Hỗ trợ khoảng 5.000 trẻ em có nguy cơ hoặc đang tham gia lao động

Theo kết quả báo cáo Khảo sát quốc gia về lao động trẻ em năm 2012, Việt Nam có khoảng 1,75 triệu lao động trẻ em và người chưa thành niên từ 5-17 tuổi.
Hỗ trợ khoảng 5.000 trẻ em có nguy cơ hoặc đang tham gia lao động ảnh 1Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Hồng Lan phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN)

Theo kết quả báo cáo Khảo sát quốc gia về lao động trẻ em năm 2012 do Tổng cục Thống kê phối hợp với Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, ILO thực hiện cho thấy Việt Nam có khoảng 1,75 triệu lao động trẻ em và người chưa thành niên từ 5-17 tuổi.

Bà Đào Hồng Lan, Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho biết lao động trẻ em sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển về tâm lý, sức khỏe của trẻ em, hạn chế cơ hội đến trường và ảnh hưởng đến cơ hội có việc làm bền vững của các em trong tương lai.

Thứ trưởng Đào Hồng Lan cũng chia sẻ trong những năm gần đây, Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng kể trong phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em, xây dựng khuôn khổ pháp lý, chính sách vững chắc để phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế về lao động. Việt Nam đã thực hiện một số chương trình, dự án cấp trung ương và địa phương để giảm thiểu lao động trẻ em. Tuy nhiên, lao động trẻ em vẫn còn ở một số nơi, đặc biệt trong khu vực kinh tế phi chính thức.

Thứ trưởng Đào Hồng Lan khẳng định Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội sẽ phối hợp chặt chẽ với Tổ chức Lao động Quốc tế và các bộ, ngành, đoàn thể, tổ chức liên quan triển khai dự án này theo các mục tiêu về phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Tại Hội nghị triển khai dự án “Hỗ trợ kỹ thuật nâng cao năng lực quốc gia phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em ở Việt Nam,” diễn ra sáng 20/11 tại Hà Nội, do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp với Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) và Bộ Lao động Hoa Kỳ tổ chức, ông Chang-Hee Lee, Giám đốc Văn phòng ILO tại Việt Nam, chia sẻ lao động trẻ em rất phức tạp, đòi hỏi phải có giải pháp toàn diện liên quan đến nhiều lĩnh vực chính sách. Điều quan trọng là cần thay đổi quan niệm, thúc đẩy hành động của mọi người trong xã hội để xóa bỏ lao động trẻ em và các hình thức lao động trẻ em.

Dự án “Hỗ trợ kỹ thuật nâng cao năng lực quốc gia phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em ở Việt Nam” sẽ được triển khai tại các vùng địa lý và lĩnh vực nghề nghiệp trọng điểm, đó là ngành dệt may và thủ công mỹ nghệ tại Thành phố Hồ Chí Minh, ngành nông nghiệp và thủy sản tại tỉnh An Giang, ngành thủ công mỹ nghệ tại Hà Nội.

Trong dự án này, Bộ Lao động Hoa Kỳ tài trợ 8 triệu USD thông qua Tổ chức Lao động Quốc tế, Chính phủ Việt Nam đóng góp 1,2 triệu USD, triển khai trong giai đoạn 2015-2019.

Dự án góp phần nâng cao năng lực của các cơ quan Việt Nam và các tổ chức liên quan trong việc xác định và giải quyết vấn đề lao động trẻ em; nâng cao nhận thức của toàn xã hội về lao động trẻ em, các mối nguy hiểm liên quan và quy định cấm lao động trẻ em; xây dựng, tài liệu hóa và nhân rộng các mô hình can thiệp lồng ghép theo địa lý và theo lĩnh vực nghề nghiệp nhằm phòng ngừa và đưa trẻ em tránh khỏi các nguy cơ hoặc các hình thức lao động tồi tệ nhất.

Dự án sẽ hỗ trợ khoảng 5.000 trẻ em có nguy cơ hoặc đang tham gia lao động thông qua việc cung cấp các dịch vụ giáo dục hoặc cải thiện điều kiện làm việc đối với trẻ em đã đủ tuổi lao động theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, khoảng 2.000 gia đình khó khăn, nguy cơ có lao động trẻ em hoặc đang có con em tham gia lao động sẽ được hỗ trợ để cải thiện cuộc sống./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục