Hồ Hòa Bình - 'Vịnh Hạ Long' độc đáo trên núi cao vùng Tây Bắc

Với 47 đảo lớn nhỏ, trong đó có 11 đảo đá vôi và 36 đảo núi đất, phong cảnh hữu tình, hồ Hòa Bình đang là điểm đến hấp dẫn để du khách đến tận hưởng cảnh quan tươi đẹp và văn hóa bản địa độc đáo.
Hồ Hòa Bình - 'Vịnh Hạ Long' độc đáo trên núi cao vùng Tây Bắc ảnh 1Phong cảnh ngoạn mục của "Vịnh Hạ Long trên núi" - Hồ Hòa Bình. (Nguồn: vtr.org.vn)

Nằm cách Thủ đô Hà Nội 70km về phía Tây Bắc, hồ Hòa Bình (tỉnh Hòa Bình) có diện tích 8.000ha, dung tích trên 9,5 tỷ m3.

Được ví như Vịnh Hạ Long trên núi, hồ Hòa Bình có 47 đảo lớn nhỏ, trong đó có 11 đảo đá vôi với diện tích 116ha và 36 đảo núi đất diện tích 157,5ha. Nhiều đảo đã được đầu tư thành các khu du lịch hấp dẫn với những nét đặc trưng riêng như đảo Dừa, đảo Bè Bạn, đảo Cối Xay Gió.

Với phong cảnh sơn thủy hữu tình, hai bên hồ là những cánh rừng ngút ngàn, thơ mộng, hấp dẫn có nhiều điểm tham quan tâm linh, văn hóa, du lịch nổi tiếng như đền Bờ, động Thác Bờ, vịnh Ngòi Hoa, động Hoa Tiên..., hàng năm hồ Hòa Bình thu hút hàng trăm nghìn lượt khách tới tham quan và làm lễ.

Từ tháng 8/2016, hồ Hòa Bình được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch phát triển Khu du lịch quốc gia, tỉnh Hòa Bình đã kêu gọi các nhà đầu tư khai thác tiềm năng du lịch vùng hồ, có cơ chế chính sách thu hút đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, hộ kinh doanh làm du lịch.

Hiện nay, hàng chục dự án đầu tư phát triển du lịch hồ Hòa Bình đã được triển khai, trong đó lớn nhất là dự án của Công ty cổ phần Du lịch Hòa Bình.

Ông Vũ Duy Bổng, Giám đốc Công ty cho biết, mới đây, Công ty đã khai trương tuyến “Du lịch tâm linh và trải nghiệm du thuyền Hòa Bình.” 

Với tour này, du khách có hành trình vãn cảnh lòng hồ bằng du thuyền cao cấp 3 sao, với sức chứa tối đa 180 khách, tiện nghi sang trọng.

Du khách sẽ được hòa mình vào khung cảnh thiên nhiên mây nước hùng vĩ đã từng đi vào thơ ca và thăm đền Bà chúa Thác Bờ, ngắm nhìn các mô hình nuôi cá lồng trên lòng hồ…

[Khám phá vẻ kỳ bí của hang động Pê Răng Ky trên cao nguyên Tủa Chùa]

Đặc biệt, trong hành trình, du khách được đến thăm Ngòi Hoa - một bản Mường cổ nằm tách biệt hoàn toàn bởi không có đường bộ đến bản, phải đi bằng đường thủy.

Nơi đây phong cảnh thiên nhiên còn hoang sơ, người dân giữ nguyên nếp sống, phong tục, tập quán truyền thống lâu đời.

Đây là tour du lịch độc quyền đưa khách đến bản, hòa mình vào cuộc sống người dân, thưởng thức ẩm thực đặc sắc của dân tộc Mường, tham gia phiên chợ bản…

Bên cạnh khám phá thiên nhiên, văn hóa, du khách còn được trải nghiệm các trò chơi tại công viên nước nổi có quy mô lớn nhất Việt Nam với 34 cụm trò chơi kết cấu phao nổi trên mặt nước và các môn thể thao dưới nước như môtô nước, thuyền bơm hơi, cano câu cá, cụm bể bơi nổi cùng các môn thể thao truyền thống địa phương như đua bè mảng, chèo thuyền tôm, nhà hàng nổi trên sông…

Tỉnh Hòa Bình quan tâm định hướng phát triển loại hình du lịch cộng đồng trên khu vực hồ Hòa Bình, ưu tiên phát triển loại hình lưu trú tại nhà dân (homestay) ở các bản du lịch cộng đồng.

Đây là địa điểm lý tưởng cho những du khách muốn tạm xa sự ồn ào của đô thị, khám phá những điều mới lạ, tìm hiểu về đời sống văn hóa của dân tộc Mường.

Hiện trong vùng đã có bản Đá Bia, xã Tiền Phong; xóm Ké, xã Hiền Lương (Đà Bắc) và xóm Ngòi, xã Ngòi Hoa (Tân Lạc) bước đầu thu hút khách du lịch loại hình homestay, góp phần cải thiện đời sống người dân địa phương.

Ở xóm, người dân sẽ hướng dẫn khách tham gia sinh hoạt sản xuất và tìm hiểu đời sống, khám phá trải nghiệm cảnh quan hiếm có ở vùng hồ sông Đà, thưởng thức những món ăn bình dị gắn với cuộc sống của người dân địa phương.

Để khai thác có hiệu quả tiềm năng du lịch tuyến sông Đà, thực hiện chương trình liên kết phát triển du lịch vùng Tây Bắc, cuối năm 2017, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên và Lai Châu đã có chương trình khảo sát theo lộ trình từ Thủy điện Lai Châu đi xuôi về hồ Thủy điện Sơn La và kết thúc ở hồ Hòa Bình.

Tại mỗi tỉnh đã khảo sát đánh giá thực trạng, tiềm năng các điểm du lịch dọc tuyến sông Đà và đề xuất các điểm để kết nối tuyến du lịch đường thủy với nhiều nội dung như đánh giá thực trạng điểm du lịch, cơ sở hạ tầng kỹ thuật du lịch, bản sắc văn hóa, cảnh quan tự nhiên, sản phẩm du lịch đặc trưng, vệ sinh môi trường…

Hầu hết các điểm đến dọc tuyến sông Đà được đánh giá là có tiềm năng và lợi thế để phát triển du lịch, trong đó nổi bật là du lịch sinh thái, cộng đồng, văn hóa, tâm linh dựa trên lợi thế về cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp và còn nguyên sơ; bản sắc văn hóa độc đáo của các dân tộc thiểu số sinh sống ven sông như Mông, Lự, Thái, Dao, Mường còn được lưu giữ; nhiều điểm đến có giá trị về lịch sử và tâm linh như đền Vua Lê Thái Tổ (huyện Nậm Nhùn, Lai Châu), đền Nàng Han - đền Linh Sơn Thủy Từ (huyện Quỳnh Nhai, Sơn La), đền Thác Bờ (huyện Đà Bắc, Hòa Bình).

Dọc theo tuyến sông Đà đã bắt đầu hình thành các sản phẩm, dịch vụ phục vụ khách du lịch như vận tải hành khách đường thủy, dịch vụ ăn uống, homestay, mô hình du lịch sinh thái, điểm đến tâm linh…

Tuy nhiên, hiện số lượng các sản phẩm, dịch vụ còn nhỏ lẻ, chất lượng chưa cao, nhiều phương tiện, bến thuyền chưa đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch, nguồn nhân lực chưa qua đào tạo… Bên cạnh đó, việc phát triển du lịch tại các địa phương còn chưa đồng đều, hiện mới tập trung chủ yếu ở địa bàn tỉnh Hòa Bình.

Các tỉnh đánh giá cao ý nghĩa thiết thực của chương trình hợp tác kết nối xây dựng tuyến đường thủy trên sông Đà từ Hòa Bình đến Sơn La, Điện Biên và Lai Châu, thúc đẩy tăng trưởng số lượng khách và thu nhập du lịch của các tỉnh Tây Bắc trong tương lai, đồng thời, mong muốn các cơ quan quản lý Nhà nước, doanh nghiệp du lịch sẽ có nhiều ý kiến bổ sung, hoàn thiện các kế hoạch, xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch trên tuyến đường thủy với phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp, hữu tình, cùng các giá trị văn hóa độc đáo của đồng bào các dân tộc, xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng của từng vùng miền, hấp dẫn du khách./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục