Hỗ trợ doanh nghiệp Việt tận dụng lợi thế của các hiệp định thương mại

Theo Ngân hàng Thế giới, mặc dù là một trong những nền kinh tế mở nhất thế giới nhưng mức độ tham gia của Việt Nam vào các chuỗi giá trị toàn cầu và khu vực vẫn còn hạn chế.
Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Lê Thanh Liêm phát biểu khai mạc diễn đàn. (Ảnh: Xuân Anh/TTXVN)

Đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp Việt tận dụng lợi thế của các Hiệp định thương mại (FTA) và tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu là giải pháp quan trọng thúc đẩy hoạt động xuất khẩu, khôi phục kinh tế sau COVID-19.

Đây là nội dung được nhiều chuyên gia nhấn mạnh tại Diễn đàn xuất khẩu 2020 với chủ đề “Dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu và phát triển bền vững vùng cung ứng nguyên liệu sau COVID-19” do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh (ITPC) tổ chức ngày 18/11.

Xuất khẩu đối mặt nhiều thách thức

Cuộc khủng hoảng COVID-19 đã tác động tiêu cực chưa từng có tới nhiều mặt của đời sống như y tế, kinh tế, xã hội… trên toàn cầu. Ngân hàng Thế giới (WB) nhận định đại dịch đã tạo ra sự kết hợp giữa các cú sốc cung và cầu trong nước với sự lan tỏa qua biên giới thông qua du lịch, thương mại, tài chính, thị trường hàng hóa và niềm tin của nhà đầu tư.

Cụ thể, dự báo của Nhóm Ngân hàng Thế giới (WBG) cho thấy GDP toàn cầu giảm đi 5,2% trong năm 2020 (mức suy thoái sâu nhất trong tám thập kỷ). Thương mại hàng hóa có thể giảm từ 13% đến 32% trong năm 2020. Thu nhập bình quân đầu người trong năm nay cũng được dự kiến sẽ giảm đi ở 93% các quốc gia, tỷ lệ lớn nhất trong một thế kỷ rưỡi.

Đại dịch COVID-19 cũng làm trầm trọng thêm xu thế của chủ nghĩa bảo hộ hiện hành và kéo theo khuynh hướng thiên về tự lực và tái cân bằng nền kinh tế trong nước của hầu hết các quốc gia trên toàn cầu, thị trường nội địa sẽ được quan tâm nhiều hơn.

Một xu hướng khác là tự động hóa gia tăng và việc thế giới rút lui khỏi các chuỗi giá trị toàn cầu có thể khiến chiến lược sử dụng công nghiệp chế biến chế tạo và xuất khẩu không còn thực sự hiệu quả với các thị trường mới nổi và các nền kinh tế phát triển.

Theo Ngân hàng Thế giới, mặc dù là một trong những nền kinh tế mở nhất thế giới (độ mở của Việt Nam cao gấp 1,5 lần Thái Lan và gấp 5 lần Trung Quốc) nhưng mức độ tham gia của Việt Nam vào các chuỗi giá trị toàn cầu và khu vực vẫn còn hạn chế, thấp hơn nhiều so với các nước cùng khối ASEAN như Singapore, Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Philippines.

Năm 2018, Việt Nam chỉ tạo ra được 20,4 tỷ USD thông qua việc tham gia vào các chuỗi giá trị, xếp thứ 53 trên tổng số 174 quốc gia. Con số này chưa bằng 1/4 của quốc gia tiếp theo trong khối ASEAN là Philippines với 84,8 tỷ USD (xếp thứ 34). Đồng thời, mức độ tham gia vào các công đoạn tinh vi phức tạp của Việt Nam vẫn còn thấp.

Ông Nguyễn Hữu Tín, Giám đốc ITPC dẫn chứng từ Báo cáo Phát triển Thế giới (WDR) cho hay năm 2020, mức độ tham gia của Việt Nam hiện nay đang ở cấp độ “chế biến chế tạo mức hạn chế” và cần tiến lên trong chuỗi giá trị để nâng cao năng suất. Một số quốc gia khác trong ASEAN như Malaysia, Thái Lan và Philippines hiện đã ở trình độ “chế biến chế tạo và dịch vụ tiên tiến” (cao hơn một cấp so với Việt Nam).

[Hiệp định EVFTA: Giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu vào EU]

Theo ông Nguyễn Hữu Tín, chuỗi giá trị toàn cầu hiện chiếm tới 66% giao dịch thương mại nhưng mức độ nội địa hóa của Việt Nam vẫn còn ở mức thấp, chỉ đạt 28% trong tổng kim ngạch thương mại, thấp hơn gần 2 lần so với Trung Quốc.

Không những vậy, Việt Nam hiện tập trung quá mức vào một số thị trường, sản phẩm, doanh nghiệp; trong đó nhóm dệt may, điện tử, hóa chất và kim loại chiếm 2/3 kim ngạch thương mại; 4 thị trường lớn nhất là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Hoa Kỳ chiếm tới 60%; 4 tập đoàn hàng đầu Samsung, Foxconn, Intel, Panasonic chiếm 70% kim ngạch thương mại trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Phân tích thị trường, ông Nguyễn Huy Hoàng, Giám đốc Thương mại Công ty nghiên cứu thị trường Kantar Worldpanel cho biết hành vi của người tiêu dùng hậu COVID-19 sẽ tập trung vào 5 đặc điểm sau: tiếp tục tăng cường nhu cầu cho các sản phẩm/dịch vụ chăm sóc và bảo vệ sức khỏe; đẩy mạnh “số hóa” các hoạt động như truyền thông, học tập, làm việc, du lịch, giải trí…; mở rộng hoạt động mua sắm trực tuyến và sử dụng dịch vụ giao hàng tiện lợi; thận trọng hơn trong các khoản chi tiêu ngắn hạn; quan tâm đến các vấn đề bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

Do đó, nếu không bắt kịp các xu hướng này, hoạt động xuất khẩu và tham gia vào chuỗi giá trị của doanh nghiệp Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn.

Tập trung hỗ trợ doanh nghiệp

Ông Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh với vị thế là trung tâm kết nối khu vực, hoạt động thương mại, xuất nhập khẩu của Thành phố Hồ Chí Minh đóng góp quan trọng kim ngạch xuất nhập khẩu của của nước.

Trong nhiều năm liền, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của thành phố duy trì mức tăng trưởng bình quân 10%/năm, cơ cấu xuất khẩu dịch chuyển đúng hướng, nhóm hàng công nghiệp chiếm trên 80%...

Tuy nhiên, tác động của dịch COVID-19 và biến động liên tục của các xu hướng thương mại ở nhiều khu vực đã khiến hoạt động xuất khẩu của thành phố chịu ảnh hưởng không nhỏ. Chính vì vậy, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thông tin thị trường, chia sẻ cách thức tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu một cách hiệu quả cũng như gia tăng tỷ trọng nguyên liệu nội địa trong cơ cấu hàng xuất khẩu là mục tiêu hàng đầu của thành phố trong việc duy trì tăng trưởng xuất khẩu, phục hồi kinh tế hậu COVID-19.

Ông Nguyễn Hữu Tín cho biết ITPC đã và đang tích cực triển khai các chương trình hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp để có thể tận dụng hiệu quả lợi thế mà các FTA đem lại cũng như nâng cao trình độ tham gia của Việt Nam vào các chuỗi cung ứng toàn cầu thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư.

Trong thời gian xảy ra dịch COVID-19, nhiều hoạt động hỗ trợ trực tiếp bị hủy, thay vào đó, ITPC đã nhanh chóng chuyển qua hỗ trợ và kết nối trực tuyến giúp doanh nghiệp cập nhật thông tin thị trường và tìm kiếm khách hàng.

Nhiều chương trình tuyên truyền, phổ biến kiến thức về các FTA, đặc biệt là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA)… được tổ chức thường xuyên dưới nhiều hình thức giúp doanh nghiệp tiếp cận sâu và tận dụng khá hiệu quả các ưu đãi trong hoạt động xuất khẩu.

Thời gian tới, ITPC sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp cụ thể hỗ trợ doanh nghiệp thành phố nâng cao năng lực cạnh tranh trong quá trình hội nhập quốc tế.

Chia sẻ về lĩnh vực xuất khẩu nông sản, ông Phạm Thiết Hòa, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn cho biết năm 2020, mặc dù bị tác động nặng nề của đại dịch COVID-19, nông lâm thủy sản vẫn cho thấy vai trò làm trụ đỡ cho lĩnh vực xuất khẩu khi vẫn duy trì tăng trưởng 1,6% trong 10 tháng. Tuy nhiên, tỷ trọng nông sản chế biến sâu được xuất khẩu của Việt Nam còn rất hạn chế, mới chỉ đạt khoảng từ 25-30% tổng sản lượng nông sản.

Chế biến nông sản xuất khẩu. (Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN)

Theo ông Phạm Thiết Hòa, để thúc đẩy đưa nông sản Việt Nam vào chuỗi cung ứng toàn cầu, trước tiên cần tận dụng lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Bởi lẽ, các hiệp định này có rất nhiều ưu đãi về thuế quan cho sản phẩm nông sản của Việt Nam.

Đơn cử như Hiệp định CPTPP, phần lớn hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam (rau quả tươi và rau quả chế biến, gạo, hạt khô…) được hưởng thuế suất 0% ngay sau khi có hiệu lực hoặc sau 3-5 năm. Hiệp định EVFTA có thể giúp Việt Nam xuất khẩu 100.000 tấn gạo tấm vào EU hàng năm. Bên cạnh đó, EU cũng cam kết xóa bỏ ngay 94% dòng thuế rau quả và các chế phẩm từ rau quả.

Trong khi đó, nhiều chuyên gia khuyến nghị tập trung đầu tư công nghệ, thiết bị hiện đại trong sản xuất và chế biến, đa dạng hóa sản phẩm, tăng cường hợp tác kết nối với đối tác trong chuỗi cung ứng; tiếp cận và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu; tối ưu hóa hiệu quả của dịch vụ logistics; xây dựng và phát triển cơ chế liên kết trong chuỗi giá trị, đồng thời xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu quốc gia sẽ là những việc mà doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu trong tất cả các lĩnh vực cần làm ngay để phát huy hết giá trị hàng hóa và nâng cao kim ngạch, tính bền vững cho hoạt động xuất khẩu của Việt Nam./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục