Hình thành 5.000 doanh nghiệp khoa học và công nghệ trong năm 2020

Mục tiêu hình thành 5.000 doanh nghiệp khoa học và công nghệ vào năm 2020 là chặng đường gian nan, cần sự chung tay giữa các cấp, ngành trong ứng dụng, thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ.
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN)
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN)

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng cho biết việc phát triển lực lượng doanh nghiệp khoa học và công nghệ ở Việt Nam có nhiều tiềm năng trong một số ngành, lĩnh vực có lợi thế như điện tử và công nghệ thông tin, cơ khí và tự động hóa, công nghệ sinh học, vật liệu mới... nhưng để đảm bảo hình thành 5.000 doanh nghiệp khoa học và công nghệ vào năm 2020 theo Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ giai đoạn 2011-2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 418/QĐ-TTg ngày 11/4/2012 vẫn là chặng đường đầy "gian nan."

Tuy nhiên, trước tiềm năng phát triển lực lượng doanh nghiệp khoa học và công nghệ, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng cho biết, Bộ Khoa học và Công nghệ quyết tâm tập trung các giải pháp đảm bảo hoàn thành mục tiêu hình thành 5.000 doanh nghiệp khoa học và công nghệ trong năm 2020.

Phấn đấu đạt mục tiêu 5.000 doanh nghiệp khoa học và công nghệ

Tính đến thời điểm này, theo tiêu chí doanh nghiệp khoa học và công nghệ, cả nước có hơn 3.000 doanh nghiệp đủ điều kiện chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ gồm 468 doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ tính đến tháng 8/2019; 36 doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận hoạt động công nghệ cao (19 doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận dự án ứng dụng công nghệ cao và 17 doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp công nghệ cao); hơn 800 doanh nghiệp đã được cấp Bằng độc quyền sáng chế, kiểu dáng công nghiệp chưa đăng ký chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ; hơn 1.400 doanh nghiệp phần mềm trong lĩnh vực công nghệ thông tin; hơn 400 doanh nghiệp đang hoạt động tại các khu công nghệ cao, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao...

Để phấn đấu đạt mục tiêu, ngày 1/2/2019 Chính phủ ban hành Nghị định số 13/2019/NĐ-CP về doanh nghiệp khoa học và công nghệ, có hiệu lực từ ngày 20/3/2019; đã có nhiều chính sách ưu đãi để thúc đẩy việc hình thành và phát triển mạnh mẽ doanh nghiệp khoa học công nghệ trong thời gian tới.

[Phát huy giá trị nền tảng, tạo thế, lực phát triển khoa học-công nghệ]

Tuy nhiên, để đạt mục tiêu hình thành 5.000 doanh nghiệp khoa học và công nghệ vào năm 2020 là chặng đường đầy "gian nan," cần sự chung tay, phối hợp giữa các cấp, ngành trong ứng dụng, thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ...

Thực tế, lực lượng doanh nghiệp khoa học và công nghệ chưa nhiều về mặt số lượng như kỳ vọng nhưng đã tác động tới phát triển kinh tế-xã hội khá rõ nét, tạo ra xu hướng phát triển khoa học và công nghệ trong hệ thống doanh nghiệp Việt Nam, góp phần nâng cao năng lực doanh nghiệp trong hội nhập quốc tế.

Hình thành 5.000 doanh nghiệp khoa học và công nghệ trong năm 2020 ảnh 1Dự án nhà thông minh do Công ty TNHH Nhà ở thông minh Acis đang được thực hiện tại vườn ươm doanh nghiệp. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng nhấn mạnh, trước thực tế tiềm năng phát triển lực lượng doanh nghiệp khoa học và công nghệ, từ nay đến hết năm 2010, Việt Nam có thể đạt mục tiêu đề ra là hình thành 5.000 doanh nghiệp khoa học và công nghệ, bởi thực tế tại Việt Nam hiện nay vẫn còn nhiều doanh nghiệp chưa đăng ký doanh nghiệp khoa học và công nghệ - đây cũng là "rào cản" làm chậm mục tiêu đề ra, bởi nhiều doanh nghiệp hiện nay đang hưởng các ưu đãi ở lĩnh vực khác với mức cao hơn hoặc tương đương.

Bên cạnh đó, nhận thức của một số bộ, ngành, địa phương về vai trò của khoa học và công nghệ đối với phát triển kinh tế-xã hội chưa thực sự đầy đủ dẫn đến một số ưu đãi cho doanh nghiệp khoa học và công nghệ chưa đồng bộ với hệ thống các chương trình, đề tài của các ngành, các cấp...

Ngoài ra, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong những năm qua ở mức thấp nên nguồn kinh phí đầu tư từ ngân sách nhà nước cho hoạt động khoa học và công nghệ nói chung không đảm bảo... nên nếu chỉ tính doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ thì khó đạt được mục tiêu đề ra, nhưng nếu tính doanh nghiệp đạt tiêu chí và tương đương doanh nghiệp khoa học và công nghệ, doanh nghiệp được chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ thì có thể đạt mục tiêu đề ra là đến năm 2020 hình thành 5.000 doanh nghiệp khoa học và công nghệ.

Đẩy mạnh thực hiện đồng bộ các giải pháp

Nhằm bảo đảm tính khả thi của mục tiêu đề ra, Bộ Khoa học và Công nghệ đã và đang thực hiện đồng bộ các giải pháp như đẩy mạnh hoạt động xây dựng hoàn thiện thể chế, chính sách, đảm bảo sự hợp tác, thống nhất giữa các cơ quan chức năng thực hiện các chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ; đồng bộ hóa hệ thống cơ chế, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật về khoa học và công nghệ và đổi mới sáng tạo; chú trọng thực hiện cơ chế giao quyền sở hữu, quyền sử dụng kết quả nghiên cứu sử dụng ngân sách nhà nước; cơ chế phân chia lợi nhuận thu được từ thương mại hóa kết quả nghiên cứu; cơ chế đánh giá, thẩm định, công nhận kết quả nghiên cứu không sử dụng ngân sách nhà nước... thực hiện thống nhất, khả thi các giải pháp và phù hợp với thực tiễn phát triển kinh tế-xã hội và chủ trương hội nhập quốc tế của đất nước.

Bộ Khoa học và Công nghệ cũng yêu cầu các tỉnh, thành phố tăng cường xây dựng và triển khai các chương trình, đề án hỗ trợ phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ; chương trình hỗ trợ ươm tạo, thành lập và phát triển doanh nghiệp; triển khai thực hiện Chương trình hỗ trợ phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ của Thủ tướng Chính phủ đến năm 2025...

Đồng thời, đổi mới tổ chức, cơ chế quản lý và hoạt động khoa học và công nghệ, hoàn thiện chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, ưu đãi thuế đối với doanh nghiệp khoa học và công nghệ, khuyến khích các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông tin chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng cho biết, Bộ tập trung ban hành chính sách thành lập cơ sở ươm tạo, cơ sở kỹ thuật, khu làm việc chung nhằm hình thành các cơ sở ươm tạo tiệm cận với mô hình ươm tạo của các nước trong khu vực và quốc tế, đáp ứng nhu cầu hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Bên cạnh đó, Bộ cũng đẩy mạnh công tác quản lý đảm bảo mục tiêu phát triển 5.000 doanh nghiệp khoa học và công nghệ năm 2020; Hỗ trợ các hoạt động ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp khoa học và công nghệ, chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ; Hỗ trợ các Sở Khoa học và Công nghệ địa phương rà soát, nhận diện doanh nghiệp đủ điều kiện để trở thành doanh nghiệp khoa học và công nghệ; Hỗ trợ phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ tại địa phương...

Đặc biệt, tạo dựng thương hiệu doanh nghiệp khoa học và công nghệ, nâng cao giá trị thương hiệu doanh nghiệp khoa học và công nghệ để doanh nghiệp khoa học và công nghệ trở thành một thương hiệu mạnh, có lợi thế cạnh tranh khi được cấp chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục