Hỗ trợ cho lao động gặp khó khăn tại các khu công nghiệp của TP.HCM

Mục tiêu của chương trình là hỗ trợ, động viên lực lượng công nhân tiếp tục tạm trú để thực hiện giãn cách theo quy định của Thành phố Hồ Chí Minh, tránh ra ngoài gây lây lan dịch bệnh COVID-19.
Quà của Công đoàn Khu chế xuất, Khu công nghiệp Thành phố gửi cho người lao động tại khu cách ly. (Ảnh: TTXVN phát)

Tổ công tác đặc biệt phòng chống dịch COVID-19 khu vực phía Nam của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết Tổ công tác phối hợp Tổ công tác của Bộ Quốc phòng vận động hỗ trợ lương thực, thực phẩm cho lao động gặp khó khăn làm việc tại các khu công nghiệp của Thành phố Hồ Chí Minh trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Mục tiêu của chương trình là hỗ trợ, động viên lực lượng công nhân tiếp tục tạm trú để thực hiện giãn cách theo quy định của Thành phố Hồ Chí Minh, tránh ra ngoài gây lây lan dịch bệnh COVID-19.

Đồng thời góp phần cung cấp nhu cầu lương thực, thực phẩm thiết yếu để đảm bảo sức khỏe cho lực lượng công nhân gặp khó khăn trong thời gian giãn cách, giảm bớt tình trạng người di cư từ Thành phố Hồ Chí Minh về các địa phương.

Các đơn vị phối hợp thực hiện chương trình gồm có Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thành phố Hồ Chí Minh, Liên đoàn Lao động Thành phố Hồ Chí Minh, chính quyền địa phương nơi hỗ trợ công nhân lao động, một số doanh nghiệp có nguồn hàng nông sản.

Các đơn vị thực hiện là Tổ công tác của Bộ Quốc phòng, Tổ công tác phía Nam của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 18 tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam Bộ đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16/CT-TTg.

[Nâng cao mức sống, cải thiện điều kiện làm việc của người lao động]

Cụ thể, Tổ công tác phía Nam của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ huy động tìm nguồn nông sản hỗ trợ, tham gia kết nối các điểm giao hàng tại các địa phương và nhận hàng nông sản tại Thành phố Hồ Chí Minh. Tổ công tác Bộ Quốc phòng đảm bảo tổ chức xe vận chuyển và bốc xếp hàng tại nơi đi và nơi đến.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Liên đoàn Lao động Thành phố Hồ Chí Minh bố trí các điểm tập kết và bảo quản tốt hàng nông sản, cung cấp danh sách các đối tượng công nhân gặp khó khăn cần được hỗ trợ và các địa điểm hỗ trợ.

Các đơn vị bố trí lực lượng nhân sự hỗ trợ trong giao, nhận hàng nông sản, chuẩn bị dụng cụ và trang thiết bị y tế phòng, chống dịch cho lực lượng nhân sự hỗ trợ giao nhận hàng, đảm bảo nguồn thực phẩm đến đúng đối tượng công nhân lao động đang gặp khó khăn.

Các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 18 tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam Bộ cung ứng nguồn nông sản hỗ trợ tại địa phương, bố trí điểm giao và tập kết hàng tại địa phương và hỗ trợ lưu thông về Thành phố Hồ Chí Minh.

Trước mắt, chương trình sẽ thực hiện ở Thành phố Thủ Đức (thuộc Thành phố Hồ Chí Minh), phần quà gồm các sản phẩm thiết yếu đảm bảo sức khỏe cho công nhân như: gạo, trứng, thịt, rau và một số sản phẩm khác.

Các phần quà sẽ được trao cho công nhân lao động đang sống trong các khu nhà trọ gặp khó khăn ở khu vực bị lây nhiễm, không có thân nhân tại thành phố, không tiếp cận được nguồn thực phẩm thiết yếu thường xuyên trong vùng bị lây nhiễm, bị phong tỏa.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam, Tổ trưởng Tổ công tác phía Nam của Bộ đã có Thư ngỏ gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam, về việc hỗ trợ thực phẩm cho công nhân lao động gặp khó khăn trong khu phong tỏa COVID-19 tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Hàng lương thực, thực phẩm hỗ trợ Thành phố Hồ Chí Minh thông qua Tổ công tác ngày 1/8 sẽ tới Thành phố Hồ Chí Minh ngày 2/8.

Đến ngày 1/8, Tổ công tác cũng tổng hợp được 562 đầu mối cung cấp nông sản và thực phẩm gồm: rau củ 126 đầu mối; trái cây 137 đầu mối; thủy hải sản 246 đầu mối; lương thực 30 đầu mối; các mặt hàng khác 23 đầu mối. Đại diện đầu mối cung cấp hàng hóa rất đa dạng.

Trong ngày 1/8, Tổ kết hợp với 7 tỉnh để kết nối và lên kế hoạch để cùng doanh nghiệp thu mua 1.000 tấn thủy hải sản. Nguồn cung thuận lợi, hàng tồn kho của một số doanh nghiệp lớn thủy sản còn nhiều, nhưng Tổ công tác cố gắng kết hợp để giúp 246 đầu mối cung cấp thủy sản (trong tổng 562 đầu mối đăng ký qua Tổ công tác) thực hiện đơn hàng với doanh nghiệp./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục