Đối với người Mỹ, châu Âu không chỉ là đồng minh mà còn là một quân cờ trong cuộc chiến chống Trung Quốc, theo nhận định của tờ Le Figaro (Pháp).
Mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương là một trong những nạn nhân địa chính trị đầu tiên của virus SARS-CoV-2.
Kể từ khi bắt đầu đại dịch, mối quan hệ này đã phải đưa vào diện "chăm sóc đặc biệt" và phải dùng "máy thở nhân tạo."
[Nỗ lực chống dịch COVID-19 của Tổng thống Trump gây chia rẽ Mỹ-EU]
Theo nghị sỹ châu Âu Arnaud Danjean, COVID-19 đã phát đi "tiếng chuông báo tử" cho mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương.
Điều này được thể hiện qua việc Tổng thống Mỹ Donald Trump đã lần đầu tiên đóng cửa biên giới với người châu Âu mà không báo trước, và cho rằng họ phải chịu trách nhiệm cho các trường hợp nhiễm COVID-19 đầu tiên ở Mỹ.
Sau đó, ông Trump đã cố gắng lôi kéo một phòng thí nghiệm của Đức chuyên sản xuất vắcxin chống virus và đình chỉ đóng góp tài chính của Mỹ cho Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vì cho rằng Ban lãnh đạo của tổ chức này thân với Trung Quốc.
Giáo sư Nicole Gnesotto thuộc Trường kỹ nghệ quốc gia Pháp phân tích: "Virus đang phá hủy phần lớn trụ cột của thế giới toàn cầu hóa cũ, bắt đầu từ mô hình quan hệ truyền thống của Mỹ."
Tuy nhiên, như trong tất cả các lĩnh vực, cuộc khủng hoảng y tế chỉ là yếu tố thúc đẩy những xu hướng đã tồn tại.
Bất chấp nhiều chấn động như cuộc chiến ở Iraq năm 2003, mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương luôn thành công trong việc bảo vệ các nguyên tắc cơ bản của nó, đó là người châu Âu chấp nhận sự lãnh đạo của Mỹ để đổi lấy cam kết bảo vệ lục địa - mặc dù cựu Tổng thống Barack Obama, sau đó đặc biệt là ông Donald Trump, đã đặt câu hỏi về thỏa thuận này.
Ông Donald Trump đã xem xét lại một cách có hệ thống các trụ cột của quyền lực phương Tây, do chính người Mỹ thiết kế và áp đặt lên thế giới từ cuối Chiến tranh thế giới thứ hai.
Tổng thống Mỹ đã đẩy mạnh tấn công vào trật tự tự do và chủ nghĩa đa phương của phương Tây.
Mỹ rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, thỏa thuận hạt nhân Iran, hiệp ước lực lượng hạt nhân tầm trung FNI.
Ông thậm chí còn tuyên bố rút quân đội Mỹ ra khỏi Syria mà không tham khảo ý kiến của các đồng minh châu Âu, đồng thời tiến hành một cuộc chiến thương mại với EU.
Tổng thống ca ngợi Brexit, chỉ việc Anh rời Liên minh châu Âu, và chê bai Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Cùng với sự trỗi dậy của Trung Quốc, lợi ích của người Mỹ đã rời xa khỏi "Lục địa già."
Trong vòng chưa đầy 4 năm, Tổng thống Donald Trump đã đặt ra nghi ngờ về việc Mỹ sẵn lòng tiếp tục đảm bảo an ninh của châu Âu...
Trong khi đó, sự thờ ơ mà Mỹ thể hiện với các đồng minh châu Âu kể từ khi bắt đầu đại dịch chỉ khuếch đại những xu hướng này.
"Theo một cách nào đó, đại dịch như một sự thử nghiệm. COVID-19 cho thấy chúng ta bây giờ thuộc về hai hành tinh khác nhau và phải đối mặt với sự thật rằng người Mỹ không còn muốn liên kết xuyên Đại Tây Dương dựa trên chủ nghĩa đa phương nữa," nghị sỹ Arnaud Danjean phân tích.
Người châu Âu đã thấu hiểu điều này.
Kể từ khi bắt đầu cuộc khủng hoảng COVID-19, họ cũng đưa ra hầu hết các quyết định mà không hỏi ý kiến người Mỹ, "như thể họ đã chấp nhận thực tế rằng không nên mong đợi gì từ sự lãnh đạo của Washington," theo nhận xét của ông Alexandra de Hoop Scheffer, Giám đốc Văn phòng Paris của Quỹ German Marshall.
Thiệt hại là đáng kể. Bởi đại dịch đã tiết lộ sự phụ thuộc của người châu Âu vào Trung Quốc.
Ông Alexandra de Hoop Scheffer cho rằng đây là một cú sốc khi người ta nhận ra rằng mọi thứ phải nhập khẩu từ Trung Quốc. Việc rút lui của Mỹ làm gia tăng ảnh hưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới ở châu Âu. Liên kết xuyên Đại Tây Dương sụp đổ đã khiến một số nước châu Âu, như Italy, chuyển sang các đối tác khác.
"Đó là một khoảng trống lớn ẩn giấu đằng sau những lời hoa mỹ của một liên minh Đại Tây Dương... Mỹ đang chuyển từ một đồng minh thành một mối đe dọa... Chúng ta phải bắt đầu nghĩ về một thế giới không có Mỹ. Bởi vì sẽ không có Kế hoạch Marshall nào sau đại dịch, cũng không có Mỹ để giải cứu các đồng minh," giáo sư Nicole Gnesotto cảnh báo.
Kể từ khi đại dịch bắt đầu bùng phát, châu Âu đã không thể lên tiếng trong cuộc khủng hoảng ngày càng nới rộng giữa Mỹ và Trung Quốc.
Tuy nhiên, châu lục này sẽ phải tìm cách hồi sinh mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương sau khi ông Donald Trump rời Nhà Trắng, theo ông Alexandra de Hoop Scheffer.
Mỹ hiện đang nhìn châu Âu qua lăng kính Trung Quốc. Chính quyền Mỹ muốn thương lượng lại với châu Âu, yêu cầu châu Âu ngăn chặn ảnh hưởng của Trung Quốc và ngừng bán các công nghệ kép cho Bắc Kinh.
Đổi lại, Washington có thể tái khẳng định bảo vệ châu Âu thông qua NATO. Với người Mỹ, châu Âu đang trở thành "một công cụ" trong chính sách đối phó với Trung Quốc./.