Hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19

Do diễn biến dịch ở Bắc Ninh rất đặc thù, đối tượng bị ảnh hưởng lớn nên tỉnh đề nghị ngoài chính sách chung, Bộ Lao động Thương binh-Xã hội đề xuất gói hỗ trợ riêng cho 2 tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang.
Công ty TNHH ITM Semiconductor Việt Nam, khu công nghiệp VSIP, tỉnh Bắc Ninh duy trì, đảm bảo hoạt động sản xuất. (Ảnh: Thái Hùng/TTXVN)

Ngày 21/6, Đoàn công tác của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội do Thứ trưởng Lê Văn Thanh làm Trưởng đoàn có buổi làm việc với Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Ninh về các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động trên địa bàn tỉnh.

Bắc Ninh hiện có 18.631 doanh nghiệp đăng ký hoạt động, có 1.120 doanh nghiệp nằm trong 10 khu công nghiệp tập trung và 26 cụm công nghiệp với tổng số 450.000 công nhân, lao động đến từ 21 tỉnh, thành phố trên cả nước.

Bắc Ninh là một trong những địa phương bị ảnh hưởng nặng trong đợt bùng phát dịch bệnh COVID-19 vừa qua. Tính đến 18h ngày 21/6, toàn tỉnh ghi nhận 1.542 ca mắc COVID-19.

Do ảnh hưởng của dịch bệnh, trên địa bàn tỉnh hiện có 235 cơ sở giáo dục ngoài công lập và 309 doanh nghiệp phải tạm ngừng hoạt động; hơn 184.000 lao động trong khu, cụm công nghiệp phải ngừng việc; hơn 16.000 lao động hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương; gần 10.000 người phải chấm dứt hợp đồng lao động. Số lao động nữ mang thai, người đang nuôi con nhỏ chưa đủ 6 tuổi có hơn 55.000 người. Hiện nay, 317 doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn 0% để trả lương ngừng việc và trả lương cho người lao động.

Thời gian qua, Bắc Ninh đã có chỉ đạo kịp thời nhằm hỗ trợ người lao động trên địa bàn tỉnh bị ảnh hưởng bởi dịch. Tuy nhiên, việc hỗ trợ mới chỉ là những giải pháp mang tính tình thế, cung cấp lương thực, thực phẩm cho người lao động. Chưa có giải pháp hỗ trợ tài chính cho người lao động bị ảnh hưởng thu nhập bởi dịch COVID-19; chưa có hướng dẫn mới về việc trả lương ngừng việc cho người lao động.

[Bắc Ninh: Nới lỏng biện pháp phòng, chống dịch tại một số phường]

Căn cứ tình hình thực tiễn của tỉnh, Bắc Ninh đề xuất chính sách hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch tập trung vào các đối tượng là F0, F1, F2 và công nhân ở trong khu vực phong tỏa theo Chỉ thị 16; hỗ trợ người lao động phải thuê nhà trọ, lao động nữ đang mang thai, nuôi con nhỏ dưới 6 tuổi; hỗ trợ người lao động bị tạm hoãn, nghỉ việc không hưởng lương; người bị chấm dứt hợp đồng nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; hỗ trợ người lao động đang đóng Bảo hiểm xã hội bắt buộc nghỉ để cách ly y tế; hỗ trợ người lao động hưởng quyền lợi Bảo hiểm y tế trong thời gian nghỉ việc không lương. Hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn 0% để trả lương ngừng việc và trả lương cho người lao động; tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội vào quỹ hưu trí, tử tuất.

Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Nhân dân tỉnh Vương Quốc Tuấn cho rằng dự thảo chính sách hỗ trợ cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội thể hiện tính bao trùm, tổng quát, phù hợp với thực tiễn, có tính khả thi cao.

Do diễn biến dịch ở Bắc Ninh rất đặc thù, phạm vi rộng, đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch lớn, tỉnh Bắc Ninh đề nghị ngoài chính sách chung, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội quan tâm đề xuất gói hỗ trợ dành riêng đối với hai tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang; đồng thời sớm có hướng dẫn cơ chế cho địa phương triển khai chính sách hỗ trợ kịp thời, thiết thực đến đối tượng là lao động tự do, lao động mùa vụ bị ảnh hưởng bởi dịch trên địa bàn tỉnh.

Tỉnh Bắc Ninh có đặc thù là có sự đan xen giữa khu công nghiệp và cộng đồng, do đó công tác phòng, chống dịch trên địa bàn được thực hiện song song hai mặt trận, vừa đảm bảo duy trì sản xuất, vừa phòng, chống dịch hiệu quả. Sau gần 20 ngày thực hiện bố trí cho người lao động làm việc và ăn ở, sinh hoạt tại nhà máy, đến nay phương án này đã đáp ứng được các điều kiện sản xuất an toàn cho cả công nhân và doanh nghiệp. Để duy trì được cách làm này, tỉnh đã ban hành hàng loạt các quy định chặt chẽ từ quy trình, hướng dẫn, phân công trách nhiệm của từng cơ quan, ban, ngành, chính quyền địa phương, doanh nghiệp, chủ nhà trọ, tạo sự đồng thuận của người dân và doanh nghiệp.

Theo báo tình hình kinh tế-xã hội của tỉnh 6 tháng đầu năm, dù trong bối cảnh dịch bệnh, nhiều chỉ tiêu về kinh tế-xã hội vẫn giữ được mức tăng so với cùng kỳ như Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) tăng 7,45%; thu ngân sách Nhà nước tăng 7,5%; chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 11,8%; xuất khẩu hàng hóa tăng 29,7%.

Được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư 5 khu công nghiệp tập trung; Ủy ban Nhân dân tỉnh đã quyết định thành lập mới 4 khu công nghiệp tập trung và 2 cụm công nghiệp./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục