Nghị quyết 42 ngày 9/4/2020 của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 đã thể hiện được tính ưu việt Đảng, Nhà nước, tạo được sự phấn khởi và niềm tin trong nhân dân ở Đắk Lắk.
Tuy nhiên, việc thực hiện Nghị quyết 42 ở một số địa phương trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đang tồn tại nhiều khó khăn, vướng mắc, bất cập, thậm chí có dấu hiệu trục lợi khiến dư luận bức xúc.
Không được hỗ trợ vì "không có tên trong danh sách"
Gia đình chị Hoàng Thị Gái, dân tộc Nùng, sinh năm 1981, thôn 2, xã Cư Elang, huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk là một trong những hộ không được nhận tiền hỗ trợ theo Nghị quyết 42 trong đợt này.
Chị Hoàng Thị Gái cho biết gia đình chị là hộ nghèo đã nhiều năm nay. Chồng chị bị bệnh gan, chị là lao động chính nuôi 3 con ăn học.
Ngày mà người dân trong thôn đi nhận tiền hỗ trợ theo Nghị quyết 42, chị Gái cũng đi. Thế nhưng ra đến xã, xã bảo gia đình chị không có tên trong danh sách được nhận tiền. Chị thắc mắc, chính quyền xã bảo về hỏi thôn. Chị Gái về hỏi trưởng thôn, trưởng thôn bảo ra hỏi xã. Chị đành ra về trong băn khoăn, bức xúc.
Chị Gái cho biết thêm hoàn cảnh gia đình chị không có gì thay đổi. Năm 2020, chị ra xã gia hạn hộ nghèo, được chấm 130 điểm, chuyển thành hộ cận nghèo. Đó cũng là nỗi băn khoăn của chị Gái về tiêu chí xét hộ nghèo, hộ cận nghèo.
Cách nhà chị Gái không xa, gia đình bà Trương Thị Hoa, thôn 6B, xã Cư Elang được người dân ví như “nhà nghèo nhất trong những hộ nghèo."
Vợ chồng bà Hoa bệnh tật, ốm đau quanh năm. Gia đình bà có hơn 1ha rẫy ở trên đồi nhưng đất khô cằn không đem lại hiệu quả từ làm nông. Ngôi nhà bà Hoa đang ở được dựng nên từ tranh nứa, dột nát, ẩm thấp, không có tài sản gì quý giá.
Năm 2020, bà Hoa xin gia hạn hộ nghèo, chính quyền xã cho biết nhà bà được 150 điểm, cắt khỏi danh sách hộ nghèo. Tiền hỗ trợ hộ nghèo do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhà bà Hoa không được nhận dù năm 2019 vẫn là hộ nghèo, nguyên nhân vì “không có tên trong danh sách được nhận."
Bà Hoa bức xúc vì nhiều hộ khá giả vẫn được nhận tiền hỗ trợ, còn nhà bà không được. Do đó, bà mong muốn chính quyền các cấp xem xét cho gia đình bà và các hộ dân có hoàn cảnh tương tự được hưởng đúng chế độ.
Nỗi bức xúc của những hộ thực sự nghèo nhưng không được xét duyệt hộ nghèo và không được nhận tiền hỗ trợ, nhiều người có thể hiểu được. Nhưng có những trường hợp được chứng nhận hộ nghèo nhưng vẫn không được nhận hỗ trợ, người dân không biết kêu ai.
[Hơn 11 triệu người gặp khó khăn vì COVID-19 đã nhận được tiền hỗ trợ]
Cầm giấy chứng nhận hộ cận nghèo trên tay, anh Long Văn Bào, dân tộc Nùng, thôn 6D, xã Cư Elang chung nỗi băn khoăn, bức xúc với gia đình bà Hoa, gia đình chị Gái.
Theo anh Bào, gia đình anh là hộ nghèo (2015-2017), hộ cận nghèo nhiều năm nay. Vậy mà, nhiều hộ khá giả hơn gia đình anh được nhận tiền hỗ trợ COVID-19, còn nhà anh theo đúng chế độ hộ cận nghèo không được nhận tiền hỗ trợ với lý do “không có tên trong danh sách."
Theo tìm hiểu của phóng viên, nhiều hộ nghèo hoặc hộ cận nghèo ở thôn 2, thôn 6B, thôn 6D của xã Cư Elang, huyện Ea Kar có hoàn cảnh éo le, bệnh tật, nhà ở tạm bợ, nghề nghiệp chủ yếu là làm thuê, gia đình có con nhỏ hoặc đông con. Thế nhưng với lý do “không có tên trong danh sách nhận tiền hỗ trợ," xã và thôn đùn đẩy trách nhiệm lẫn nhau khiến những người nghèo này chỉ biết ngậm ngùi chịu đựng.
"Nhường"… cho hộ khá giả
Một nỗi băn khoăn, bức xúc khác của một số hộ dân là việc họ đã “vô tình nhường tiền hỗ trợ cho hộ khá giả."
Gia đình ông Bàn Văn Quyết, sinh năm 1960, dân tộc Dao, thôn 6B, xã Cư Elang, là hộ cận nghèo. Bà Trương Thị Hai (vợ ông Quyết) cho biết cách đây hơn 3 tháng, cán bộ của xã và thôn vào nhà vận động gia đình bà ký giấy không nhận tiền hỗ trợ theo Nghị quyết 42 để nhường cho hộ khó khăn hơn.
Nghĩ trên địa bàn xã còn nhiều hộ rất nghèo, bà đồng ý mặc dù không được nghe, không được đọc xem nội dung trong đơn nói gì. Đến ngày người trong thôn đi nhận tiền hỗ trợ, bà Hai thấy nhiều người nghèo không được nhận mà các hộ khá giả có nhà cao cửa rộng lại được nhận tiền hỗ trợ.
Bà Hai bức xúc: "Tiền của gia đình tôi là nhường cho hộ nghèo chứ không nhường cho hộ khá giả, ấy vậy mà hộ nghèo lại không được nhận. Như vậy, việc nhường của gia đình tôi không còn ý nghĩa."
Chung nỗi bức xúc với bà Hai, anh Lò Văn Nhuận, sinh năm 1977, thôn 6B, xã Cư Elang cho biết cách đây khoảng 2-3 tháng, 5 cán bộ gồm Phó Chủ tịch xã, cán bộ xóa đói giảm nghèo xã, Trưởng thôn, Phó trưởng thôn vào nhà vận động gia đình anh ký đơn không nhận tiền hỗ trợ COVID-19 để nhường cho hộ khó khăn hơn.
Anh Nhuận vui vẻ đồng ý. Vì không biết đọc, anh chỉ ghi tên. Thế nhưng, sau khi người dân nhận tiền hỗ trợ, anh Nhuận rất bức xúc vì có những hộ dân nhà cửa khang trang, giá trị 500-600 triệu đồng tiền xây dựng nhưng vẫn nhận được tiền hỗ trợ trong khi nhiều hộ nghèo của thôn không được nhận. Điều đó theo anh Nhuận là không công bằng và anh mong muốn các cấp chính quyền rà soát lại, chi tiền hỗ trợ cho đúng đối tượng có hoàn cảnh thật sự khó khăn.
Căn cứ vào Quyết định số 1470 ngày 2/7/2020 của Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Lắk về việc phê duyệt danh sách hỗ trợ người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo gặp khó khăn do dịch COVID-19 của huyện Ea Kar và theo phản ánh của người dân, dễ dàng thấy được những hộ gia đình có nhà cửa khang trang được nằm trong diện cận nghèo và nhận tiền hỗ trợ COVID-19 theo Nghị quyết 42 của Chính phủ. Xã Cư Elang có hộ ông Ngân Văn Chia (Phó Trưởng thôn 6B), hộ ông Ngân Văn Tiệp (thôn 6B), hộ ông Ngân Văn Tiến (thôn 6B), hộ ông Hoàng Quốc Tiến (buôn Vân Kiều), hộ ông Lai Phúc Xuân (buôn Vân Kiều)...
Là người dân sinh sống lâu năm ở xã Cư Elang, theo ông Trần Văn Luận (thôn 3), Nghị quyết 42 của Chính phủ là một chính sách ưu việt, làm cho nhân dân rất phấn khởi, đặc biệt là với người dân xã vùng 3 Cư Elang. Tuy nhiên, hiện nay, thôn 3 có 8 hộ cận nghèo không được nhận tiền hỗ trợ với lý do “không có tên trong danh sách."
Ngoài ra, địa bàn có những hộ dân có đời sống khá hơn mặt bằng chung toàn thôn. Nếu đưa ra bình bầu trong dân, những hộ này sẽ không được xét hộ nghèo hoặc hộ cận nghèo, lại được nhận tiền hỗ trợ.
Ông Luận nhấn mạnh: "Người dân xã nghèo không sợ thiệt thòi nhưng phải công bằng giữa các hộ."
Không chỉ ở xã Cư Elang, tình trạng tiền hỗ trợ "đi lạc" vào hộ khá giả cũng là nỗi bức xúc của người dân ở thôn 1, xã Ea Sô, huyện Ea Kar.
Nằm sát chân đồi Cô đơn ở thôn 1, xã Ea Sô, gia đình anh Nguyễn Văn Tuấn (sinh năm 1989) có hoàn cảnh khó khăn. Anh Tuấn bị đau cột sống nhiều năm nay, hai con còn nhỏ, thu nhập chủ yếu dựa vào sức lao động của chị Trang, vợ anh Tuấn. Đất rẫy của gia đình anh “cày lên sỏi đá” nên không trồng trọt được gì. Mặc dù vậy, gia đình anh Tuấn không được xét hộ cận nghèo, hộ nghèo và không được nhận tiền hỗ trợ do dịch COVID-19.
Trái ngược với hoàn cảnh nhà anh Tuấn, một số hộ ở cùng thôn như gia đình ông Phan Tự (sinh năm 1967, có vợ Đỗ Thị Thanh Thủy là Trưởng thôn), gia đình ông Lê Văn Huy (sinh năm 1968), gia đình ông Nguyễn Văn Mạnh (sinh năm 1973)… có nhà cửa khang trang, nội thất đầy đủ, lại thuộc diện cận nghèo và được nhận tiền hỗ trợ theo Nghị quyết 42. Điều này đã gây bức xúc trong nhân dân.
Ngoài ra, hộ ông Phan Tự có con trai là Phan Thành Thế (sinh năm 1992) đã lập gia đình từ năm 2017 và tách hộ khẩu riêng nhưng vẫn có tên trong danh sách cùng gia đình ông nhận tiền hỗ trợ khiến dư luận bất bình.
Ý nghĩa của Nghị quyết 42 của Chính phủ là nhằm hỗ trợ người dân nghèo, người yếu thế vượt qua thời kỳ khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Thế nhưng, với những bất thường trong chấm điểm hộ nghèo, cận nghèo, những đồng tiền hỗ trợ "đi lạc" vào các hộ khá giả, người dân đang rất bức xúc và đặt nghi vấn về dấu hiệu trục lợi chính sách./.