Từ ngày 1/5, nhằm góp phần thực hiện chính sách an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, hộ nghèo trong cả nước sẽ được nâng mức vay từ 30 triệu đồng lên tối đa 50 triệu đồng/hộ.
Đó là là nội dung của Quyết định số 34/QĐ-HĐQT về nâng mức cho vay tối đa đối với hộ nghèo đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội Nguyễn Văn Bình ban hành ngày 26/4.
Trước đây, các hộ nghèo được vay tối đa là 30 triệu đồng theo quy định tại Nghị định 78/2002/NĐ-CP ngày 4/10/2002 và đây cũng được xem là một đòn bẩy phục vụ sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, cải thiện đời sống, góp phần thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xoá đói giảm nghèo.
Tuy nhiên, mức này đã tồn tại hơn 10 năm nên không còn phù hợp với nhu cầu thực tế hiện nay. Nhiều hộ dân cũng đã có nguyện vọng muốn được nâng mức cho vay lên từ 50-60 triệu đồng/hộ vì họ cho rằng, thời điểm 7 năm trước 20 triệu đồng có thể mua được một con trâu cày, còn hiện nay phải 40 triệu đồng mới mua được con trâu như vậy.
Tính đến 31/3/2014 dư nợ cho vay đối với hộ nghèo được Ngân hàng Chính sách thực hiện đạt hơn 41.000 tỷ đồng. Hiện có 2,8 triệu khách hàng còn dư nợ; trên 2 triệu lượt hộ nghèo thoát nghèo; tỷ lệ nợ quá hạn dưới 1%.
Một số tỉnh, thành phố có dư nợ lớn là: Thanh Hóa gần 2.700 tỷ đồng, Nghệ An 1.975 tỷ đồng, Sơn La 1.162 tỷ đồng, Hà Nội 1.127 tỷ đồng, Quảng Nam 1.126 tỷ đồng và Bắc Giang là 1.046 tỷ đồng.
Cũng kể từ ngày 1/5/2014, hộ cận nghèo cũng được nâng mức cho vay từ 30 triệu đồng/hộ lên 50 triệu đồng/hộ vay.
Theo Ngân hàng Chính sách Xã hội, trước đây, mức cho vay đối với hộ cận nghèo do Ngân hàng Chính sách và hộ cận nghèo thỏa thuận nhưng không vượt quá mức cho vay tối đa phục vụ sản xuất, kinh doanh áp dụng đối với hộ nghèo từng thời kỳ.
Tính đến 31/3/2014, dư nợ cho vay hộ cận nghèo đạt 10.344 tỷ đồng, với 547 nghìn lượt hộ cận nghèo được vay vốn. Hiện, cả nước có 536.992 khách hàng đang còn dư nợ./.