Tự ý chuyển đổi loại hình sản xuất từ bột nhẹ sang đất đèn, phớt lờ chỉ đạo an dân trước khi thử nghiệm của Ủy ban nhân dân huyện Thủy Nguyên, Liên hiệp Hợp tác xã Cường Thịnh (xã Lại Xuân, Thủy Nguyên, Hải Phòng) đã vi phạm hàng loạt các quy định hiện hành.
Tuy nhiên, quá trình này không diễn ra trong ngày một ngày hai mà kéo dài nhiều năm trời khiến cho hàng trăm người dân bức xúc cao độ.
Trong quá trình tiếp cận các hồ sơ liên quan, cũng như theo tiết lộ của một cán bộ huyện Thủy Nguyên, phóng viên Vietnam+ liên tiếp nhận ra những “thủ thuật” để phù phép và "hô biến" mục đích sản xuất của doanh nghiệp này.
"Hô biến" mục đích sản xuất
Trước đó, như Vietnam+ đã phản ánh, vào cuối tháng 8/2013, hàng trăm người dân xã Lại Xuân, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng đã bao vây nhà máy đất đèn Cường Thịnh trong nhiều ngày. Nguyên nhân chính được xác định do nhà máy này trong quá trình chạy thử đã xả khí ra môi trường, khiến nhiều người bị ngất và phải nhập viện.
Ngay trong ngày 26/8, trong buổi làm việc với phóng viên Vietnam+, ông Nguyễn Trần Lanh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Thủy Nguyên, khẳng định: phía Cường Thịnh đã vi phạm nghiêm trọng khi tự ý chuyển đổi mục đích sản xuất từ bột nhẹ cao cấp ban đầu sang đất đèn. Hệ lụy kéo theo là một loạt các bất hợp lý về khoảng cách an toàn, nguy cơ ô nhiễm, thậm chí ảnh hưởng đến tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn. Ông Lanh cũng cho hay, huyện sẽ kiến nghị lên Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng nghiên cứu xem xét di dời nhà máy khỏi địa điểm hiện tại.
Theo tìm hiểu của phóng viên, năm 2009, Ủy ban nhân dân huyện Thủy Nguyên đã phê duyệt Đề án xây dựng nhà máy sản xuất bột nhẹ cao cấp cho hộ ông Đồng Minh Túy. Ông Túy đồng thời cũng là Chủ tịch Hội đồng quản trị Liên hiệp Hợp tác xã Cường Thịnh.
Như vậy, ngay từ thời điểm ban đầu, dự án được phê duyệt cho hộ gia đình, mang tính cá thể.
[Hàng trăm người vây nhà máy có nguy cơ ô nhiễm]
Về vấn đề này, ông Lại Đức Long, trưởng phòng Tài nguyên và môi trường huyện Thủy Nguyên, cũng xác nhận: “Tháng 4/2009, ông Túy làm giấy phép kinh doanh quy mô hộ gia đình cá nhân. Thủ tục được xét từ xã tới huyện. Trên cơ sở này tới tháng 9/2009, Ủy ban nhân dân huyện có quyết định cho hộ cá nhân ông Túy được xây cơ sở chế biến bột nhẹ.”
Cũng theo ông Long, căn cứ vào đề án được duyệt, cơ sở chỉ đơn giản bao gồm lò nung vôi. Sau đó, qua quá trình tôi vôi, ngâm lọc, vôi tinh sẽ được chuyển ra sấy khô, đập nghiền rồi đóng bao xuất khẩu. Do vậy, ban đầu, cơ sở sản xuất này chỉ phải nằm cách khu dân cư 50m đúng theo quy định.
Mặc dù vậy, ngay sau khi nhận giấy phép từ huyện, phía Cường Thịnh đã “âm thầm” thay đổi mục đích sản xuất cũng như các hạng mục trên diện tích được cấp. Vị trưởng phòng Tài nguyên và môi trường huyện Thủy Nguyên cho hay: Đến cuối tháng 10/2010, người dân có ý kiến với huyện về việc Cường Thịnh lắp đặt nhà máy đất đèn nên phòng Tài nguyên và môi trường đã tiến hành kiểm tra đột xuất.
“Cán bộ kiểm tra báo cáo cơ sở sản xuất của ông Túy không phải là lò vôi và có ống khói. Ngay sau đó, chúng tôi đã báo cáo Ủy ban nhân dân huyện. Trên cơ sở này, tháng 12/2010, huyện đã thành lập tổ công tác để kiểm tra,” ông Long nói.
Kết quả kiểm tra cho thấy: ông Đồng Minh Túy thuê đất để sản xuất theo mô hình hộ cá nhân nhưng lại xây một khu nhà làm việc mang tên Hợp tác xã Cường Thịnh. Như vậy, trên khu đất được cấp vào thời điểm đó tồn tại 2 đối tượng sử dụng: ông Túy với tư cách cá nhân và Hợp tác xã Cường Thịnh.
“Lúc này, ông Túy vẫn chưa báo cáo về việc góp quyền sử dụng đất vào Hợp tác xã Cường Thịnh,” Trưởng phòng Tài nguyên và môi trường huyện Thủy Nguyên khẳng định.
Nhận thấy những sai phạm nghiêm trọng cả về việc chuyển đổi sản xuất lẫn sở hữu đất được giao, Ủy ban nhân dân huyện đã ra quyết định số 41/UBND-TN&MT yêu cầu “phải dừng mọi hoạt động xây dựng, sản xuất kinh doanh cho hộ ông Đồng Minh Túy kể từ ngày 13/1/2011.”
Liên tiếp sau đó, huyện Thủy Nguyên ra các quyết định yêu cầu đình chỉ toàn bộ việc xây dựng, lắp đặt cũng của nhà máy Cường Thịnh.
Phớt lờ huyện
Nhận định về quá trình sai phạm kéo dài hơn 2 năm qua của Liên hiệp Hợp tác xã Cường Thịnh, một cán bộ huyện Thủy Nguyên phải cay đắng thốt lên: “Liên hiệp Hợp tác xã Cường Thịnh không coi huyện ra gì.”
“Để thực hiện điều này, ngay từ thời điểm huyện phát hiện việc diện tích đất đã cấp bị sử dụng sai mục đích, ông Túy đã làm văn bản gửi thẳng thành phố để xin đất chứ không thông qua huyện Thủy Nguyên,” Trưởng phòng Tài nguyên và môi trường huyện Thủy Nguyên khẳng định.
Tiếp đó, Cường Thịnh lại “vượt mặt” huyện tiếp tục ráo riết lập hồ sơ, báo cáo trình các sở, ngành của thành phố để hợp thức hóa” dự án với tên mới “Dự án xây dựng nhà máy sản xuất bột nhẹ cao cấp, công suất 9.500 tấn/năm và sản phẩm phụ đất đèn 10.000 tấn/năm”.
Thậm chí, theo ông Long, ngay cả trong sự việc ngày 25/8 vừa qua, khi huyện ra quyết định đình chỉ việc vận hành thử nhà máy, ông Túy cũng thể hiện thái độ thiếu tôn trọng khi “xách cặp sang thành phố, không biết huyện là ai.”
Chính việc tự ý vượt cấp này của phía Cường Thịnh liên tục đặt các cấp có thẩm quyền vào thế bị động.
Ông Lại Đức Long cho hay thông thường, quy trình của một dự án tương tự phải đảm bảo các bước như lập dự án, cam kết bảo vệ môi trường rồi mới tiến hành lắp đặt. Tuy nhiên, trong trường hợp của Cường Thịnh, doanh nghiệp đã đặt tất cả vào tình thế đã rồi khi lắp đặt hệ thống nhà máy sản xuất đất đèn. Lúc này, Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng buộc phải ra quyết định cho phép nhà máy vận hành thử để đánh giá tác động môi trường, từ đó có cơ sở để xem xét việc có cấp phép hay không.
Không dừng lại ở những sai phạm kể trên, theo tiết lộ của ông trưởng phòng Tài nguyên và môi trường huyện, Hợp tác xã còn mập mờ về nguồn gốc dây chuyền sản công nghệ.
Ông Long cho hay: Tháng 8/2011, thực hiện công văn của thành phố Hải Phòng, đoàn kiểm tra liên ngành đã tiến hành xem xét cơ sở sản xuất Cường Thịnh. Điều khiến tất cả bất ngờ là phía doanh nghiệp đã không xuất trình được các giấy tờ liên quan đến xuất, nhập khẩu thiết bị.
“Dây chuyền ở đâu, lắp đặt như thế nào, cơ quan hải quan kiểm định chất lượng ra sao, chất bảo quản là gì… cho tới thời điểm hiện tại doanh nghiệp vẫn chưa cung cấp được,” ông Long khẳng định.
Ông Long dự đoán, rất có khả năng, việc nhiều người dân ngộ độc khí phải nhập viện trong hai lần nhà máy vận hành thử là do chất bảo quản này khi đốt cháy đã sinh ra.
“Tuy nhiên, vì không có hợp đồng hải quan nên chúng tôi mới đang đặt ra nghi vấn,” ông Long nói.
Bên cạnh đó, điều đáng ngạc nhiên là mặc dù liên tiếp vi phạm, nhưng theo tiết lộ của một lãnh đạo huyện Thủy Nguyên, phía Cường Thịnh chưa bị xử phạt hành chính lần nào. Nguyên nhân chính được cho là do quá trình kiểm tra phát hiện sai phạm huyện “chần chừ” không xử lý vì còn đợi quyết định của thành phố. Đến khi báo cáo lên, thành phố cũng không gay gắt trong việc xử lý nên huyện cũng chưa thực hiện.
Hiện, Nhà máy sản xuất đất đèn đã được đình chỉ. Phía huyện Thủy Nguyên cũng đã kiến nghị thành phố về việc di dời nhà máy để đảm bảo an toàn cho hàng nghìn hộ dân sinh sống gần đó.
Vietnam+ sẽ tiếp tục cập nhật những diễn biến mới nhất về sự việc tới bạn đọc./.
Tuy nhiên, quá trình này không diễn ra trong ngày một ngày hai mà kéo dài nhiều năm trời khiến cho hàng trăm người dân bức xúc cao độ.
Trong quá trình tiếp cận các hồ sơ liên quan, cũng như theo tiết lộ của một cán bộ huyện Thủy Nguyên, phóng viên Vietnam+ liên tiếp nhận ra những “thủ thuật” để phù phép và "hô biến" mục đích sản xuất của doanh nghiệp này.
"Hô biến" mục đích sản xuất
Trước đó, như Vietnam+ đã phản ánh, vào cuối tháng 8/2013, hàng trăm người dân xã Lại Xuân, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng đã bao vây nhà máy đất đèn Cường Thịnh trong nhiều ngày. Nguyên nhân chính được xác định do nhà máy này trong quá trình chạy thử đã xả khí ra môi trường, khiến nhiều người bị ngất và phải nhập viện.
Ngay trong ngày 26/8, trong buổi làm việc với phóng viên Vietnam+, ông Nguyễn Trần Lanh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Thủy Nguyên, khẳng định: phía Cường Thịnh đã vi phạm nghiêm trọng khi tự ý chuyển đổi mục đích sản xuất từ bột nhẹ cao cấp ban đầu sang đất đèn. Hệ lụy kéo theo là một loạt các bất hợp lý về khoảng cách an toàn, nguy cơ ô nhiễm, thậm chí ảnh hưởng đến tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn. Ông Lanh cũng cho hay, huyện sẽ kiến nghị lên Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng nghiên cứu xem xét di dời nhà máy khỏi địa điểm hiện tại.
Theo tìm hiểu của phóng viên, năm 2009, Ủy ban nhân dân huyện Thủy Nguyên đã phê duyệt Đề án xây dựng nhà máy sản xuất bột nhẹ cao cấp cho hộ ông Đồng Minh Túy. Ông Túy đồng thời cũng là Chủ tịch Hội đồng quản trị Liên hiệp Hợp tác xã Cường Thịnh.
Như vậy, ngay từ thời điểm ban đầu, dự án được phê duyệt cho hộ gia đình, mang tính cá thể.
[Hàng trăm người vây nhà máy có nguy cơ ô nhiễm]
Về vấn đề này, ông Lại Đức Long, trưởng phòng Tài nguyên và môi trường huyện Thủy Nguyên, cũng xác nhận: “Tháng 4/2009, ông Túy làm giấy phép kinh doanh quy mô hộ gia đình cá nhân. Thủ tục được xét từ xã tới huyện. Trên cơ sở này tới tháng 9/2009, Ủy ban nhân dân huyện có quyết định cho hộ cá nhân ông Túy được xây cơ sở chế biến bột nhẹ.”
Cũng theo ông Long, căn cứ vào đề án được duyệt, cơ sở chỉ đơn giản bao gồm lò nung vôi. Sau đó, qua quá trình tôi vôi, ngâm lọc, vôi tinh sẽ được chuyển ra sấy khô, đập nghiền rồi đóng bao xuất khẩu. Do vậy, ban đầu, cơ sở sản xuất này chỉ phải nằm cách khu dân cư 50m đúng theo quy định.
Mặc dù vậy, ngay sau khi nhận giấy phép từ huyện, phía Cường Thịnh đã “âm thầm” thay đổi mục đích sản xuất cũng như các hạng mục trên diện tích được cấp. Vị trưởng phòng Tài nguyên và môi trường huyện Thủy Nguyên cho hay: Đến cuối tháng 10/2010, người dân có ý kiến với huyện về việc Cường Thịnh lắp đặt nhà máy đất đèn nên phòng Tài nguyên và môi trường đã tiến hành kiểm tra đột xuất.
“Cán bộ kiểm tra báo cáo cơ sở sản xuất của ông Túy không phải là lò vôi và có ống khói. Ngay sau đó, chúng tôi đã báo cáo Ủy ban nhân dân huyện. Trên cơ sở này, tháng 12/2010, huyện đã thành lập tổ công tác để kiểm tra,” ông Long nói.
Kết quả kiểm tra cho thấy: ông Đồng Minh Túy thuê đất để sản xuất theo mô hình hộ cá nhân nhưng lại xây một khu nhà làm việc mang tên Hợp tác xã Cường Thịnh. Như vậy, trên khu đất được cấp vào thời điểm đó tồn tại 2 đối tượng sử dụng: ông Túy với tư cách cá nhân và Hợp tác xã Cường Thịnh.
“Lúc này, ông Túy vẫn chưa báo cáo về việc góp quyền sử dụng đất vào Hợp tác xã Cường Thịnh,” Trưởng phòng Tài nguyên và môi trường huyện Thủy Nguyên khẳng định.
Nhận thấy những sai phạm nghiêm trọng cả về việc chuyển đổi sản xuất lẫn sở hữu đất được giao, Ủy ban nhân dân huyện đã ra quyết định số 41/UBND-TN&MT yêu cầu “phải dừng mọi hoạt động xây dựng, sản xuất kinh doanh cho hộ ông Đồng Minh Túy kể từ ngày 13/1/2011.”
Liên tiếp sau đó, huyện Thủy Nguyên ra các quyết định yêu cầu đình chỉ toàn bộ việc xây dựng, lắp đặt cũng của nhà máy Cường Thịnh.
Phớt lờ huyện
Nhận định về quá trình sai phạm kéo dài hơn 2 năm qua của Liên hiệp Hợp tác xã Cường Thịnh, một cán bộ huyện Thủy Nguyên phải cay đắng thốt lên: “Liên hiệp Hợp tác xã Cường Thịnh không coi huyện ra gì.”
“Để thực hiện điều này, ngay từ thời điểm huyện phát hiện việc diện tích đất đã cấp bị sử dụng sai mục đích, ông Túy đã làm văn bản gửi thẳng thành phố để xin đất chứ không thông qua huyện Thủy Nguyên,” Trưởng phòng Tài nguyên và môi trường huyện Thủy Nguyên khẳng định.
Tiếp đó, Cường Thịnh lại “vượt mặt” huyện tiếp tục ráo riết lập hồ sơ, báo cáo trình các sở, ngành của thành phố để hợp thức hóa” dự án với tên mới “Dự án xây dựng nhà máy sản xuất bột nhẹ cao cấp, công suất 9.500 tấn/năm và sản phẩm phụ đất đèn 10.000 tấn/năm”.
Thậm chí, theo ông Long, ngay cả trong sự việc ngày 25/8 vừa qua, khi huyện ra quyết định đình chỉ việc vận hành thử nhà máy, ông Túy cũng thể hiện thái độ thiếu tôn trọng khi “xách cặp sang thành phố, không biết huyện là ai.”
Chính việc tự ý vượt cấp này của phía Cường Thịnh liên tục đặt các cấp có thẩm quyền vào thế bị động.
Ông Lại Đức Long cho hay thông thường, quy trình của một dự án tương tự phải đảm bảo các bước như lập dự án, cam kết bảo vệ môi trường rồi mới tiến hành lắp đặt. Tuy nhiên, trong trường hợp của Cường Thịnh, doanh nghiệp đã đặt tất cả vào tình thế đã rồi khi lắp đặt hệ thống nhà máy sản xuất đất đèn. Lúc này, Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng buộc phải ra quyết định cho phép nhà máy vận hành thử để đánh giá tác động môi trường, từ đó có cơ sở để xem xét việc có cấp phép hay không.
Không dừng lại ở những sai phạm kể trên, theo tiết lộ của ông trưởng phòng Tài nguyên và môi trường huyện, Hợp tác xã còn mập mờ về nguồn gốc dây chuyền sản công nghệ.
Ông Long cho hay: Tháng 8/2011, thực hiện công văn của thành phố Hải Phòng, đoàn kiểm tra liên ngành đã tiến hành xem xét cơ sở sản xuất Cường Thịnh. Điều khiến tất cả bất ngờ là phía doanh nghiệp đã không xuất trình được các giấy tờ liên quan đến xuất, nhập khẩu thiết bị.
“Dây chuyền ở đâu, lắp đặt như thế nào, cơ quan hải quan kiểm định chất lượng ra sao, chất bảo quản là gì… cho tới thời điểm hiện tại doanh nghiệp vẫn chưa cung cấp được,” ông Long khẳng định.
Ông Long dự đoán, rất có khả năng, việc nhiều người dân ngộ độc khí phải nhập viện trong hai lần nhà máy vận hành thử là do chất bảo quản này khi đốt cháy đã sinh ra.
“Tuy nhiên, vì không có hợp đồng hải quan nên chúng tôi mới đang đặt ra nghi vấn,” ông Long nói.
Bên cạnh đó, điều đáng ngạc nhiên là mặc dù liên tiếp vi phạm, nhưng theo tiết lộ của một lãnh đạo huyện Thủy Nguyên, phía Cường Thịnh chưa bị xử phạt hành chính lần nào. Nguyên nhân chính được cho là do quá trình kiểm tra phát hiện sai phạm huyện “chần chừ” không xử lý vì còn đợi quyết định của thành phố. Đến khi báo cáo lên, thành phố cũng không gay gắt trong việc xử lý nên huyện cũng chưa thực hiện.
Hiện, Nhà máy sản xuất đất đèn đã được đình chỉ. Phía huyện Thủy Nguyên cũng đã kiến nghị thành phố về việc di dời nhà máy để đảm bảo an toàn cho hàng nghìn hộ dân sinh sống gần đó.
Vietnam+ sẽ tiếp tục cập nhật những diễn biến mới nhất về sự việc tới bạn đọc./.
Sơn Bách (Vietnam+)