Gặp gỡ người đàn bà thép từng dạy Hoàng Xuân Vinh bắn súng

HLV Nguyễn Thị Nhung: Bắn súng là một bộ môn nghệ thuật

Huấn luyện viên trưởng bộ môn bắn súng đầu tiên của châu Á Nguyễn Thị Nhung được biết đến là người đưa vận động viên Hoàng Xuân Vinh đến chiến thắng lịch sử ở đấu trường Olympic 2016.

Làm đẹp để che lấp đi sự mạnh mẽ

– 14 tuổi chị vào trường bắn. Một cô bé lại có niềm yêu thích với súng đạn và quyết đi đường dài với bộ môn này ư?

– Thực ra là tôi thi vào bộ môn khác bị trượt nên được chọn vào bắn súng đấy chứ (cười).


– Vậy hẳn chị cũng từng có những phút “hờn giận” với mối duyên bị “gán ghép” này?

– Đã từng có giai đoạn tôi dừng bắn súng, đi học, đi làm kinh doanh nhưng thế nào rồi lại quay về với trường bắn. Lần trở về gần nhất là hơn mười năm trước, sau đó tôi trở thành HLV trưởng đội tuyển bắn súng Việt Nam.

“Tôi nghĩ bắn súng chọn mình, và buộc mình đi theo đến cùng. Công việc này đòi hỏi sức mạnh ý chí, khả năng tập trung cao độ."

- Vì quá yêu nên không dứt được chăng?

– Tôi nghĩ bắn súng chọn mình, và buộc mình đi theo đến cùng. Công việc này đòi hỏi sức mạnh ý chí, khả năng tập trung cao độ. Mỗi trận đấu súng thường kéo dài khoảng một giờ đồng hồ, trong khi mỗi viên đạn bắn ra lại chỉ tính bằng giây, còn lại là khoảng thời gian mà vận động viên phải tự đối thoại với bản thân trong im lặng và bóng tối… Nhưng cũng chính những đặc tính ấy của công việc đã trui rèn tôi ngày một thêm cứng rắn.

– Và điều đó đã làm nên “người đàn bà thép” của thể thao Việt Nam?

– Trong cuộc sống có rất nhiều điều trông vậy mà không phải vậy, chẳng hạn như môn thể dục dụng cụ, nhìn thì rất nhẹ nhàng nhưng lại đòi hỏi sức mạnh cơ bắp rất lớn. Mọi người hay gọi tôi là “người đàn bà thép” mà không biết rằng, ngoài ý chí sắt đá, tư duy cương quyết, bắn súng còn cần sự uyển chuyển, mềm mại của đôi tay, của ngón tay bóp cò, đó là yếu tố quyết định vô cùng quan trọng.

– Có khi nào cầm súng nhiều mà quên mất cách cầm cọ trang điểm không thưa chị?

– Tôi là người rất thích làm đẹp. Bộ môn bắn súng khô khan, tôi nghĩ mình phải làm gì cho tươi sáng lên. Vậy là tôi trang điểm. Và cũng là để che lấp đi sự mạnh mẽ (cười lớn).

Từng thấy mình là người chiến thắng trong mơ

– Với tiến sỹ khoa học Nguyễn Nữ Hoài Vi, sự vận động của phân tử hóa học giúp chị ấy hiểu hơn về thế giới. Còn với chị, súng đạn mang lại điều gì?

– Tôi nghĩ công việc của tôi và chị Hoài Vi đều cần sự kiên trì. Công việc của chúng tôi là thực hiện những cuộc đối thoại trong… lặng im.

Trong bắn súng, thời gian được tính bằng giây: 10 giây, 15 giây, có những viên đạn chỉ bắn đi trong 3 giây. Nhìn ngoài, có thể thấy nó đơn điệu, nhưng không phải, mỗi viên đạn bắn đi là kết quả của một chuỗi động tác.

Khi nín thở ngắm bắn, chỉ cần nín thở mạnh quá, áp lực hơi thở cũng sẽ làm cho ngón tay cò trở nên không mềm mại.

Tôi và Hoàng Xuân Vinh đều nhất trí rằng, khi bắn súng, cần phải thăng hoa hơn cả nghệ sỹ chơi đàn, phải giữ được phong độ nhịp nhàng như đang chơi một bản nhạc. Với tôi, bắn súng là một bộ môn nghệ thuật.

"Tôi và Hoàng Xuân Vinh đều nhất trí rằng, khi bắn súng, cần phải thăng hoa hơn cả nghệ sĩ chơi đàn, phải giữ được phong độ nhịp nhàng như đang chơi một bản nhạc. Với tôi, bắn súng là một bộ môn nghệ thuật.”

– Tôi rất bất ngờ khi được nghe câu chuyện về súng đạn một cách nữ tính và thơ mộng như vậy.

– Tôi cho rằng nếu cứ theo đường mòn thì mình sẽ không thể bứt phá được.

– Chị thổi ấm áp vào sự lạnh lùng của súng đạn, sắt thép như thế nào?

– Luôn quan tâm, chia sẻ với vận động viên, không chỉ trong công việc mà cả trong cuộc sống là trách nhiệm của huấn luyện viên chúng tôi. Có thế huấn luyện viên mới nắm được khi nào vận động viên có phong độ tốt nhất.

– 10 năm đưa bắn súng Việt Nam từ số không trên đấu trường quốc tế đến bục vinh quang tại Olympic, thành công này có ý nghĩa thế nào với chị?

– Hình ảnh mình là người chiến thắng tại Olympic tôi đã từng thấy nhiều lần trong giấc mơ. “Chúng ta sẽ có huy chương Olympic” là câu nói tôi nhắc đi nhắc lại với các vận động viên trước giải đấu lớn này. Và khi điều đó đến, tôi hạnh phúc nhưng vẫn nghĩ rằng, chúng tôi đã may mắn hơn nhiều người.

“Trước tôi, Vinh từng có rất nhiều thầy. Tôi cũng có nhiều học trò. Nhưng tôi và Vinh gặp nhau ở quan điểm làm việc. Tôi thấy mình may mắn khi có một học trò như Vinh.”

Vinh gọi tôi là "mama tổng quản"

– Gần 40 năm trước, bắn súng chọn chị, thì nay chị chọn Hoàng Xuân Vinh để hiện thực hóa giấc mơ Olympic của mình?

– Trước tôi, Vinh từng có rất nhiều thầy. Tôi cũng có nhiều học trò. Nhưng tôi và Vinh gặp nhau ở quan điểm làm việc. Tôi thấy mình may mắn khi có một học trò như Vinh.

Thành tích tại Olympic là kết quả quá trình khổ luyện của Vinh. Tuy nhiên, bên cạnh một vận động viên tài năng, một huấn luyện viên có phương pháp tốt, thì còn rất nhiều sự hỗ trợ của cả một tập thể. Vì thế, chiến thắng này mang tên Việt Nam.

- Vẻ như chị là nguồn động lực tinh thần lớn của học trò, khi xạ thủ Hoàng Xuân Vinh vẫn thường hỏi chị: “Em có thể làm tốt được hơn nữa không?”…

– Bắn súng đòi hỏi rất nhiều sức mạnh ý chí.

“Tôi là bà mẹ đơn thân, gia sản cuộc đời tôi là hai đứa con. Thành công trong công việc tôi được ghi nhận nhưng rồi nó cũng sẽ qua, chỉ có thành công của con cái là gắn liền với mình suốt đời.”

Vinh là người thiếu thốn tình cảm gia đình từ bé. Mẹ Vinh mất từ khi anh ấy còn rất nhỏ, người mẹ kế anh ấy yêu thương cũng mất sớm. Hoàn cảnh đó tạo cho Vinh sự dẻo dai nhưng cũng rất nhạy cảm.

Nếu quan sát Vinh ở đấu trường Olympic vừa rồi, và ngay cả trong trận đấu giành chiến thắng, mọi người có thể thấy những viên đạn cuối Vinh đã bắn không thành công. Có lẽ ẩn sâu trong ý chí mạnh mẽ của Vinh vẫn còn đó những thương tổn từ ấu thơ.

Tôi mừng là ngoài vai trò huấn luyện viên, tôi có thể chia sẻ với Vinh như một người chị, người mẹ. Vinh vẫn thường gọi tôi là "mama tổng quản" đấy. (cười)

Tôi đã khóc rất nhiều…

– Thành công của đàn ông không thể thiếu bóng dáng phụ nữ, nhưng sau thành công của một người phụ nữ như chị, là gì?

– Là một khoảng trống. Tôi mất đi sự đầm ấm của gia đình. Là sự thiệt thòi của những đứa con không phải lúc nào cũng có mẹ bên cạnh.

Bù lại những mất mát đó, cuối cùng tôi đã mang được vinh quang về cho Tổ quốc. Giây phút Hoàng Xuân Vinh chiến thắng, tôi đã khóc vì hạnh phúc, khi thấy nỗ lực của mình được đền đáp.

– “Người đàn bà thép” cũng rơi lệ ư?

– Có chứ, tôi đã khóc rất nhiều, chỉ là người ta không nhìn thấy mà thôi. Tôi không bao giờ khóc nơi đông người, ngoại trừ lần vừa rồi ở Olympic.

- Trong bắn súng, mọi sự tập luyện đều hướng đến hồng tâm, còn trong cuộc sống, hồng tâm của chị là gì?

– Tôi là bà mẹ đơn thân, gia sản cuộc đời tôi là hai đứa con. Thành công trong công việc tôi được ghi nhận nhưng rồi nó cũng sẽ qua, chỉ có thành công của con cái là gắn liền với mình suốt đời.

– Theo chị, “được” hay “phải” làm phụ nữ, vế nào đúng hơn?

Sinh ra là phụ nữ đã là một thiệt thòi, phụ nữ Á Đông càng thiệt thòi hơn. Đa số phụ nữ thành công trong sự nghiệp đều phải hy sinh đời sống gia đình.

Xạ thủ Hoàng Xuân Vinh: Đôi khi người ta quên chị Nhung là phụ nữ

“Biệt danh “người đàn bà thép” dành cho chị Nhung, theo tôi, đó là một lời khen tặng. Chị là người truyền lửa cho các vận động viên, giữ cho họ một tinh thần sắt đá. Điều đó rất quan trọng trong bộ môn bắn súng, xạ thủ Hoàng Xuân Vinh chia sẻ.

Chị Nhung, với tôi, là một người chị, người thầy nên tôi luôn dành cho chị sự tôn trọng đúng mực. Có một huấn luyện viên là nữ rất khác biệt, nhất là khi đau ốm hay phải luyện tập xa nhà, Vinh nói thêm. 

Là đàn ông, nếu có quan tâm nhau thì cũng thường dừng lại ở lời hỏi thăm, nhắc nhở, còn phụ nữ thì khác, họ tận tụy và rất chu đáo. Vì vậy, trong những chuyến công tác xa, chúng tôi thường an tâm hơn khi có chị.

Phụ nữ làm lãnh đạo bao giờ cũng cá tính hơn người. Hoàn cảnh và áp lực công việc tạo cho họ một tính cách như vậy.

Nhưng chị Nhung là người giàu tình cảm và rất nữ tính. Có thể vì mục tiêu đặt ra và cách chị thể hiện quyết tâm khiến đôi lúc người ta quên mất chị là một phụ nữ."/.

(Đẹp/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục