Hơn 3.500 người dân từ 800 hộ gia đình khó khăn và bị thiệt hại nặng nề bởi đại dịch COVID-19 và hạn hán tại huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau sẽ nhận được tổng số tiền mặt hỗ trợ là hơn 3,15 tỷ đồng tiền mặt.
Hoạt động trao tiền ý nghĩa này là nỗ lực chung của Cơ quan Liên Hiệp Quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) và Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO) để hỗ trợ những người dễ bị tổn thương trong đó phần lớn là phụ nữ ở Cà Mau nhằm khắc phục và giảm thiểu ảnh hưởng của đại dịch và hạn hán.
Đại dịch COVID-19 và các chính sách giãn cách xã hội đã gây ra tác động lớn đến sinh kế của nhiều người, đặc biệt là những lao động đang làm việc trong khu vực phi chính thức. Phụ nữ và trẻ em gái chịu những ảnh hưởng nặng nề hơn trong mọi mặt của cuộc sống và công việc. Đại dịch COVID-19 làm trầm trọng hơn các khó khăn mà phụ nữ và trẻ em gái phải đối mặt, từ góc độ việc làm, thu nhập, sức khỏe thể chất và tinh thần, các vấn đề an toàn và bảo trợ xã hội.
Theo báo cáo mới nhất của UN Women và UNDP, đại dịch COVID-19 sẽ đẩy 96 triệu người trên thế giới vào tình trạng cực kỳ nghèo đói vào năm 2021, trong đó 47 triệu người là phụ nữ và trẻ em gái. Điều này sẽ làm tăng tổng số phụ nữ và trẻ em gái sống trong tình trạng nghèo cùng cực lên 435 triệu người, các dự báo cho thấy con số này sẽ không trở lại mức trước đại dịch cho đến năm 2030.
[Đánh giá tác động của COVID-19 tới các hộ gia đình và doanh nghiệp]
Tại Việt Nam, tình hình còn tồi tệ hơn đối với những người bị ảnh hưởng bởi cả đại dịch và hạn hán khốc liệt nhất trong hơn 60 năm qua tại Đồng bằng sông Cửu Long, trong đó có người dân ở tỉnh Cà Mau.
Khoản hỗ trợ tiền mặt sẽ giúp cải thiện điều kiện sống cho khoảng 3.500 người từ 800 hộ gia đình dễ bị tổn thương ở ba xã của huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau, bị mất việc làm và giảm thu nhập đáng kể do thảm họa kép (COVID-19 và hạn hán). Trong đó, ưu tiên được dành cho các gia đình khó khăn và dễ bị tổn thương nhất như gia đình có phụ nữ là trụ cột chính, phụ nữ mang thai hoặc nuôi con dưới 12 tháng, gia đình có người khuyết tật, người mắc bệnh mãn tính, hoặc có người già trên 65 tuổi.
Hoạt động này nằm trong dự án “Hỗ trợ tài chính dựa trên thông tin dự báo, cảnh báo gớm, hành động sớm” do UN Women và FAO thực hiện tại Cà Mau từ năm 2017. Hoạt động trao tiền tới các hộ sẽ được thực hiện với sự phối hợp của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam ở cấp tỉnh, huyện và xã. Tổng kinh phí hỗ trợ là 3,15 tỷ đến từ Cục Viện trợ Nhân đạo và Bảo vệ Dân sự của Liên minh châu Âu (ECHO)./.