Việc thực thi các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã giúp nhiều doanh nghiệp tận dụng tốt để tăng trưởng xuất khẩu, nâng cao trình độ khoa học, nắm bắt các cơ hội mới. Dù vậy, thực tế cho thấy nhiều doanh nghiệp còn đối mặt với các thách thức do thiếu nguồn lực, thiếu nguồn thông tin về hoạt động hỗ trợ.
Đây cũng là nội dung chính tại tọa đàm: “Xây dựng chương trình hỗ trợ riêng cho doanh nghiệp tận dụng FTA,” do Tạp chí Công Thương tổ chức ngày 4/11, tại Hà Nội.
Thách thức khi đáp ứng các yêu cầu của thị trường
Bà Bùi Thu Thủy, Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết trong khuôn khổ Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, được Quốc hội thông qua từ năm 2017, các bộ, ngành và địa phương đã triển khai rất nhiều chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong việc tư vấn, nâng cao năng lực cạnh tranh, xây dựng lại các kế hoạch kinh doanh, chiến lược định hướng thị trường sản phẩm, cách thức hoàn thiện sản phẩm để đáp ứng được yêu cầu của thị trường, thậm chí là việc bán hàng qua các nền tảng thương mại điện tử...
'Nâng chất' các FTA: Thêm xung lực cho xuất khẩu tại các thị trường trọng điểm
Hiện Việt Nam tham gia ký kết 16 hiệp định thương mại tự do, cơ bản các thị trường FTA đều có hiệu quả rất tốt và các đối tác thương mại lớn của Việt Nam đều nằm trong các quốc gia này.
Tuy vậy, khi tham gia các FTA, thuế về bằng 0 hoặc rất thấp, nhưng nhiều quốc gia lại áp dụng rất nhiều những tiêu chuẩn cao đối với hàng hóa nhập khẩu, như sản xuất Xanh, tiêu chuẩn về lao động hay môi trường… Đây là những điểm rất thách thức cho doanh nghiệp.
“Mặc dù đã có nhưng để thành một gói riêng giúp doanh nghiệp tận dụng FTA thì cần phải có một chương trình chuyên sâu hơn, ngoài xúc tiến thương mại, ngoài hỗ trợ nâng cấp thông thường, phải có một gói cho các doanh nghiệp có thể đáp ứng và tận dụng được yêu cầu của FTA,” bà Thủy nêu ý kiến.
Còn theo tiến sỹ Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, nhờ có các FTA nên nhiều doanh nghiệp đã triển khai rất bài bản cũng như nghiên cứu thực sự để đáp ứng các yêu cầu của thị trường.
Song ông cũng đề xuất Chính phủ phải “Đề pa” tức là khởi động cho doanh nghiệp, bởi có “đề pa” tốt thì doanh nghiệp sẽ làm tốt. Dẫn chứng thêm cho việc này, ông cho rằng đầu tiên là thể chế, việc cải cách thủ tục hành chính nếu không đột phá thì doanh nghiệp rất khó làm.
“Các doanh nghiệp nước ngoài đặt hàng, nhất là doanh nghiệp châu Âu, họ rất nguyên tắc, ký kết nếu không đảm bảo yêu cầu sẽ trả hàng ngay. Cho nên các doanh nghiệp nhỏ và vừa rất ngại, chỉ cần về thủ tục hành chính mà lỡ một cái là sẽ thiệt thòi, container bị trả về là nguy hiểm,” ông nói.
Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh công tác truyền thông, giúp doanh nghiệp thấy được hiệu quả từ việc tham gia công tác xúc tiến thương mại, tiếp cận thị trường, thông qua đó có thể hiểu hơn về thị trường, thúc đẩy xuất khẩu.
“Doanh nghiệp vừa chỉ có từ 4-5% là người dẫn dắt, giúp đỡ, hỗ trợ, kéo các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Còn doanh nghiệp vừa là phải làm sao “đề pa” cho họ, tạo mọi điều kiện cho họ, kể cả về cơ chế, cho vay để đẩy lên thành doanh nghiệp lớn,” tiến sỹ Nguyễn Văn Thân nói.
Cần thay đổi tư duy của doanh nghiệp
Báo cáo mới đây của Bộ Công Thương về tình hình thực thi Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), hiệp định thương mại tự Việt Nam-châu Âu (EVFTA) và Việt Nam-Vương Quốc Anh (UKVFTA) cũng chỉ ra những điểm hạn chế trong hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp thực thi các FTA.
Theo đó, mặc dù các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực vẫn được triển khai tại các địa phương nhưng phần lớn các hoạt động này chủ yếu được thực hiện trong khuôn khổ chính sách phát triển chung của tỉnh, không phải dành riêng cho việc thực thi FTA nào đó. Điều này dẫn đến hoạt động hỗ trợ mang tính dàn trải, chưa có điều kiện tập trung vào các lĩnh vực hoặc ngành hàng có thế mạnh của tỉnh và có cơ hội tiếp cận từ thị trường các FTAs.
Ngoài ra, các hoạt động xúc tiến thương mại, cập nhật thông tin cũng như kết nối thương mại tại các thị trường EVFTA, CPTPP và UKVFTA dù được đẩy mạnh nhưng cũng chưa đáp ứng đủ yêu cầu của doanh nghiệp. Do nguồn kinh phí và nhân lực còn hạn chế nên các cơ quan quản lý và doanh nghiệp chưa đủ điều kiện thúc đẩy hơn nữa hoạt động này.
Trước thực tế trên, ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ chính sách Thương mại đa biên (Bộ Công Thương) thông tin, hiện nay đơn vị đã báo cáo Chính phủ và Chính phủ cũng đã đồng ý giao Bộ Công Thương phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội xây dựng một hệ sinh thái tận dụng FTA.
Tư duy của hệ sinh thái này chính là kết nối tất cả các chủ thể có liên quan từ chuỗi giá trị, ví dụ chẳng hạn như ngành thủy sản chẳng hạn, từ người nông dân, nuôi trồng thủy sản đến các công ty thu mua, công ty chế biến, kết nối với các tổ chức tín dụng, logistics, kết nối với địa phương, kết nối với bộ, ngành trong một platform, một nền tảng như vậy và sẽ có những đơn vị vận hành để các ý tưởng, các kế hoạch thực thi đi vào hàng ngày.
Ông Khanh cho biết sẽ tập trung trước mắt vào 6 ngành: dệt may; da giày; thủy sản; càphê; quế và điều. Sáu ngành đó, đơn vị đang triển khai các buổi tọa đàm tại các tỉnh, thành để lấy ý kiến các hiệp hội, các địa phương, các cơ quan có liên quan và mục tiêu chúng ta đưa hết tất cả các chủ thể và tận dụng tối đa sức mạnh của các chủ thể để từ đó thì chúng ta sẽ có được các định hướng trọng tâm để tận dụng tối đa các FTA.
“Hy vọng rằng với hệ sinh thái được ban hành sẽ có được sự tập trung nguồn lực từ phía các bộ, từ phía Hiệp hội là điều mà Bộ Công Thương đang đã và đang triển khai trong thời gian tới,” ông Ngô Chung Khanh nói.
Song song với sự hỗ trợ của cơ quan chức năng, về phía cơ quan chức năng, bà Bùi Thu Thủy, Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị doanh nghiệp cần nâng cao nhận thức, tìm hiểu về các thị trường, chủ động nắm bắt xem các thị trường đó yêu cầu gì, bởi nhiều chương trình hỗ trợ từ phía cơ quan chức năng nhưng thiếu sự tham gia của chủ doanh nghiệp.
“Nếu lãnh đạo không tham gia không bao giờ có kết quả. Ví dụ mình muốn chuyển đổi một thói quen, một quy trình thì người lãnh đạo phải là người quyết. Không phải là chỉ quyết hôm nay, sau một tuần, sau một năm nó nguội đi thì cũng không làm được gì. Người lãnh đạo lúc nào cũng phải là người cầm trịch để mà quyết định những việc đó,” bà Thủy khuyến nghị./.