Hỗ trợ 635.000 lao động tự do 19 tỉnh, thành phía Nam hơn 911 tỷ đồng

Hỗ trợ hơn 635.000 lao động tự do ở 19 tỉnh, thành phố phía Nam

Nhiều tỉnh, thành phố đã bổ sung các nhóm đối tượng hỗ trợ phù hợp như: người lao động bán vé số dạo, xe ôm truyền thống, người buôn bán hàng rong, người không có hợp đồng lao động...
Hỗ trợ hơn 635.000 lao động tự do ở 19 tỉnh, thành phố phía Nam ảnh 1Chi trả kinh phí cho người thuộc diện được hỗ trợ. (Ảnh: Công Thử/TTXVN)

Ngày 19/8, đại diện Tổ công tác đặc biệt phòng, chống dịch COVID-19 của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tại các tỉnh phía Nam cho biết dịch COVID-19 bùng phát thời gian qua đã tác động không nhỏ đến đời sống, sinh hoạt, việc làm của lực lượng lao động phi chính thức (lao động tự do) ở 19 tỉnh, thành phố phía Nam.

Để giảm bớt khó khăn cho người dân, 19 tỉnh, thành phố đã ban hành kế hoạch hỗ trợ cho những trường hợp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, trong đó có chính sách hỗ trợ cho lao động tự do.

Nhiều tỉnh, thành phố đã bổ sung các nhóm đối tượng với các chính sách riêng, các đối tượng hỗ trợ phù hợp như: người lao động bán vé số dạo, xe ôm truyền thống, người buôn bán hàng rong, người làm việc trong các cơ sở kinh doanh không có hợp đồng lao động…

Tính đến thời điểm hiện tại, 19 tỉnh, thành phố phía Nam đã hỗ trợ cho hơn 635.000 lao động tự do với số tiền hơn 911 tỷ đồng.

Trong số đó, Thành phố Hồ Chí Minh đã hỗ trợ cho 462.600 người lao động tự do với tổng số tiền gần 694 tỷ đồng. Tỉnh Đồng Nai hỗ trợ 22.000 người với tổng số tiền gần 33 tỷ đồng.

Tỉnh Bình Dương hỗ trợ cho gần 98.000 lao động tự do với tổng số tiền gần 134 tỷ đồng. Tỉnh Bình Phước có 45.700 người đã nhận hỗ trợ với tổng số tiền gần 42,46 tỷ đồng.

Tỉnh Đồng Tháp có 40.200 người đã nhận hỗ trợ với tổng số tiền 60,2 tỷ đồng. Tỉnh Vĩnh Long đã hỗ trợ 20.100 người với tổng số tiền hơn 22,7 tỷ đồng…

[Bình Dương hỗ trợ đóng thay tiền thuê trọ cho người lao động khó khăn]

Tuy nhiên, việc nhiều tỉnh, thành phố thực hiện giãn cách xã hội kéo dài gần 2 tháng làm ảnh hưởng không nhỏ đến đối tượng lao động tự do phần lớn là lao động ngoại tỉnh, thu nhập hàng tháng không ổn định, không có tài chính tích lũy.

Do đó, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội khuyến nghị các tỉnh, thành phố quan tâm thực hiện các chính sách trợ giúp xã hội đối với các nhóm đối tượng này nhằm ổn định cuộc sống khi dịch bệnh kéo dài.

Theo thống kê của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, các tỉnh, thành phía Nam là nơi có số lượng lao động tự do lớn với hơn 10 triệu người. Trong số đó, Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương năng động, trung tâm của giao thương, hoạt động phát triển kinh tế-xã hội nên số lao động tự do tìm đến để làm việc rất lớn.

Khi dịch COVID-19 bùng phát, các hoạt động tập trung đông người, ngành sản xuất kinh doanh không thiết yếu… dừng hoạt động đã khiến những lao động này rơi vào hoàn cảnh khó khăn hơn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục