Hình tượng công chúa chỉ là sản phẩm của một xã hội tùy tiện?

Jeremiah Heaton, người cha của ba đứa con đã tự nhận một dải đất nằm giữa Ai Cập và Sudan làm của riêng để hoàn thành ước mơ thành công chúa của con gái.
Jeremiah Heaton muốn thực hiện giấc mơ công chúa của con gái. (Nguồn: AP)

Jeremiah Heaton, người cha của ba đứa con đến từ Virginia (Mỹ) đã tự nhận một dải đất nằm giữa Ai Cập và Sudan làm của riêng để hoàn thành ước mơ trở thành công chúa của con gái mình.

Heaton đã cắm một lá cờ trên dải đất sa mạc mang tên Bir Tawil này và hiện đang cố gắng có được sự công nhận của các nước lân cận (với hy vọng rằng khả năng đối ngoại của ông khá hơn Ngoại trưởng Mỹ John Kerry).

Ông chia sẻ với tờ Washington Post: “Tôi muốn cho các con tôi thấy rằng tôi thực sự sẽ đi tới cùng trời cuối đất để biến ước mơ của chúng thành hiện thực.”

Trước hết phải nói rằng các bậc cha mẹ không có trách nhiệm phải biến mọi giấc mơ của con cái mình thành hiện thực. Trong trường hợp này, giấc mơ hoàng tộc của cô con gái là một mơ ước mà một người cha có trách nhiệm nên dập tắt ngay lập tức.

Có rất nhiều lý do để ông bố này giải thích cho con gái mình rằng vì sao cô bé không thể trở thành một công chúa, nhưng lý do hay nhất vẫn là bởi ước mơ này đơn giản là không giống phong cách của người Mỹ một chút nào.

Dĩ nhiên, cộng đồng mạng tỏ ra phẫn nộ trước cách thức chiều chuộng cô con gái Emily của ông Heaton khi cho cô bé ngủ trên một chiếc giường được thiết kế riêng có hình lâu đài. Những blogger viết về cách thức giáo dục con cái thì tự hỏi rằng liệu đây có phải là một dấu hiệu cho thấy rằng câu chuyện “công chúa” này đã đến lúc phải kết thúc.

Trong một cuốn sách mang tên “Cinderella Ate My Daughter” (tạm dịch “Cô bé Lọ Lem đã ăn thịt con gái tôi”), Peggy Orenstein đã bàn luận về lịch sử của trào lưu công chúa này. Cô viết, “Khi tôi còn nhỏ, chẳng ai muốn bị gọi là ‘công chúa’ cả, bởi danh hiệu này đi liền với hình ảnh một con bé hư hỏng, ích kỷ, chỉ biết chạy đi tìm bố mỗi khi không hài lòng chuyện gì.”

Tất cả những điều đó đã thay đổi nhờ có Disney - công ty đã biến tất cả những mơ mộng này trở thành một phương thức kiếm tiền. Năm 2009, doanh thu của các sản phẩm “công chúa” của công ty này đã lên tới 4 tỷ USD. Và đó mới chỉ là trước khi siêu phẩm “Frozen” ra mắt công chúng.

Mặt khác, gần đây vấn đề công chúa cũng đã nhận được nhiều phản ứng dữ dội từ cộng đồng. Disney đã gặp rắc rối khi có quá nhiều công chúa được thiết kế là người da trắng. Vào đầu năm nay, một nghệ sỹ trên trang blog Tumblr đã nhận được nhiều sự chú ý sau khi cô tự thiết kế các phiên bản công chúa của riêng mình - xây dựng lại các nhân vật, để các cô công chúa thuộc về nhiều dân tộc khác nhau. Thật là một ý tưởng tuyệt vời! Giờ chúng ta có thể có cả những thành viên hoàng gia nhân từ là người da đen, hay người Latin, chứ không chỉ có những cô gái trẻ da trắng cai trị các vương quốc trong tưởng tượng nữa.

Các nhà hoạt động nữ quyền cũng có những ý kiến phản đối. Bạn biết rồi đấy: Tại sao các công chúa cứ phải được giải cứu bởi một người đàn ông? Tại sao cô tiên cá Ariel không thể tự tìm thấy giọng nói của mình trước khi hôn hoàng tử? Cô bé Lọ Lem Cinderella chỉ có thể được cứu vớt bằng cách thử giày thôi ư? Công chúa Jasmine liệu có thể ngắm nhìn thế giới mà không cần một anh chàng trên chiếc thảm thần để đưa cô đi hay không? Có lẽ đây là những câu hỏi rất hay. Thế nhưng vấn đề đối với các công chúa không phải là việc họ không có ai giúp đỡ. Vấn đề ở đây là họ có quá nhiều quyền lực.

Nếu bạn thực sự muốn chỉ trích Disney về hình tượng các công chúa mà họ đang tiêm nhiễm vào đầu các cô bé gái, thì vấn đề không thể chỉ là ở màu da hay kích thước của những bộ váy. Vấn đề không thể chỉ là việc các cô công chúa có được giải cứu bởi hoàng tử hay không. Vấn đề lẽ ra phải là ở chỗ các câu chuyện về công chúa đều chỉ là những sản phẩm của một xã hội lỗi thời, một xã hội tùy tiện cho phép một số người có quyền lực để cai trị những người khác.

Cô bé Emily muốn trở thành công chúa. (Nguồn: AP)

Có lẽ, chúng ta nghĩ rằng các cô công chúa đều là những người tốt bụng duyên dáng như công chúa Kate, nhưng kinh nghiệm và lịch sử đã cho thấy rằng đặt quyền thế vô hạn vào tay những cô bé lớp 4 chỉ có thể dẫn tới những kết cục không hay mà thôi.

Đầu năm nay, Giám đốc điều hành Sheryl Sandberg của Facebook đã đưa ra chiến dịch “Ban Bossy” (tạm dịch “Cấm hách dịch”) nhằm cố gắng thuyết phục mọi người không dùng “b-word” để gọi các cô gái, và khuyến khích phụ nữ đảm nhận các vị trí lãnh đạo. Có lẽ vấn đề nằm ở chỗ có quá nhiều phụ nữ thực sự rất hách dịch - và coi họ như công chúa lại càng chẳng giúp ích được gì./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục