Hỗ trợ để các gia đình ở những vùng mức sinh thấp không sợ sinh con

Hiện có 21 tỉnh, thành phố có mức sinh thấp, thậm chí, một số tỉnh mức sinh rất thấp, tập trung ở vùng Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long và một số tỉnh duyên hải miền Trung.

Chăm sóc sức khoẻ cho phụ nữ mang thai. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Chăm sóc sức khoẻ cho phụ nữ mang thai. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Theo báo cáo của Cục Dân số (Bộ Y tế) hiện mức sinh thay thế của Việt Nam đang giảm sâu nhất trong 12 năm trở lại đây và dự báo sẽ tiếp tục giảm trong những năm tiếp theo.

Trong 3 năm liên tiếp, mức sinh trên toàn quốc giảm dưới mức sinh thay thế (2,1 con/phụ nữ), cụ thể năm 2023 là 1,96 con/phụ nữ con, ước tính năm 2024 giảm còn 1,91 con/phụ nữ, đây là mức giảm thấp nhất trong lịch sử và dự báo xu hướng sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới.

Hiện có 21 tỉnh, thành phố có mức sinh thấp, thậm chí, một số tỉnh mức sinh rất thấp, tập trung ở vùng Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long và một số tỉnh duyên hải miền Trung.

Thứ trưởng Bộ Y tế Liên Hương phân tích, một trong những khó khăn đó là nguồn lực cả trung ương và địa phương đầu tư, bố trí cho các hoạt động của công tác dân số thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu để triển khai thực hiện các nhiệm vụ về dân số trong tình mới. Bộ máy tổ chức làm công tác dân số tại Trung ương cũng như địa phương có sự thay đổi... là những nguyên nhân dẫn đến 2/3 chỉ tiêu cơ bản được giao theo Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ (tỉ số giới tính khi sinh, tổng tỷ suất sinh) và 7/8 chỉ tiêu chuyên môn năm 2024 giao cho lĩnh vực dân số đều chưa đạt theo kế hoạch đề ra...

Năm 2025 là năm cuối cùng thực hiện kế hoạch 5 năm 2021-2025, là năm cuối thực hiện giai đoạn 1 của Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030. Để từng bước tìm ra các giải pháp quyết liệt cho năm 2025 và những năm tiếp theo nhằm đạt các chỉ tiêu kế hoạch, nhiệm vụ được Chính phủ giao, đặc biệt là về những vấn đề mới, những vấn đề mang tính bước ngoặt của công tác dân số Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết số 21-NQ/TW và Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030.

Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết nhằm tháo gỡ khó khăn, đáp ứng công tác dân số và phát triển trong thời gian tới, trong Dự thảo Luật Dân số do Bộ Y tế soạn thảo có đề xuất các nội dung nhằm đảm bảo mức sinh thay thế, liên quan đến quy định số con của mỗi gia đình hay xử lý vi phạm chính sách dân số… Bên cạnh đó, Dự Luật cũng đề cập vấn đề hỗ trợ người lao động sinh con, có con nhỏ, để các gia đình, đặc biệt ở vùng mức sinh thấp không sợ sinh con.

Ông Phạm Vũ Hoàng - Phó Cục trưởng Cục Dân số cho hay nhằm bảo đảm vững chắc mức sinh thay thế của quốc gia, một trong những nhiệm vụ, giải pháp được đưa ra là sửa đổi quy định về xử lý kỷ luật, không xử lý trường hợp sinh từ 3 con trở lên, song song với việc thúc đẩy và có các chính sách khuyến khích các cặp vợ chồng, cá nhân sinh đủ 2 con.

Bộ Y tế đang tập trung mọi nguồn lực hoàn thiện thể chế, hoàn thành dự thảo Luật Dân số để trình Quốc hội vào kỳ họp thứ 10 (năm 2025) nhằm đưa Nghị quyết 21-NQ/TW đi vào thực tiễn cuộc sống. Xây dựng, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành văn bản bãi bỏ hoặc ngưng hiệu lực đối với quy định về số con của Pháp lệnh số 08/2008/PL-UBTVQH12 ngày 27/12/2008 sửa đổi Điều 10 Pháp lệnh số 06/2023/PL-UBTVQH1 ngày 09/01/2003 sau khi có ý kiến của Bộ Chính trị.

Bên cạnh đó, Bộ Y tế chủ động xây dựng 03 đề án được giao tại Nghị quyết số 68 NQ/CP ngày 9/5/2024 của Chính phủ trình cấp có thẩm quyền. Tổ chức đánh giá kết quả 5 năm thực hiện Chiến lược Dân số Việt Nam; sơ kết, tổng kết các chương trình, đề án về dân số đã được Thủ tướng phê duyệt để đề xuất điều chỉnh và thực hiện trong giai đoạn 2026-2030.

Bộ Y tế phối hợp với các cơ quan/đơn vị liên quan trong việc bố trí nguồn lực cho công tác dân số để bảo đảm cho việc thực hiện 12 chương trình, đề án về dân số đã được Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Y tế phê duyệt. Đầu mối phối hợp với các bộ, ngành thành viên đẩy mạnh các hoạt động của Ban Chỉ đạo quốc gia Dân số và phát triển.../.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục