Hỗ trợ hàng nông thủy sản xuất khẩu vào Phần Lan và Bắc Âu

Hội thảo hướng dẫn thực hành xuất khẩu nông thủy sản và hỗ trợ tìm kiếm - Kết nối doanh nghiệp Phần Lan/Bắc Âu" diễn ra tại TP.HCM.
Hỗ trợ hàng nông thủy sản xuất khẩu vào Phần Lan và Bắc Âu ảnh 1Chế biến tôm xuất khẩu. (Ảnh: Trung Hiếu/TTXVN)

Trong khuôn khổ Dự án “Hỗ trợ phát triển xuất khẩu nông thủy sản vào Phần Lan và Bắc Âu”, ngày 20/4, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Đại sứ quán Phần Lan và Chương trình kết nối doanh nghiệp Finnartnership của Bộ Ngoại giao Phần Lan tổ chức hội thảo "Hướng dẫn thực hành xuất khẩu nông thuy sản và hỗ trợ tìm kiếm - Kết nối doanh nghiệp Phần Lan/Bắc Âu" tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Tại hội thảo, ông Trần Việt Cường, Phó Giám đốc Văn phòng Thông báo và điểm hỏi quốc gia về dịch tễ và kiểm dịch thực vật Việt Nam (SPS Việt Nam) - Vụ Hợp tác quốc tế - Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, cho biết giá trị xuất khẩu ngành nông lâm thủy sản của Việt Nam hiện nay vẫn chủ yếu nhờ về tăng khối lượng chứ không phải tăng giá.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam đa phần là doanh nghiệp siêu nhỏ, cụ thể xét về lao động dưới 10 người chiếm tỷ lệ lên đến 44%, còn trên 300 người chỉ có 3,47%; riêng xét về vốn dưới 20 tỷ đồng chiếm tỷ lệ rẩ lớn là 82%, còn trên 100 tỷ chỉ có 6%.

Vì vậy, ông Trần Việt Cường cho rằng, Dự án “Hỗ trợ phát triển xuất khẩu nông thủy sản vào Phần Lan và Bắc Âu” với ngân sách hỗ trợ từ Đại sứ quán Phần Lan tại Việt Nam từ Quỹ Hợp tác địa phương (FLC) đóng vai trò quan trọng, mang lại cơ hội thúc đẩy ngành nông thủy sản Việt Nam khắc phục những hạn chế và tăng cường mở rộng thị trường xuất khẩu.

Dự án sẽ góp phần hỗ trợ kỹ thuật giúp doanh nghiệp tìm hiểu thông tin về cơ hội thị trường để có thể dễ dàng hơn trong việc tiếp cận với các đối tác. Đồng thời, đối tượng hưởng lợi là các doanh nghiệp xuất nhập khẩu nông thủy sản trên phạm vi cả nước, trong đó tập trung nguồn lực chủ yếu vào các thành phố lớn như: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.

Mặt khác, với mong muốn đẩy mạnh hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đa dạng hóa thị trường tại khu vực EU, các chuyên gia trong và ngoài nước còn tập trung cung cấp các thông tin cơ bản và hướng dẫn thực hành trong hoạt động xuất khẩu thủy sản, đối với những mặt hàng hoa quả tươi, quả đóng hộp và cá sang thị trường Phần Lan và Bắc Âu.

Các chuyên gia giới thiệu các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tìm đối tác Phần Lan thông qua Chương trình kết nối doanh nghiệp Finnartnership, với những tài trợ giúp doanh nghiệp trong nước mở rộng đầu tư, kinh doanh cũng như phát triển năng lực nội tại để đáp ứng thông lệ giao dịch quốc tế.

Tính đến hết năm 2014, tổng kim ngạch ngạch thương mại Việt Nam-Phần Lan đạt hơn 260 triệu USD (tăng 15% so với cùng kỳ năm 2013), trong đó xuất khẩu đạt hơn 100 triệu USD và nhập khẩu đạt gần 160 triệu USD.

Các mặt hàng chủ đạo của Việt Nam xuất khẩu sang Phần Lan gồm dệt, may; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng; sản phẩm từ chất dẻo; nguyên phụ liệu dệt may da giầy...

Việt Nam nhập khẩu từ Phần Lan máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng; giấy các loại; gỗ và sản phẩm gỗ; sản phẩm hóa chất; sắt thép các loại...

Riêng về đầu tư, tính đến hết tháng 3/2015, Phần Lan có 10 dự án đầu tư tại Việt Nam với tổng vốn trên 325 triệu USD, đứng thứ 29 trong tổng số các nước và vùng lãnh thổ đầu tư trực tiếp vào Việt Nam./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục