Hỗ trợ chuyển đổi sinh kế cho ngư dân bị ảnh hưởng vì hải sản chết

Tỉnh Quảng Trị một mặt hỗ trợ ngư dân mở rộng ngư trường đánh bắt xa bờ, mặt khác tập trung triển khai các mô hình phát triển cây trồng, vật nuôi và phát triển các nghề truyền thống khác.
Các thương lái thu mua hải sản của ngư dân Quảng Trị. (Ảnh: Thanh Thủy/TTXVN)

Ngày 12/7, tại thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh, Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Trị tổ chức Hội nghị tìm giải pháp chuyển đổi sinh kế cho nhân dân 16 xã, thị trấn của 4 huyện vùng biển, bị ảnh hưởng trực tiếp bởi hiện tượng hải sản chết bất thường do ô nhiễm môi trường thời gian vừa qua.

Tại hội nghị, các địa phương trong vùng bị ảnh hưởng đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm giúp nhân dân ổn định cuộc sống, chuyển đổi nghề nghiệp trước mắt và lâu dài.

Chính quyền các địa phương ven biển đang phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện một số mô hình phát triển cây trồng, vật nuôi như trồng đậu xanh, nuôi gà, trồng cỏ nuôi bò, nuôi cá nước ngọt… góp phần giải quyết một phần khó khăn cho người dân ven biển.

Bên cạnh đó, tỉnh ưu tiên hỗ trợ giống, khoa học kỹ thuật để mở rộng sản xuất bắt đầu từ vụ Thu Đông 2016 cho đến hết năm 2017; đồng thời triển khai công tác chứng nhận thủy sản khai thác ở vùng biển an toàn, tạo thuận lợi trong việc tiêu thụ sản phẩm cho các chủ tàu cá.

Tỉnh cũng hỗ trợ người dân tập trung mở rộng ngư trường đánh bắt, khai thác thủy hải sản xa bờ, dịch vụ hậu cần nghề cá, dịch vụ du lịch...

Ông Nguyễn Đức Chính, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Trị cho biết trước mắt, tỉnh hỗ trợ người dân ổn định cuộc sống bằng cách phát triển các ngành nghề truyền thống (trồng trọt, chăn nuôi, nghề khác).

Tỉnh cũng đẩy mạnh đào tạo chuyển đổi nghề cho ngư dân kết hợp với ổn định và phát triển nuôi trồng, khai thác thủy sản và dịch vụ hậu cần nghề cá; động viên ngư dân tiếp tục vươn khơi bám biển phục vụ sản xuất và bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương.

Địa phương tiếp tục tìm kiếm và thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp; hợp tác đầu tư, xây dựng các vùng chuyên canh ứng dụng công nghệ cao, tạo sản phẩm hàng hóa phục vụ xuất khẩu phù hợp với tiềm năng vùng cát...

Từ nay đến năm 2020, tỉnh Quảng Trị phấn đấu chuyển đổi 50% tàu thuyền khai thác công suất từ dưới 20 CV đến dưới 90 CV lên công suất trên 90 CV và đóng mới 100 tàu cá có công suất 90CV trở lên, đảm bảo khai thác trung bờ và xa bờ; khôi phục và chuyển đổi nghề khai thác cá đáy, phát triển sinh kế thay thế một cách ổn định cho ngư dân vùng biển.

Song song với đó, tỉnh tập trung phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững; tăng cường công tác quản lý môi trường và dịch bệnh; chuyển đổi nghề cho người dân khai thác ven bờ sang khai thác trung và xa bờ; đẩy mạnh nuôi trồng thủy sản, trồng trọt, chăn nuôi, dịch vụ và xuất khẩu lao động...

Quảng Trị có 16 xã, thị trấn với 102 thôn chịu ảnh hưởng nặng nề của sự cố môi trường nghiêm trọng vừa qua, trong đó 8.008 hộ bị ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp.

Hiện nay, nghề nghiệp chính của người dân 16 xã ven biển là khai thác hải sản, nuôi trồng, chế biến hoặc dịch vụ nghề cá. Sản xuất trồng trọt, chăn nuôi chỉ là nghề phụ, ít được đầu tư nên sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, năng suất, sản lượng đạt thấp, hiệu quả kinh tế không cao so với bình quân chung của tỉnh.

Bởi vậy, để khôi phục sản xuất và phát triển sinh kế cho người dân ven biển là vấn đề khó khăn, cần có sự đầu tư đồng bộ cả trước mắt và lâu dài./. 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục