Hồ Đankia-suối Vàng khô kiệt trầm trọng, chưa từng thấy trong lịch sử

Làm vườn trong khu vực quanh hồ Đankia 10 năm nay nhưng ông Nguyễn Văn Tuấn (huyện Lạc Dương) chưa từng chứng kiến lòng hồ cạn kiệt nước như thời gian gần đây.
Lòng hồ Đankia ở phía thượng nguồn bị thu hẹp thành một dòng nước nhỏ trong mùa khô năm 2021. (Ảnh: Nguyễn Dũng/TTXVN)

Hồ Đankia-suối Vàng (huyện Lạc Dương, Lâm Đồng) được xem là nơi khởi nguồn của hệ thống sông Đồng Nai chảy qua nhiều tỉnh, thành phía Nam.

Thế nhưng hiện nay công trình thủy lợi đa mục tiêu này đang bị khô kiệt trầm trọng, gần một nửa lòng hồ ở phía thượng nguồn đã cạn trơ đáy.

Dung tích giảm một nửa

Những ngày giữa tháng Tư, vài cơn mưa đầu tiên báo hiệu cho mùa mưa Tây Nguyên đang đến.

Tuy nhiên, những cơn mưa bất chợt cũng không đủ để giúp hàng chục hecta lòng hồ Đankia bớt nứt nẻ, khô kiệt.

Khu vực khô kiệt này chủ yếu tập trung phía thượng nguồn, nơi suối Vàng bắt nguồn từ đỉnh Langbiang đổ về hồ Đankia.

Làm vườn trong khu vực quanh hồ Đankia 10 năm nay nhưng ông Nguyễn Văn Tuấn (huyện Lạc Dương) chưa từng chứng kiến lòng hồ cạn kiệt nước như thời gian gần đây. Theo ông Tuấn, hồ này bắt đầu bị khô cạn cách đây 3-4 năm. Hiện nay hồ bị thu hẹp, có nơi chỉ còn là con suối nhỏ. Ông phải dùng nước giếng khoan để tưới cho vườn hoa hồng vì nước ngoài hồ toàn là bùn đất.

Hồ Đankia-suối Vàng có diện tích khoảng 13.000ha, độ sâu trung bình 6m, mực nước hiện tại đã giảm gần 2m so với các năm trước. Dung tích chứa nước theo thiết kế ban đầu là 20 triệu m3, đến nay giảm chỉ còn khoảng 10 triệu m3.

Theo báo cáo đánh giá do Viện khoa học Thủy lợi miền Nam thực hiện, hồ Đankia được xây dựng từ rất lâu và chưa được sửa chữa lớn nên hiện nay công trình đầu mối đã bị hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng. Phần lòng hồ tiếp tục bị bồi lắng khiến dung tích hồ ngày càng suy giảm.

Theo tiến sỹ Lâm Ngọc Tuấn, nguyên Trưởng khoa Môi trường, Đại học Đà Lạt, việc hồ cạn kiệt do các nhóm nguyên nhân chính. Thứ nhất thể tích chứa của hồ bị thu hẹp do sự bồi lắng; thứ hai là do lượng nước cung cấp cho hồ từ đầu nguồn ngày càng suy giảm; thứ ba là việc sử dụng nước cho tưới tiêu hiện nay rất lớn khiến lượng nước trong hồ giảm nhanh trong mùa khô.

“Thảm thực bì của lưu vực nếu được rừng che phủ tốt, khả năng giữ nước lớn thì nguồn nước sẽ được lâu dài. Còn nếu chuyển đổi sang đất nông nghiệp làm nhà lưới, nhà kính sẽ làm tăng nguy cơ xói mòn và không giữ được nước,” tiến sỹ Tuấn phân tích.

Thực tế hiện nay hoạt động sản xuất nông nghiệp cực kỳ nhộn nhịp xung quanh khu vực thượng nguồn hồ Đankia. Đặc biệt, diện tích nhà kính trồng hoa công nghệ cao ngày càng được mở rộng. Để làm vườn rau, hoa, nhiều nhà vườn đổ thêm đất nâng nền nhằm chống ngập trong mùa mưa. Đây cũng là một nguyên nhân khiến lòng hồ bị bồi lắng nhanh sau mỗi mùa mưa.

Theo thống kê của huyện Lạc Dương, ngay trong khu vực lòng hồ Đankia có khoảng 150 hecta đang được người dân sử dụng canh tác cây nông nghiệp. Trong đó có 100 hecta đã được cấp sổ đỏ từ những năm 1996-2004, hơn 50 hécta còn lại là hiện trạng sản xuất của người dân từ lâu.

Ông Lê Chí Quang Minh, Phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Lạc Dương, cho biết trong những năm gần đây, nhiều người dân địa phương chuyển đổi cây trồng lâu năm sang cây hàng năm dọc lưu vực hồ Đankia nên lượng nước về hồ bị hạn chế.

Ổn định dung tích cho hồ

Hồ Đankia được xây dựng từ những năm 1942-1945. Hiện nay, phần lòng hồ do Trung tâm Quản lý đầu tư và khai thác thủy lợi Lâm Đồng quản lý; phần công trình đầu mối được giao cho Công ty điện lực Lâm Đồng quản lý. Đây là công trình thủy lợi đa mục tiêu, cung cấp nước sinh hoạt cho người dân thành phố Đà Lạt, huyện Lạc Dương; cung cấp nước tưới tiêu, nước cho thủy điện và phục vụ du lịch.

Từ năm 2019, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lâm Đồng đã có đề xuất các giải pháp tăng trữ nước hồ Đankia tuy nhiên do nhiều vướng mắc nên đến nay hầu như vẫn chưa được thực hiện.

Cụ thể, giải pháp sửa chữa, nâng cấp đập sẽ phải đền bù giải phóng mặt bằng rất lớn, ngoài ra sẽ tác động đến diện tích rừng tự nhiên.

Một nhà kính trồng hoa hồng sát bên lòng hồ Đankia phải khoan giếng để tưới tiêu, cũng khiến nước ngầm khu vực này ngày càng suy giảm. (Ảnh: Nguyễn Dũng/TTXVN)

Giải pháp hạn chế sử dụng nước để cấp cho nhà máy thủy điện Ankoret sẽ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của ngành điện; phương án nạo vét lòng hồ cũng cần kinh phí và bãi thải bùn cát tương đối lớn, theo tính toán, để tăng thêm dung tích cho hồ chứa 1,2 triệu m3 sẽ cần khoảng 150 tỷ đồng.

Phương án đầu tư xây dựng hồ thượng nguồn Đankia hiện chỉ dừng ở việc quy hoạch, chưa có vị trí, quy mô cụ thể.

Theo ông Phạm Trung Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý đầu tư và khai thác thủy lợi Lâm Đồng, với thực trạng hiện nay thì phương án nạo vét lòng hồ là giải pháp nhanh nhất để tăng thêm dung tích cho hồ chứa Đankia nhằm giải quyết các nhu cầu liên quan đến nguồn nước. Tuy nhiên, về lâu dài cần có một phương án hạn chế gia tăng diện tích sản xuất nông nghiệp ở thượng nguồn hồ Đankia, đặc biệt là diện tích nhà kính, nhà lưới đang phát triển rất mạnh như hiện nay. Có như vậy mới đảm bảo tính ổn định cho dung tích của hồ chứa nước đầu nguồn này.

Tương tự, Tiến sỹ Lâm Ngọc Tuấn cũng kiến nghị, để ổn định cho dung tích của hồ phải thay đổi quy hoạch sử dụng đất, trả lại vùng đất trước đây và phục hồi rừng tự nhiên. Bên cạnh đó cũng phải nâng cao thể tích hồ chứa, thông qua giải pháp nạo vét hoặc nâng chiều cao của đập; đồng thời chuyển đổi phương thức canh tác thay vì sử dụng nhà lưới, nhà kính như hiện nay./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục