Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh vừa có công văn số 1182-BCT gửi Bộ Giao thông Vận tải về việc hỗ trợ doanh nghiệp và nông dân tháo gỡ khó khăn, giải tỏa ách tắc trong hoạt động thương mại trước tình hình dịch viêm đường hô hấp cấp do virus SARS-CoV-2 gây ra.
Bộ Công Thương đề nghị Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo các cơ quan liên quan triển khai đảm bảo chống dịch ở các cửa khẩu đường bộ, đường sắt, cảng biển theo hướng tạo thuận lợi cho doanh nghiệp theo tinh thần của công văn số 808/VPCP-KTTH ngày 5/2/2020 của Văn phòng Chính phủ thông báo ý kiến của Thủ tướng Chính phủ về hoạt động xuất nhập khẩu, vận chuyển hàng hóa qua biên giới.
Bên cạnh đó, ngành giao thông phối hợp với các tỉnh biên giới phía Bắc bố trí lực lượng chức năng phân luồng, phân tuyến tại đường bộ nhằm tạo điều kiện cho hàng hóa nông sản lưu thông, điều tiết tiến độ vận chuyển, giao hàng tại khu vực biên giới.
[Lượng hàng chờ xuất khẩu tại cửa khẩu phía Bắc ngày càng tăng]
Ngoài ra, Bộ Giao thông Vận tải cần phối hợp với Bộ Tài chính rà soát các loại thuế, phí, có các giải pháp hỗ trợ giảm chi phí vận tải như giảm giá BOT, phí cầu đường, bến bãi, phí lưu giữ phương tiện, thuế với nhiên liệu bay... làm việc với các hãng vận tải, hãng tàu nhằm giảm giá dịch vụ vận chuyển hàng hóa, giảm phí dịch vụ tại cảng để giảm chi phí lưu thông hàng hóa, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất và doanh nghiệp logistics.
Đặc biệt, Bộ Giao thông Vận tải hợp tác chặt chẽ và thông tin kịp thời cho Bộ Công Thương về triển khai ứng phó với dịch bệnh có khả năng gây tác động đến hoạt động thương mại và xuất nhập khẩu hàng hóa.
Theo Bộ Công Thương, trong thời gian qua, dịch viêm đường hô hấp cấp do virus SARS-CoV-2 gây ra có diễn biến phức tạp, lây nhiễm rất nhanh tại Trung Quốc và lan ra nhiều quốc gia trên thế giới.
Dịch bệnh có tác động toàn diện ở tất cả các mặt từ y tế, giao thông, du lịch, giáo dục, thương mại... Đối với lĩnh vực thương mại, Việt Nam không chỉ bị ảnh hưởng trong quan hệ thương mại trực tiếp với Trung Quốc mà cả trên các thị trường thứ ba, từ xuất khẩu, nhập khẩu, thương mại biên giới cho đến thương mại nội địa, sản xuất công nghiệp, quản lý chuỗi cung ứng.
Trước tình hình trên, các cấp, các ngành, địa phương, doanh nghiệp đang vào cuộc quyết liệt để phòng chống dịch và giảm thiệt hại do dịch gây ra.
Các doanh nghiệp phân phối, trung tâm thương mại, siêu thị, doanh nghiệp dịch vụ logistics cũng đã và đang tham gia tích cực trong việc thu mua và tiêu thụ nông sản cho nông dân./.