Tại hội thảo về quy định quản lý thực phẩm và dược phẩm của Mỹ do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh (ITPC) tổ chức ngày 19/7, ông Nguyễn Văn Hải, thành viên Nhóm Chính phủ và Thương mại Toàn cầu của Mayer Brown JSM, cho biết hàng xuất khẩu Việt Nam đã đối mặt với hơn 50 vụ kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp ở các thị trường quốc tế.
Riêng tại thị trường Mỹ có khoảng 9 vụ kiện chống bán phá giá (giai đoạn từ năm 2002 đến nay) và khoảng 4 vụ chống trợ cấp (giai đoạn từ năm 2009 đến nay), chủ yếu tập trung ở các ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như cá da trơn, tôm nước ấm, túi nhựa bán lẻ, ống thép dẫn dầu…
Các vụ kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp của Mỹ thường thực hiện bởi hai cơ quan riêng biệt gồm Bộ Thương mại (DOC) và Ủy ban Thương mại Quốc tế (ITC). Tuy nhiên, Mỹ vẫn luôn là thị trường hấp dẫn đối với hầu hết các quốc gia xuất khẩu (bao gồm cả Việt Nam).
Dù bị ảnh hưởng suy thoái kinh tế thế giới, song tổng kim ngạch nhập khẩu của Mỹ năm 2012 đạt khoảng 1.975 tỷ USD, trong đó các mặt hàng tiêu dùng chiếm đến 37,8%. Đặc biệt, Mỹ thuộc top 3 thị trường lớn nhất của 7 trong số 14 nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.
Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Mỹ 4 tháng đầu năm 2013 tăng 15,01% so với cùng kỳ năm 2012, gồm những ngành hàng dệt may, thủy sản, gỗ… Do đó, để xuất khẩu thành công hàng hóa sang Mỹ, ngoài việc hạn chế tối thiểu các nguy cơ bị áp dụng rào cản về chống bán phá giá và chống trợ cấp, doanh nghiệp phải tuân thủ chặt chẽ những quy định cũng như yêu cầu tiếp cận thị trường.
Theo bà Chitra Ananda, Trưởng đại diện Công ty luật Registrar Corp (Mỹ) tại Singapore và Malaysia, hàng tiêu dùng nhập khẩu vào Mỹ ngày càng có xu hướng tăng nên việc thực thi các quy định mới của Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm của Mỹ (FDA) đóng vai trò quan trọng, đồng thời buộc nhà sản xuất và nhập khẩu có trách nhiệm hơn đối với chất lượng sản phẩm.
Một số trường hợp cần chú ý trong Luật hiện đại hóa an toàn thực phẩm (FSMA) của Mỹ là hàng nhập khẩu thuộc diện kiểm soát kháng sinh bất hợp pháp trong nuôi trồng thủy hải sản, tác nhân gây bệnh phổ biến và các chủng mầm bệnh mới.
Bên cạnh đó, nguyên nhân phổ biến mà sản phẩm bị lưu giữ là do quy cách ghi nhãn không chính xác, nguyên liệu không được chấp nhận, câu cảnh báo sức khỏe không được cho phép…/.