Hỗ trợ nâng năng lực cạnh tranh xuất khẩu cho các DN nhỏ

Ban Tư vấn chương trình đề xuất nên chú trọng kết nối với các doanh nghiệp nước ngoài, hỗ trợ thủ tục hành chính, hải quan, thuế và mua thông tin xuất khẩu phục vụ doanh nghiệp.
Hỗ trợ nâng năng lực cạnh tranh xuất khẩu cho các DN nhỏ ảnh 1Sản xuất hàng may mặc xuất khẩu tại Công ty TNHH may Tiến Thuận, Ninh Thuận. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)

Trong khuôn khổ Chương trình "Nâng cao năng lực cạnh tranh xuất khẩu cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam thông qua hệ thống xúc tiến thương mại địa phương," ngày 22/5, cuộc họp Ban Tư vấn Chương trình và các Nhóm công tác kỹ thuật lần thứ ba đã diễn ra tại thành phố Đà Nẵng.

Đây là Chương trình do Chính phủ Thụy Sĩ tài trợ trong thời gian từ 2013-2017.

Tại cuộc họp, các thành viên Ban Tư vấn đã thảo luận về kết quả đánh giá tiềm năng xuất khẩu để quyết định lựa chọn sản phẩm của vùng sẽ được chương trình tập trung hỗ trợ.

Các đại biểu được nghe giới thiệu Chương trình Xúc tiến thương mại Quốc gia, kế hoạch phát triển xuất khẩu vùng (Bắc, Trung, Nam) cho các sản phẩm.

Theo cam kết với nhà tài trợ, Việt Nam sẽ thúc đẩy hoạt động thương mại, xuất khẩu thông qua hội chợ triển lãm, nghiên cứu, tìm hiểu thị trường... có sự tham gia của các đối tác chương trình là các Trung tâm, đơn vị xúc tiến và hỗ trợ thương mại và các doanh nghiệp.

Trên cơ sở nghiên cứu, phân tích cơ sở dữ liệu Ban tư vấn Chương trình xây dựng kế hoạch phát triển xuất khẩu cho từng khu vực là hoạt động được kỳ vọng sẽ mang đến những kế hoạch hành động cụ thể cho các sản phẩm được lựa chọn đưa vào hỗ trợ trong giai đoạn chính của chương trình (cuối năm 2014-2017).

Các sản phẩm được lựa chọn trên khuyến nghị từ Báo cáo Đánh giá tiềm năng xuất khẩu, được Chương trình tiến hành từ tháng 12/2014 đến tháng 5/2017 và dựa trên cơ sở tham vấn địa phương thông qua cuộc họp Ban tư vấn Chương trình.

Ban Tư vấn Chương trình đề xuất nên chú trọng kết nối với các doanh nghiệp nước ngoài, hỗ trợ thủ tục hành chính, thủ tục hải quan, thuế.

Bên cạnh đó, phương án mua thông tin xuất khẩu phục vụ cho doanh nghiệp cũng được đề cập tới.

Hầu hết các đại biểu đề nghị được tham gia học tập kinh nghiêm các mô hình tiêu biểu trong và ngoài nước theo đó xây dựng kế hoạch xuất khẩu tại chỗ, sản phẩm phục vụ du lịch...

Bên cạnh đó, nhiều đại biểu cũng kỳ vọng, việc xây dựng kế họach phát triển xuất khẩu cho từng khu vực dựa trên cơ sở nghiên cứu, phân tích dữ liệu sẽ mang đến kế hoạch cụ thể cho các sản phẩm được lựa chọn để hỗ trợ trong giai đoạn chính của Chương trình (cuối năm 2014- 2017).

Các sản phẩm này được lựa chọn trên khuyến nghị từ Báo cáo Đánh giá tiềm năng xuất khẩu, và có sự tham vấn địa phương thông qua cuộc họp Ban tư vấn Chương trình.

Những kết luận trong cuộc họp Ban Tư vấn sẽ được Ban Quản lý Chương trình Trung ương tập hợp, căn cứ vào mục đích và nguồn lực của Chương trình cho từng giai đoạn để triển khai thực hiện.

Về đề xuất ngắn hạn, Ban Quản lý Chương trình sẽ cân đối nguồn lực, nếu có thể tiến hành trong ngắn hạn, Ban Quản lý sẽ phối hợp với Nhóm công tác và Tổ điều phối tỉnh tổ chức thực hiện.

Trường hợp chưa thể triển khai trong giai đoạn khởi động, Ban Quản lý sẽ cân nhắc đưa các hoạt động ngắn hạn vào thực hiện trong giai đoạn chính của Chương trình (cuối năm 2014).

Cùng ngày, cũng đã diễn ra hai cuộc họp của các nhóm công tác kỹ thuật (Nhóm công tác Tư vấn- Đào tạo và Nhóm công tác Thông tin Thương mại).

Ngoài việc thảo luận đưa ra những khuyến nghị, triển khai và đánh giá hoạt động, Nhóm công tác còn là một "Câu lạc bộ" liên kết các thành viên theo lĩnh vực và vùng miền.

Trong giai đoạn chính của chương trình, nhóm công tác dự kiến sẽ mở rộng thêm phạm vi theo sản phẩm hoặc nhóm sản phảm như trái cây, dịch vụ, du lịch.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục