao thông vận tải đường sắt, xứng với tiềm năng của ngành.
Tuy nhiên, theo đại biểu, dự luật chưa làm được điều này, chưa có quy định để thấy rõ những "cú hích" để giúp ngành đường sắt phát triển. Đánh giá việc tạo sự rõ ràng, minh bạch đối với các chính sách thu hút các nguồn lực xã hội đầu tư vào đường sắt, để các doanh nghiệp yên tâm bỏ vốn đầu tư là một trong những khâu đột phá mà dự luật cần hướng tới, đại biểu Nguyễn Văn Thể đề nghị phải ban hành một chương nói về trình tự tiếp cận các quy định liên quan tới xã hội hóa đường sắt, qua đó giúp doanh nghiệp dễ dàng trong tiếp cận, từ đó mới góp phần thúc đẩy sự phát triển đường sắt.
Phân tích những lợi thế của đường sắt chuyên dụng mang lại đối với khu công nghiệp, đại biểu Thể đề xuất cần có cơ chế khuyến khích loại hình đường sắt này phát triển.
Đánh giá phương thức vận tải đường sắt có nhiều ưu việt so với các phương thức vận tải khác như bảo vệ môi trường, mức độ an toàn cao, diện tích sử dụng đất ít, khả năng vận chuyển lớn, ít phụ thuộc vào thời tiết, vì vậy nhiều ý kiến đề nghị dự thảo Luật bổ sung các chính sách thu hút các nguồn lực xã hội; tạo môi trường bình đẳng trong kinh doanh đường sắt; khuyến khích đầu tư, tăng tính cạnh tranh trong kinh doanh đường sắt, nâng cao chất lượng phục vụ để phục hồi và phát triển thị phần vận tải đường sắt so với các phương thức vận tải khác, góp phần giảm tình trạng quá tải của giao thông đường bộ, đường không; nâng cấp, hiện đại hóa hệ thống tuyến đường sắt hiện có, đầu tư, xây dựng mới các tuyến đường sắt, trong đó có các tuyến kết nối với các phương thức vận tải khác.
Dự thảo Luật cũng cần quy định rõ và đầy đủ hơn hướng ưu tiên phát triển của ngành đường sắt, nhất là công tác đầu tư để đưa giao thông vận tải đường sắt sớm thoát khỏi tình trạng lạc hậu, yếu kém như hiện nay.
Theo đại biểu Đinh Tiến Dũng (Ninh Bình) để tạo sự đột phá đối với ngành đường sắt, dự thảo Luật cần phải rõ về tư duy, rõ về định hướng, từ đó mới kêu gọi đầu tư hiệu quả. Lo lắng trước tình trạng mất an toàn giao thông trên đoạn đường dân sinh cắt đường sắt, đại biểu Hoàng Thanh Tùng (Sóc Trăng) nêu dự luật chỉ có duy nhất Điều 21 quy định về đường sắt giao nhau với đường sắt hoặc với đường bộ.
Đại biểu thấy rằng quy định như vậy không rõ ràng, không giải quyết được những bức xúc hiện nay về vấn đề này, dự luật cần phải có quy định để quản lý đoạn đường này thế nào, các giải pháp, trong đó có cả trách nhiệm của chính quyền địa phương.
Coi doanh nghiệp là trung tâm của đổi mới, ứng dụng và chuyển giao công nghệ
Cho ý kiến về dự án Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi), nhiều đại biểu thấy rằng rất cần thiết phải sửa đổi Luật Chuyển giao công nghệ để kịp thời thể chế hóa các quan điểm, đường lối đổi mới của Đảng và Nhà nước về phát triển khoa học và công nghệ; coi doanh nghiệp là trung tâm của đổi mới, ứng dụng và chuyển giao công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, sức cạnh tranh của nền kinh tế và bảo vệ môi trường; hỗ trợ phát triển thị trường khoa học và công nghệ trong nước; kiểm soát chuyển giao công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam, ngăn chặn nhập khẩu công nghệ lạc hậu; tiếp thu và làm chủ công nghệ cao, tiên tiến của thế giới; đồng thời kiểm soát và từng bước chuyển giao công nghệ từ Việt Nam ra nước ngoài phù hợp với điều kiện Việt Nam và đáp ứng yêu cầu về hội nhập quốc tế.
Nhiều đại biểu nhìn nhận hoạt động chuyển giao công nghệ là vấn đề rất quan trọng vì vị thế của một quốc gia gắn chặt với trình độ công nghệ của quốc gia đó. Tuy nhiên, tốc độ đổi mới công nghệ trong các doanh nghiệp thời gian qua rất thấp, chưa đạt như mong muốn (10%/năm), một số ngành, lĩnh vực (các nhà máy nhiệt điện, luyện cán thép, khai khoáng,…) vẫn sử dụng công nghệ lạc hậu; vẫn chuyển giao công nghệ thông qua mua máy móc, thiết bị phần lớn đã lạc hậu 2-3 thế hệ là chính, không đi kèm với giải pháp, quy trình, bí quyết kỹ thuật... Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế và khả năng làm chủ công nghệ của Việt Nam.
Qua phân tích, các ý kiến cho rằng thị trường khoa học công nghệ của nước ta còn sơ khai, chưa đáp ứng được yêu cầu, số lượng giao dịch còn hạn chế. Hoạt động chuyển giao công nghệ giữa các tổ chức khoa học công nghệ trong nước với doanh nghiệp còn ít và hiệu quả không cao.
Số lượng các doanh nghiệp khoa học và công nghệ được hình thành còn hạn chế, chưa đạt được mục tiêu đề ra, trình độ công nghệ của các doanh nghiệp còn lạc hậu, tốc độ đổi mới công nghệ ở Việt Nam thấp, việc chuyển giao, áp dụng kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ vào sản xuất còn nhiều bất cập, chưa có sự chuyển động mạnh mẽ...
Việc dự thảo Luật bổ sung, chỉnh sửa về “Các biện pháp khuyến khích, thúc đẩy chuyển giao công nghệ ” tại Chương IV nhằm giải quyết vấn đề này. Trong đó có bổ sung quy định cơ chế hỗ trợ, khuyến khích phát triển tổ chức trung gian, nâng cao năng lực nguồn cung và cầu để phát triển thị trường khoa học và công nghệ (Điều 35), quy định Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển thị trường khoa học và công nghệ quốc gia; chỉnh sửa quy định về Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia phục vụ phát triển sản phẩm trọng điểm, sản phẩm chủ lực, sản phẩm quốc gia, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp nhỏ và vừa ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, đổi mới công nghệ; chỉnh sửa quy định về phân chia lợi nhuận khi sử dụng, chuyển giao, thương mại hóa công nghệ, kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ được tạo ra bằng ngân sách nhà nước, chính sách thuế để thúc đẩy hoạt động chuyển giao công nghệ.
Tuy nhiên đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn) đánh giá dự thảo Luật chưa có những quy định đột phá để phát triển thị trường khoa học công nghệ: "dự thảo luật vẫn thiết kế theo hướng cũ là cho vay, cấp ngân sách để làm, có yếu tố thị trường nhưng rất ít. Phải định rõ cơ chế quản lý, tạo ra được kênh quản lý để nhà nước mua sản phẩm, doanh nghiệp mua ý tưởng khoa học công nghệ. Nhà nước chỉ cấp đầu vào cho những sản phẩm Nhà nước ưu tiên. Theo hướng đó thì mới khuyến khích được nghiên cứu,” đại biểu nêu.
Góp ý về quy định việc chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, nhiều ý kiến cho rằng cần đặc biệt chú trọng việc thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ trong lĩnh vực này, nhất là việc thúc đẩy ứng dụng cao cho nông dân trong trồng trọt, chăn nuôi, bảo quản, chế biến sau thu hoạch...
Tuy nhiên, quy định nội dung này trong dự thảo Luật chưa cụ thể. Do đó, các đại biểu đề nghị, bổ sung vào dự thảo quy định về chuyển giao công nghệ trong sản xuất nông nghiệp để tạo điều kiện thuận lợi cho chuyển giao công nghệ ứng dụng nhanh các kết quả nghiên cứu vào sản xuất.
Theo đại biểu Phùng Đức Tiến (Hà Nam) vấn đề chuyển giao cho nông nghiệp, nông thôn phải cụ thể hóa những nội dung ưu đãi; kết cấu lại tổ chức, đội ngũ, thủ tục tài chính, mua kết quả nghiên cứu nếu thực sự có giá trị. Đó là những giải pháp cần tiến hành một cách đồng bộ và phải thể hiện được trong Luật này, đại biểu đề xuất.
Đại biểu Nguyễn Thị Bích Ngọc (Hà Nội) cho rằng dự thảo Luật còn nhiều quy định mang tính chung chung. Theo đại biểu, muốn chuyển giao thì phải có cơ sở vật chất, cần phải hỗ trợ từ đầu những lĩnh vực cần đầu tư. Luật cần đưa ra chính sách cụ thể, ví dụ tại Hà Nội, nếu xây dựng hạ tầng thì được chọn địa điểm theo qui hoạch, nếu chuyển giao công nghệ phù hợp với Hà Nội được hỗ trợ vay vốn quỹ của Hà Nội, nếu không vay từ quỹ của Hà Nội thì được hỗ trợ lãi suất, còn cá nhân nhà khoa học nước ngoài vào Hà Nội chuyển giao công nghệ thì được hỗ trợ nơi ăn ở… Đồng thời, dự luật phải nêu rõ doanh nghiệp nào được hỗ trợ, nếu không cụ thể hóa thì chỉ doanh nghiệp lớn được hỗ trợ, trong khi doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm hơn 90% số lượng doanh nghiệp lại khó tiếp cận.
Theo chương trình, chiều nay các đại biểu Quốc hội làm việc tại hội trường, thảo luận về dự án Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi); Thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2017 và Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 55/2010/QH12 về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp./.