Hỗ trợ hộ nghèo, người lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19

TP.HCM, Tiền Giang, Đồng Tháp triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ các hộ nghèo, người lao động bị mất việc, đảm bảo mọi người dân có đủ lương thực, thực phẩm trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội.
Người dân nghèo TP Hồ Chí Minh nhận nhu yếu phẩm, lương thực khi đến với Siêu thị 0 đồng. (Ảnh: Xuân Khu/TTXVN)
Người dân nghèo TP Hồ Chí Minh nhận nhu yếu phẩm, lương thực khi đến với Siêu thị 0 đồng. (Ảnh: Xuân Khu/TTXVN)

Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh cho biết vừa đề xuất Ủy ban nhân dân thành phố về việc hỗ trợ lao động tự do (đợt 2) và hộ nghèo, hộ cận nghèo, người lao động nghèo gặp khó khăn do dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố.

Theo đó, các trường hợp là người lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) bị mất việc làm do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 được hỗ trợ 1,5 triệu đồng/người.

Dự kiến đợt 2 này có 334.192 người được hỗ trợ với tổng kinh phí hơn 501 tỷ đồng trích từ nguồn ngân sách thành phố. Trong đó, thành phố Thủ Đức có số lượng đông nhất với 35.627 trường hợp, ít nhất là huyện Nhà Bè 4.103 người.

Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cũng đề xuất hỗ trợ 90.585 hộ nghèo, hộ cận nghèo và 170.000 lao động nghèo sống trong nhà trọ, xóm lao động nghèo, khu vực lao động nghèo, khu vực bị phong tỏa gặp khó khăn do dịch COVID-19.

Mỗi trường hợp sẽ được hỗ trợ trực tiếp một triệu đồng, tổng kinh phí dự kiến hơn 260 tỷ đồng trích từ nguồn ngân sách thành phố.

Tương tự, thành phố Thủ Đức có số lượng đông nhất với 34.302 trường hợp, ít nhất là Quận 5 có 3.197 người.

Theo ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Thành phố, thực tế nhiều lao động nghèo đang sinh sống ở các khu vực nhà trọ, xóm lao động nghèo, khu vực bị phong tỏa, hộ nghèo, cận nghèo đều không có việc làm, không có tích lũy trước đó nên rất khó khăn.

Đây là những trường hợp cấp thiết, không thể chậm trễ nên đề nghị Ủy ban nhân dân Thành phố giao Sở Tài chính hướng dẫn việc sử dụng kinh phí trong dự toán để hỗ trợ; đồng thời chỉ đạo Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thành phố Thủ Đức xác định đối tượng cụ thể để hỗ trợ từ nguồn ngân sách thành phố và nguồn vận động của các địa phương.

Để việc hỗ trợ các trường hợp trên được nhanh chóng, ông Tấn kiến nghị Thành phố sớm chấp thuận đề xuất của Sở tiếp tục hỗ trợ người lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) gặp khó khăn do dịch COVID-19 (đợt 2); giao Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp chịu trách nhiệm rà soát, xác định số lao động thuộc đối tượng thu hưởng trên địa bàn quản lý và trực tiếp đến hỗ trợ.

Ông Lê Minh Tấn cũng gợi ý, ngoài nguồn kinh phí Thành phố Hồ Chí Minh giao, đối với các trường hợp khó khăn hoặc nhân khẩu đông hơn, chính quyền địa phương chủ động sử dụng nguồn vận động để hỗ trợ thêm.

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh hỗ trợ từ nguồn Quỹ vận động COVID-19 do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố quản lý…

Trước đó, Thành phố Hồ Chí Minh đã hoàn thành gói hỗ trợ hơn 880 tỷ đồng theo Nghị quyết số 09 của Hội đồng nhân dân Thành phố về một số chế độ, chính sách đặc thù phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19, hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh trên địa bàn thành phố.

Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng đến một bộ phân không nhỏ đoàn viên công đoàn.

[TP.HCM những ngày giãn cách: Đồng lòng vì tương lai bình thường mới]

Trước tình hình trên, Liên đoàn Lao động tỉnh Tiền Giang đã huy động các nguồn lực, vận động quyên góp cùng nhiều biện pháp hỗ trợ thiết thực khác nhằm giúp công nhân lao động nghèo giảm bớt khó khăn.

Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Tiền Giang Hoàng Khắc Tinh cho biết, trước mắt đơn vị đã xét và chi hỗ trợ đoàn viên, công nhân viên chức lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 theo Quyết định số 2006/QĐ-TLĐ của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho 2.481 trường hợp với tổng kinh phí lên đến 2,013 tỷ đồng.

Công tác vận động quyên góp do Liên đoàn Lao động tỉnh phát động trong toàn hệ thống công đoàn nhằm tạo nguồn kinh phí ủng hộ đoàn viên, công nhân viên chức lao động nghèo, lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch COVID-19, giúp đỡ nhân dân trong các khu phong tỏa, cách ly trên địa bàn tỉnh, cũng đã nhận được sự hưởng ứng rộng rãi của các cấp, ngành, các mạnh thường quân và nhà hảo tâm trong, ngoài tỉnh.

Hỗ trợ hộ nghèo, người lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 ảnh 1Đoàn Thanh niên Công an Tiền Giang tặng quà tại chốt kiểm soát dịch COVID-19 ở huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang. (Ảnh: Hữu Chí/TTXVN)

Kết quả, hơn một tháng qua, Liên đoàn Lao động tỉnh Tiền Giang đã nhận được số tiền, quà, vật tư và hàng hóa thiết yếu trị giá gần 1,8 tỷ đồng, thiết thực hỗ trợ đoàn viên nghèo, lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch và các hộ nghèo trong các khu phong tỏa, cách ly...

Với khẩu hiệu "San sẻ yêu thương-vượt qua đại dịch," "Gian hàng 0 đồng" do Liên đoàn Lao động các huyện Châu Thành, Gò Công Tây phối hợp cùng các đoàn thể tại địa phương tổ chức đã cung cấp những thực phẩm thiết yếu như gạo, nước tương, nước mắm, mì ăn liền, khoai lang, rau, củ, quả... cho công đoàn viên, người lao động, người dân có hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện Châu Thành Trương Thanh Hòa cho biết, đơn vị đã vận động được 2.000 phần quà nhằm tổ chức các "Gian hàng 0 đồng" với mục đích trao tặng thực phẩm thiết yếu cho người dân gặp khó khăn tại các xã Song Thuận, Vĩnh Kim, Điềm Hy và thị trấn Tân Hiệp; thăm, trao quà hỗ trợ người dân ở 4 khu vực phong tỏa trên địa bàn các xã Tân Lý Tây, Tam Hiệp, Hữu Đạo và Vĩnh Kim.

Liên đoàn Lao động huyện Gò Công Tây phối hợp với các đoàn thể trong huyện vận động quyên góp tiền, quà, tổng trị giá 270 triệu đồng để tổ chức "Gian hàng 0 đồng"; tổ chức thăm viếng, tặng quà 40 hộ dân nghèo trong các khu vực cách ly.

Đến 17 giờ ngày 3/8, Đồng Tháp đã phê duyệt và chi hỗ trợ 20.612 lao động tự do với tổng số tiền trên 30,9 tỷ đồng. Bảo Hiểm xã hội đã tiếp nhận 3 doanh nghiệp, với 679 lao động tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất gần 2,9 tỷ đồng.

Các huyện, thành phố đang tiếp nhận, thẩm định 131 hồ sơ của doanh nghiệp để đề nghị hưởng chế độ hỗ trợ theo chính sách tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương hoặc chính sách hỗ trợ ngừng việc cho người lao động.

Đối với các chính sách hỗ trợ còn lại (hỗ trợ người thuộc hộ nghèo, cận nghèo; hỗ trợ người bán vé số dạo,…. tỷ lệ đối tượng đã được hỗ trợ rất cao), các địa phương tiếp tục rà soát, hoàn chỉnh thủ tục để chi hỗ trợ cho các đối tượng còn lại theo quy định.

Bên cạnh đó, các cấp chính quyền, tổ chức, đoàn thể đã kịp thời thiết lập đường dây nóng để hỗ trợ người dân gặp khó khăn do COVID-19 như đường dây nóng 1022, đường dây nóng của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp; đường dây nóng của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp nhận, xử lý thông tin về sản xuất, thu hoạch và tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh...

Các huyện Tháp Mười, Hồng Ngự, Lấp Vò, Lai Vung, Châu Thành... trong ngày 3/8 cũng đã hỗ trợ hơn 16.300 hộ nghèo, cận nghèo, khó khăn tổng số 13.250 phần quà, 9.780 suất ăn miễn phí và nhiều nhu yếu phẩm, vật tư y tế khác với tổng trị giá trên 3,3 tỷ đồng.

Tỉnh Đồng Tháp tiếp tục áp dụng biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ đến hết ngày 15/8 để phòng, chống dịch COVID-19.

Bí thư Tỉnh uỷ Lê Quốc Phong yêu cầu các cấp, ngành, địa phương tiếp tục quan tâm đến người nghèo, người khó khăn, thực hiện tốt công tác an sinh xã hội.

Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội, tổ nhân dân tự quản tiếp tục rà soát và kịp thời thông tin những trường hợp khó khăn để có hỗ trợ ngay.

Tỉnh tuyệt đối không để bất kỳ người dân nào ở trên địa bàn không có đủ lương thực, thực phẩm trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục