Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNFPA) sẽ triển khai một dự án mới hỗ trợ cho Việt Nam trong công tác phòng ngừa, ứng phó với bạo lực giới, bạo lực gia đình và giải quyết vấn đề liên quan đến mại dâm. Tổng ngân sách hỗ trợ lên tới 4,1 triệu USD (hơn 90 tỷ đồng) cho giai đoạn 5 năm từ 2017-2021.
[Xây dựng gói dịch vụ đa ngành hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực]
Đây là thông tin được đưa ra trong buổi lễ khởi động dự án do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội và UNFPA tổ chức ngày 15/12 tại Hà Nội.
Dự án mới sẽ hỗ trợ cho Việt Nam trong việc xây dựng, hoàn thiện và triển khai pháp luật, chính sách, chương trình và dịch vụ liên quan đến phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới, bạo lực gia đình. Đặc biệt, dự án còn tập trung giải quyết vấn đề mại dâm dựa trên cách tiếp cận quyền con người.
Dự án này cũng sẽ giúp nâng cao hơn nữa vai trò điều phối của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, các cơ quan của Chính phủ, các tổ chức xã hội trong việc thúc đẩy bình đẳng giới, chấm dứt bạo lực giới và bạo lực gia đình.
Phát biểu tại lễ ký kết, bà Đào Hồng Lan, Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội nhấn mạnh, trong thực tế phụ nữ và trẻ em gái vẫn là nạn nhân chủ yếu của tình trạng bạo lực, các dịch vụ hỗ trợ cho nạn nhân bị bạo lực chưa được chuẩn hóa, số liệu về bạo lực trên cơ sở giới đã lỗi thời chưa được cập nhật và vấn đề mại dâm còn nhiều diễn biến phức tạp.
“Với sự hỗ trợ kỹ thuật và tài chính của Quỹ Dân số Liên hợp quốc, chúng tôi hy vọng việc thực hiện hiệu quả các chương trình, hoạt động sẽ góp phần rút ngắn khoảng cách bất bình đẳng giới, đóng góp tích cực vào phòng chống bạo lực trên cơ sở giới, bạo lực gia đình, vấn đề mại dâm và các Mục tiêu phát triển bền vững tại Việt Nam,” bà Đào Hồng Lan nói.
Bạo lực trên cơ sở giới vẫn còn nhiều thách thức, trở ngại trong giai đoạn tới. Số liệu Điều tra quốc gia về bạo lực gia đình đối với phụ nữ tại Việt Nam do Tổng cục Thống kê tiến hành năm 2010 cho thấy, 58% phụ nữ đã từng kết hôn trong độ tuổi từ 18-60 đã phải chịu bạo lực ít nhất một lần trong đời. Nghiên cứu đã khẳng định bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam là một vấn đề nghiêm trọng. Tuy nhiên, điều đáng quan tâm là có tới 87% phụ nữ không tìm kiếm sự hỗ trợ từ các dịch vụ công./.