Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã thông báo về chính sách hỗ trợ người lao động tại các huyện nghèo tham gia kỳ thi tiếng Hàn dành cho lao động đi làm việc tại Hàn Quốc. Mức hỗ trợ cao nhất đối với gười lao động thuộc đối tượng hộ nghèo, dân tộc thiểu số tối đa là 4,5 triệu đồng/khóa học đào tạo tiếng Hàn cơ bản/lao động.
Đây là nội dung công văn số 1282/LĐTBXH-QLLĐNN về việc triển khai hỗ trợ người lao động tham gia học tiếng Hàn trong kỳ thi tiếng Hàn được tổ chức vào tháng 6 sắp tới do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội vừa gửi các địa phương.
Trong kỳ thi tiếng Hàn theo chương trình EPS năm 2017, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã thống nhất với Bộ Việc làm và Lao động Hàn quốc dành 800 chỉ tiêu ngành nông nghiệp cho người lao động cư trú dài hạn tại 64 huyện nghèo theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP và các xã đặc biệt khó khăn, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo.
Chỉ tiêu tuyển chọn lao động trong Kỳ thi tiếng Hàn năm 2017 (Nguồn: Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, đơn vị: người)
Theo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, người lao động thuộc đối tượng hỗ trợ đào tạo tiếng Hàn phải hoàn thành tối thiểu chương trình giáo dục bậc tiểu học, đã đăng ký tham dự kỳ thi tiếng Hàn ngành nông nghiệp và có nhu cầu được hỗ trợ đào tạo tiếng Hàn trước khi đi.
Đồng thời, chính sách hỗ trợ ưu tiên đối tượng là thanh niên chưa có việc làm, đặc biệt là thanh niên thuộc hộ dân tộc thiểu số nghèo, phụ nữ thuộc hộ nghèo. Bên cạnh đó, người lao động cũng không được mắc các bệnh theo danh mục mà phía Hàn Quốc yêu cầu.
Riêng lao động thuộc đối tượng hộ nghèo, người dân tộc thiểu số được hỗ trợ tối đa là 4,5 triệu đồng/khóa học, còn lại các lao động thuộc đối tượng khác mức hỗ trợ tối đa 2,25 triệu đồng/khóa học. Riêng đối với hỗ trợ chi phí xét nghiệm một số bệnh theo phía Hàn Quốc yêu cầu mức tối đa là 140.000 đồng/lao động.
Các địa phương có thể tự tổ chức đào tạo tiếng Hàn hoặc tổng hợp danh sách gửi Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tổ chức lớp học tại Hà Nội.
Kinh phí hỗ trợ từ ngân sách trung ương trực tiếp là Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội. Các địa phương thuộc địa bàn triển khai chủ động bố trí ngân sách và các nguồn huy động hợp pháp khác để đảm bảo chi phí đào tạo ôn luyện đề thi./.