Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 2, sáng 9/11, Quốc hội đã thảo luận ở tổ về các dự án Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, Luật Quy hoạch.
Xác định tiêu chí doanh nghiệp phù hợp
Thảo luận về dự án Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, các đại biểu cho rằng Việt Nam đang hướng tới vai trò Nhà nước kiến tạo, Nhà nước tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các thành phần kinh tế phát triển. Nếu thiết kế không tốt vai trò Nhà nước trong việc hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ dẫn tới méo mó yếu tố thị trường, có thể dẫn đến tình trạng các doanh nghiệp nhỏ và vừa khai thác các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, Nhà nước không ứng đúng nguồn lực, làm cho chính sách này khó khả thi.
Do vậy, cần xác định đúng vai trò Nhà nước trong hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa cải thiện môi trường kinh doanh về mặt pháp lý, hỗ trợ thông qua việc nâng cao công nghệ, giảm hỗ trợ trực tiếp, đáp ứng theo đúng quy luật thị trường.
Các ý kiến cho rằng, cần xem lại tiêu chí xác định doanh nghiệp nhỏ và vừa, ai, cơ quan nào công nhận và cách nào để doanh nghiệp chứng minh mình thuộc đối tượng doanh nghiệp nhỏ và vừa được nhận hỗ trợ. Luật phải quy định rõ ràng, tránh xin-cho.
Khẳng định xác định tiêu chí doanh nghiệp vừa và nhỏ như dự thảo Luật là không đáp ứng được yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế, nâng sức cạnh tranh của sản phẩm, đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang) cho rằng, tiêu chí phải phù hợp, đáp ứng được vấn đề đổi mới công nghệ, thiết bị, nâng cao năng lực cạnh tranh, quy mô doanh nghiệp, đáp ứng được yêu cầu giải quyết vấn đề môi trường.
Đại biểu Phạm Xuân Thăng (Hải Dương) nhìn nhận tiêu chí xác định doanh nghiệp nhỏ và vừa có những yếu tố không phù hợp. “Trước hết, nguồn vốn ở đây chúng ta xác định là vốn điều lệ hay vốn ở thời điểm hiện tại. Bởi thực tế, vốn của doanh nghiệp được hình thành từ rất nhiều nguồn do cổ đông đóng góp, vốn đi vay. Nếu xác định đúng nguồn vốn của doanh nghiệp, có một số doanh nghiệp vốn rất thấp, nên việc xác định vốn như thế nào để xác định quy mô doanh nghiệp nhỏ, vừa hay siêu nhỏ thì dự án Luật chưa thể hiện rõ,” đại biểu khẳng định.
Theo đại biểu, trong điều kiện phát triển doanh nghiệp trong cuộc cách mạng công nghiệp thứ tư cũng như vận dụng kinh tế tri thức, yếu tố phân loại doanh nghiệp truyền thống không phù hợp.
Những doanh nghiệp sản xuất phần mềm chỉ có 10-15 lao động nhưng lại mang lại giá trị thặng dư, giá trị gia tăng lớn, doanh thu hàng trăm tỷ đồng thì phân loại doanh nghiệp như thế nào?
Nếu chỉ căn cứ vào tổng số vốn, số lao động bình quân để phân loại doanh nghiệp sẽ không thuyết phục.
Như vậy, các doanh nghiệp muốn được hưởng quyền lợi sẽ lách luật bằng cách báo cáo số nguồn vốn và số lao động bình quân theo ý của họ để được hưởng quyền lợi.
Vì vậy, căn cứ vào số vốn, số lao động để phân loại doanh nghiệp là tiêu chí lạc hậu, nên căn cứ vào doanh thu. Đây cũng chính là con số mà cơ quan thuế quản lý để tính thuế thu nhập doanh nghiệp.
Làm rõ thêm, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, cách phân loại này được áp dụng từ năm 2009, theo Nghị định 56 về trợ giúp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, phù hợp với cách phân loại của quốc tế. Khi tham gia ý kiến vào dự thảo Luật này, áp dụng tiêu thức nào cũng rất khó.
Nếu theo tiêu thức doanh thu rất dễ xác định nhưng doanh thu biến động liên tục, có những doanh nghiệp rất bé nhưng doanh thu rất lớn (như doanh nghiệp xuất nhập khẩu hay bán buôn, đại lý…), thế giới vẫn lấy tiêu chí lao động và vốn điều lệ.
Khi đăng ký thành lập, doanh nghiệp đã phải cấp đủ vốn điều lệ nên có thể xác định được ngay.
Còn số lao động sẽ tính theo đăng ký lao động bình quân, tương đối cố định và cơ quan thuế có danh sách, kiểm soát được, nếu không có danh sách lao động bình quân, doanh nghiệp không được tính chi phí lao động vào trong lợi nhuận khi tính thuế thu nhập.
Phó Thủ tướng đưa ra một thực tế là Quốc hội khóa XIII đã có chính sách áp dụng miễn giảm thuế cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, khi áp vào Nghị định 56 đều thông đồng bén giọt, không vướng.
Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa
Hỗ trợ tiếp cận tín dụng đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa là điều khiến nhiều đại biểu băn khoăn.
Đại biểu Phạm Phú Quốc (Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết các doanh nghiệp nhỏ và vừa khi tiếp cận vay vốn từ ngân hàng đã khó, từ các quỹ hỗ trợ phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ lại càng khó hơn.
Trên thực tế, doanh nghiệp nhỏ và vừa thường không có đủ năng lực, không đủ hồ sơ hợp lệ đáp ứng quy định của các quỹ, cũng như ngân hàng, khó tiếp cận nguồn tín dụng cho phát triển mà phải đi phát hành trái phiếu hoặc tính toán vay của các cơ quan, tổ chức khác được phép cho vay nhưng không yêu cầu thế chấp tài sản nên mức lãi suất vay rất cao.
Trong khi đó, hiện Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp lại không cho phép hạch toán phần chi phí lãi vay từ 13,5%, làm khó cho doanh nghiệp.
Theo đại biểu Phạm Xuân Thăng, Chương II được thiết kế theo hướng hỗ trợ doanh nghiệp tập trung vào tiếp cận tài chính, tín dụng và đất đai, nhưng hiện doanh nghiệp lại thiếu tiếp cận về mặt pháp lý và nâng cao trình độ quản trị doanh nghiệp. Khả năng tiếp cận các văn bản pháp luật và vận dụng vào thực tế của doanh nghiệp ở địa phương còn hạn chế.
Đại biểu cho rằng, Điều 9 dự thảo Luật quy định hỗ trợ tiếp cận tín dụng từ các ngân hàng là khó khả thi. Nếu thực hiện được thì quy trình thủ tục rắc rối.
“Quy định như vậy Nhà nước có hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp hay không?”, đại biểu đặt vấn đề. Dự thảo Luật quy định, các ngân hàng tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận vốn với nguồn lãi suất ưu đãi, nguồn lãi suất ưu đãi này do Ủy ban Nhân dân tỉnh, thành phố tùy theo điều kiện của mình để cân đối ngân sách, bù đắp lãi suất.
Từ thực tế địa phương, đại biểu nhận thấy, việc cân đối ngân sách nhà nước hiện rất khó khăn. Xác định tính xác thực của các hợp đồng vay để ngân sách nhà nước giải ngân khoản tiền này cũng không hề đơn giản. Giao cho các ngân hàng thương mại thiết lập cơ chế vay với lãi suất ưu đãi cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhưng lại quy định tùy theo điều kiện ngân sách của địa phương, Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh hỗ trợ lãi suất và các hỗ trợ tài chính khác cho doanh nghiệp nhỏ và vừa theo mục tiêu, định hướng ưu tiên phát triển của địa phương, là không khả thi.
Về vấn đề tiếp cận từ các quỹ, theo đại biểu, bản chất các quỹ là từ ngân sách, nên giảm bớt vai trò quỹ trong dự thảo Luật, đặc biệt là bảo lãnh tín dụng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa thông qua các quỹ này là không khả thi, cần xem xét lại một số điều luật vì khi triển khai trên thực tiễn, không cân đối được nguồn lực, đại biểu nói.
Cho rằng đây là một luật khó, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ bày tỏ “làm sao vừa hỗ trợ được doanh nghiệp mà không trái các cam kết quốc tế, hỗ trợ mà không bao cấp, theo nguyên tắc của thị trường, không theo kiểu xin-cho.”
Theo Phó Thủ tướng, việc hỗ trợ là nhằm giúp doanh nghiệp vươn lên và phải phù hợp với các luật khác.
Luật thực chất thiết kế cho đối tượng nhỏ, vừa và siêu nhỏ, các hộ kinh doanh đăng ký hoạt động doanh nghiệp và doanh nghiệp khởi nghiệp.
Doanh nghiệp khởi nghiệp hiện khó tiếp cận tín dụng ngân hàng, phải dựa vào quỹ đầu tư mạo hiểm, do đó phải thiết kế 3 chương trình hỗ trợ trọng tâm của Chính phủ.
Nếu không quy định 3 chương trình hỗ trợ trọng tâm, có chọn lọc đối với một số doanh nghiệp vừa và nhỏ theo những mục tiêu đề ra trong một giai đoạn nhất định, Chính phủ không có cơ sở để tổ chức thực hiện.
Chương trình cụ thể sẽ được tính toán thiết kế chi tiết thêm, nhưng trước hết phải tạo khung khổ pháp lý, những vấn đề về nguyên tắc hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Về Quỹ hỗ trợ bảo lãnh tín dụng, Phó Thủ tướng cho biết Quỹ Trung ương nằm ở Ngân hàng Phát triển và quỹ địa phương đều đã có, nhiều tỉnh đầu tư cho quỹ này khá lớn. Doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhất là siêu nhỏ, tài sản hạn chế, thế chấp để vay vốn rất khó khăn.
Ngân hàng chỉ thiết lập chương trình cho vay theo quy trình ngắn gọn nhất, để giảm bớt thủ tục, không hỗ trợ tiền. Nếu doanh nghiệp nhỏ và vừa không có tài sản thế chấp, phải có đơn vị đứng ra bảo lãnh ngân hàng mới cho vay.
Nhiều tỉnh đầu tư cho quỹ hỗ trợ bảo lãnh tín dụng khá lớn, vì phí bão lãnh không cần nhiều. Sau khi có Luật, trước hết các địa phương có điều kiện sẽ tập trung cho quỹ này, phát triển doanh nghiệp cũng là cơ sở để sau này thu được thuế, Phó Thủ tướng khẳng định.
Tán thành ý kiến của các đại biểu, Phó Thủ tướng cho rằng ngân hàng cho vay là phải theo thị trường, Chính phủ muốn ưu tiên một số ngành nghề thì chênh lệch lãi suất Nhà nước phải cấp bù, phải hỗ trợ lãi suất, nhưng theo từng chương trình trọng điểm ưu tiên, ưu đãi, từng giai đoạn, tách bạch công cụ nào là tài khóa, công cụ nào là tiền tệ, tín dụng, Luật thiết kế theo hướng đó.
Cần có quy hoạch tổng thể quốc gia
Cũng trong phiên thảo luận tại tổ, Quốc hội đã thảo luận về dự án Luật Quy hoạch.
Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật Quy hoạch do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày cho thấy, sau 30 năm đổi mới, nền kinh tế đất nước đã có nhiều thay đổi, quy mô nền kinh tế lớn gấp nhiều lần trước đây, trong khi công tác quy hoạch chưa theo kịp sự đổi mới và đã bộc lộ nhiều hạn chế, yếu kém, gây khó khăn trong điều hành phát triển kinh tế-xã hội của các cấp, các ngành, làm lãng phí nguồn lực của đất nước, ảnh hưởng tới môi trường sinh thái và cản trở các hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh của các tổ chức, doanh nghiệp, người dân.
Những hạn chế, yếu kém được Chính phủ chỉ ra là quy hoạch được lập quá nhiều, thời kỳ 2001-2010 mới chỉ lập 3.114 quy hoạch, nhưng đến thời kỳ 2011-2020 đã lập 12.860/19.285 quy hoạch. Chất lượng quy hoạch thấp, như quy hoạch xi măng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đến nay đã có 3 lần điều chỉnh.
Quy hoạch không gắn với nhu cầu sử dụng cũng như nguồn lực thực hiện và thiếu tính khả thi gây lãng phí nguồn lực của đất nước. Giai đoạn 2011-2020, nhu cầu vốn đầu tư ưu tiên phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng nằm trong các quy hoạch là khoảng 385-390 tỷ USD, song thực tế khả năng huy động chỉ đạt khoảng 210-215 tỷ USD (khoảng 50%).
Bên cạnh đó, quy hoạch không thống nhất và còn nhiều chồng chéo, mâu thuẫn, làm giảm hiệu lực, hiệu quả của quy hoạch; chưa thể hiện được vị trí, vai trò là công cụ của Nhà nước để điều hành phát triển kinh tế-xã hội và sự kết nối giữa chiến lược với kế hoạch dẫn đến sự thiếu gắn kết trong mục tiêu, định hướng phát triển và giải pháp thực hiện.
Phương pháp và nội dung quy hoạch chưa đổi mới cho phù hợp với nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế. Việc tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt và tổ chức thực hiện quy hoạch bị buông lỏng, chưa xử lý kịp thời và thiếu kiên quyết trong chỉ đạo điều hành.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, việc ban hành Luật Quy hoạch là cần thiết và cấp bách để khắc phục những hạn chế, yếu kém trên.
Luật Quy hoạch hướng tới sự cải cách toàn diện về công tác quy hoạch để quy hoạch thực sự là công cụ quan trọng, hữu hiệu giúp Nhà nước kiến tạo sự phát triển; là giải pháp quan trọng để đẩy mạnh quá trình tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, hiệu quả và năng lực cạnh tranh quốc gia.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, việc ban hành Luật Quy hoạch nhằm bảo đảm tính pháp lý cụ thể hóa chiến lược phát triển kinh tế-xã hội, bám sát nhu cầu phát triển, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực của đất nước và là công cụ quan trọng trong điều hành phát triển kinh tế-xã hội.
Các ý kiến đều nhất trí cho rằng dự thảo Luật còn nhiều nội dung giao Chính phủ, các Bộ trưởng ban hành văn bản quy định chi tiết khiến cho dự thảo Luật chỉ mang tính chất quy định khung.
Do đó, đề nghị cần cụ thể hóa ngay trong dự thảo Luật để bảo đảm tính hiệu quả, khả thi của Luật theo tinh thần của Hiến pháp.
Nhiều đại biểu cho rằng cần có quy hoạch tổng thể quốc gia để đảm bảo tính thống nhất và đồng bộ của hệ thống quy hoạch trong cả nước, khắc phục được tình trạng quản lý chia cắt, cục bộ, thiếu liên kết giữa các quy hoạch, đồng thời tạo lập không gian phát triển thống nhất, khắc phục sự mâu thuẫn giữa quy hoạch vùng và quy hoạch cấp tỉnh về không gian phát triển, về mục tiêu, công cụ chính sách, phân bố nguồn lực, lựa chọn dự án, chương trình ưu tiên đầu tư.
Mặt khác, nhiều đại biểu cho rằng, để quy hoạch linh hoạt, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước, thì bên cạnh tuân theo nguyên tắc hoạt động của điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, cần có sự điều chỉnh phù hợp với bối cảnh kinh tế đất nước hiện nay.
Đại biểu Nguyễn Văn Lợi (Bình Phước) khẳng định quy hoạch phải theo tín hiệu của thị trường, và dự báo thị trường 5-10 năm tới, nếu không tự thân quy hoạch sẽ phá vỡ quy hoạch.
Đại biểu đề nghị hoạt động quy hoạch theo hai nguyên tắc, đó là phải phù hợp với kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, mang tín hiệu của thị trường, dự báo được thị trường và quy hoạch đa mục tiêu, phù hợp với vùng, miền, lợi thế so sánh của vùng, miền để khắc phục tình trạng quy hoạch cứng thì treo, mà không treo thì phá vỡ quy hoạch./.