Phóng viên Vietnam+ đến thăm Thiếu tướng, nhà văn Hồ Phương tại tư gia của ông vào đúng dịp kỷ niệm ngày Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12). Giữa tiết đông lạnh giá, vậy mà nhà văn bát thập niên ấy vẫn cởi mở, trò chuyện với chúng tôi không mệt mỏi suốt hai tiếng đồng hồ. Chắc tay súng, chắc tay viết Sức khỏe của ông còn dẻo dai, như sức viết của ông vậy. Hơn 60 năm cầm bút, nay đã ở cái tuổi cây cao bóng cả nhưng tác giả của “Cỏ non” và “Thư nhà” vẫn chưa có ý định dừng nghiệp viết của mình. Ông đang dang dở với cuốn tiểu thuyết viết về chiến tranh hứa hẹn nhiều điều thú vị. Ông tâm sự với chúng tôi rằng, thời gian qua khi tuổi đã về già thì ông thấy mình “chín” hơn và có cái sâu hơn để viết tiểu thuyết, còn truyện ngắn chỉ như hoa bung nở lúc ông còn trẻ. Tuy nhiên, không thể phủ định chính những truyện ngắn đã làm nên tên tuổi Hồ Phương, bởi vậy, khi nhắc đến ông không thể nào quên những truyện ngắn đó. Là một anh bộ đội của Sư đoàn 308, từng trưởng thành trong bom đạn mà theo cách nói của nhà văn Nguyên Hồng thì Hồ Phương là một người lớn lên từ “lò lửa” đó là lửa chiến tranh và lửa yêu nước. Cũng vì vậy, những ám ảnh về chiến tranh đã theo suốt cuộc đời cầm bút của ông. Nhắc lại sự nghiệp sáng tác của mình, nhà văn Hồ Phương tỏ ra vui sướng và tự hào nhiều lắm về văn chương của ông đã có những đóng góp tích cực cho xã hội. Nhà văn kể cho chúng tôi nghe về chuyện ông được phong tướng. Khi ấy có người đã hỏi ông được phong tướng là do văn chương hay do thành tích chiến đấu? Hồ Phương nghĩ rằng việc mình được phong tướng có lẽ do văn chương là chủ yếu. Ông giải thích điều này: “Vì thật ra trong chiến đấu tôi cũng bình thường như các anh em khác chứ không có gì nổi trội lắm.” Cách nghĩ đó của nhà văn có lẽ cũng chẳng có gì là sai, nhất là sau khi được nghe ông kể về những tác động của truyện ngắn “Thư nhà” nổi tiếng thuở nào. “Thư nhà” là truyện ngắn đầu tiên gắn với bút danh Hồ Phương, cũng là truyện để lại nhiều niềm vui và nước mắt nhất của nhà văn này. Không đi vào những câu chuyện lửa đạn, sự hy sinh anh dũng mà truyện ngắn này là sự day dứt, thương cảm khôn nguôi của nhà văn trước nỗi đau đớn của bao người phụ nữ bị địch hãm hiếp rồi bị chồng coi là ô uế, ruồng bỏ… Truyện ngắn mang tư tưởng nhân đạo và đậm chất nhân văn ấy được đăng trên Tạp chí Văn nghệ của Hội Văn nghệ Trung ương lúc đó đã gây tiếng vang và tác động sâu sắc đến nhận thức xã hội lúc bấy giờ. Nhà văn Hồ Phương kể rằng, khi ông gửi truyện ngắn này đến Tạp chí Văn nghệ, đã được nhà văn Nguyễn Đình Thi gọi lên chúc mừng bằng một từ tiếng Pháp, dịch ra tiếng Việt có nghĩa là “thắng lợi lớn.” Còn các bậc tiền bối khác ở tạp chí cũng tỏ ra vui mừng trước một phong cách mới, trẻ trung của Hồ Phương. Đặc biệt, nhà văn Nguyên Hồng còn sốt sắng chẻ cả guốc ra đun nước, pha trà tiếp Hồ Phương. Vậy là nhờ có “Thư nhà” mà Hồ Phương được dịp “bối rối” trước tình cảm yêu quý, ngưỡng mộ của các bậc đàn anh trong văn đàn. Không chỉ lấy được tình cảm từ giới văn sĩ, truyện ngắn “Thư nhà” của Hồ Phương còn làm lay động trái tim của người võ tướng vốn được coi là “hổ tướng” và dường như không quan tâm đến văn chương. Nhà văn Hồ Phương xúc động nhớ lại, ngày ông ở Sư đoàn 308, đột nhiên Sư đoàn trưởng là tướng Vương Thừa Vũ vốn nổi tiếng là thét ra lửa cho gọi ông lên để gặp. Hồ Phương lo lắng, không biết mình gây ra lỗi gì và đã chuẩn bị tinh thần để chịu trách, phạt. Tuy nhiên, ông đã hết sức sung sướng và ngạc nhiên khi biết tướng Vũ gọi đến để khen ngợi truyện “Thư nhà’ của mình. “Một hình ảnh làm tôi nhớ mãi là trước khi ra về, tướng Vũ bắt tay tôi bảo: Cậu bây giờ trong tay có hai vũ khí, một là cây súng, hai là cây bút, cứ thế mà phát triển. Được một ông võ tướng nói thế, lúc đó tôi rất sung sướng,” nhà văn Hồ Phương tâm sự. Đượm tình nhân văn Sự ghi nhận “Thư nhà” của đồng đội, bạn bè đã là động lực để nhà văn Hồ Phương tiếp tục những sáng tác sau này. Tuy nhiên, nếu chỉ dừng lại ở việc được khen ngợi đơn thuần, có lẽ nhà văn Hồ Phương sẽ không thể vui và hạnh phúc đến thế. Điều khiến ông cảm thấy thiêng liêng và lớn lao hơn từ đứa con tinh thần của mình mang lại đó là “Thư nhà” đã tác động thực tế đến xã hội và hàn gắn hạnh phúc cho nhiều gia đình lúc bấy giờ. Đến hết cuộc chiến tranh chống Pháp, có chủ chương của Tổng Cục Chính trị triệu tập những anh em viết được ở các đơn vị về Tổng Cục Chính trị để chuẩn bị ra Tạp chí Văn nghệ Quân đội, trong đó có các nhà văn Hồ Phương, Nguyễn Khải, Xuân Thiều, Xuân Thiêm… Nhờ có sự hội ngộ đó, nhà văn Hồ Phương mới được nhà văn Xuân Thiêm tiết lộ một bí mật xung quanh truyện ngắn “Thư nhà” của ông. Nhà văn Hồ Phương tự hào kể lại: “Anh Thiêm kể cho tôi nghe, thời chiến tranh chống Pháp vùng duyên hải Quảng Ninh bị pháp tàn phá rất ghê gớm, ở đó, lính ngụy và lính Pháp đi hãm hiếp phụ nữ một cách rất dã man làm cho nhiều gia đình tan vỡ. Lúc đó có hai ý kiến trái chiều nhau, có người cho rằng, phụ nữ bị hãm hiếp ô uế thì bị chồng ruồng bỏ là đúng, nhưng cũng có ý kiến cho rằng việc ruồng bỏ vợ của những ông chồng trong trường hợp như vậy cũng là tội ác. Vì hai ý kiến ngang ngửa nhau chưa thống nhất được nên nhiều người phụ nữ vẫn chịu đau khổ. Hôm đó, ở một huyện ủy có người mang về quyển Tạp chí Văn nghệ của Trung ương, trong đó có tác phẩm “Thư nhà” và người đó nói, chúng ta có lẽ phải xem xét, xử lý vấn đề như thế này đây. Người này đưa quyển tạp chí cho cả huyện ủy đọc, rồi cả huyện ủy đều đồng ý cho rằng, đây mới là con đường đúng, đây mới là quan điểm nhân đạo và cách mạng. Từ đó, có chỉ đạo chung từ huyện ủy này sang huyện ủy khác là không tán thành các anh chồng từ bỏ vợ một cách đau khổ như thế nên nhiều gia đình đã được hàn gắn lại…” Câu chuyện dài chưa muốn dừng lại của nhà văn Hồ Phương đã khiến bất kỳ ai nghe cũng phải xúc động. Chia tay ông ra về, chúng tôi thoáng chút ám ảnh, xót xa của một thời chinh chiến đã qua nhưng đọng lại là niềm tự hào về những trang văn đã thức tỉnh, làm đẹp đời sống, xã hội./.
Nhà văn Hồ Phương là tác giả của rất nhiều những truyện ngắn và tiểu thuyết nổi tiếng như: "Thư nhà," "Cỏ non," "Cha và con"...
Với những đóng góp to lớn của mình cho nền văn học cách mạng, nhà văn Hồ Phương đã được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật năm 2001. Năm 2011, ông tiếp tục có trong danh sách được xét tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học.
Ông còn là nhà văn quân đội đầu tiên của Việt Nam được phong tướng.
|
Thiên Linh (Vietnam+)