Hình ảnh Bộ đội Việt Minh qua góc nhìn của cựu chiến binh Pháp

Trong suy nghĩ của Đại tá Jacques Allaire, một cựu binh Pháp, bộ đội Việt Minh "rất dũng cảm và rất có động lực, họ chiến đấu vì lý tưởng, vì độc lập và tự do của đất nước."
Đại tá Jacques Allaire, một cựu chiến binh Pháp từng tham chiến tại Chiến trường Điện Biên Phủ. (Ảnh: Linh Hương/Vietnam+)

Nhân kỷ niệm 65 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2019), phóng viên TTXVN tại Pháp đã gặp gỡ một số cựu chiến binh Pháp từng tham chiến tại Đông Dương, đặc biệt những người đã trải qua những giờ phút cuối cùng tại tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.

Mặc dù một quãng thời gian dài đã trôi đi, nhưng những hình ảnh của trận chiến ác liệt vẫn in sâu đậm trong ký ức của những cựu binh đã trên dưới 90 tuổi này.

Trong suy nghĩ của Đại tá Jacques Allaire, bộ đội Việt Minh "rất dũng cảm và rất có động lực, họ chiến đấu vì lý tưởng, vì độc lập và tự do của đất nước."

Đại tá Jacques Allaire sống trong một căn hộ nhìn thẳng ra sông Loire chảy hiền hòa giữa thành phố Tours, cách Paris chừng 300km về phía Tây Nam. Năm nay đã 94 tuổi, song ông vẫn nhớ rõ từng chi tiết tại chiến trường Điện Biên Phủ, nơi ông đã nhảy dù xuống hai lần, vào tháng 12/1953 và tháng 3/1954.

Hồi đó ông là trung úy, chỉ huy một phân đội súng cối, tiểu đoàn lính dù 6 thuộc Quân đội Thuộc địa, dưới sự chỉ huy trực tiếp của đại tá Bigeard. Trong hồi ức của ông, Điện Biên Phủ không phải là lòng chảo nhỏ mà là một đồng bằng rộng lớn dài 18km từ Bắc xuống Nam và 5-6km từ Đông sang Tây.

Ông đã đóng quân tại trung tâm đề kháng Dominique, sau đó chuyển đến Eliane - đều nằm ở tả ngạn sông Nậm Rốm - cho đến lúc kết thúc trận chiến. Ông kể rằng mặc dù nơi đóng quân có những quả đồi khá cao bao xung quanh, song Việt Minh đã nhanh chóng chiếm vị trí trên cao và từ đó theo dõi được quân đội Pháp.

Ông thừa nhận đây là sai lầm của giới lãnh đạo quân đội Pháp do đã không dự tính được rằng Việt Minh sẽ chiếm đóng các vị trí trên cao xung quanh tập đoàn cứ điểm, và đã kéo lên đó các khẩu pháo hạng nặng bằng dây thừng.

Là chỉ huy trận địa súng cối gồm 6 khẩu đội cối 81 mm, ông Jacques Allaire có nhiệm vụ hỗ trợ các đại đội chiến đấu trong giao thông hào, đánh giáp lá cà với bộ đội Việt Minh.

Ông chia sẻ rằng bằng cách đào chiến hào, bao vây mọi cứ điểm, dùng pháo bắn phá và tấn công bằng mọi lực lượng, Việt Minh đã áp đảo được quân đội Pháp. Tất cả đã kết thúc vào ngày 7/5, khi ông phái một binh sỹ đi tìm Đại tá Bigeard và đã nhận một quân lệnh bằng văn bản vào lúc 17 giờ.

Tờ quân lệnh đó vẫn được ông giữ gìn cẩn thận, ép giấy bóng kính, trên đó vẻn vẹn vài dòng chữ: "Allaire thân mến, lệnh ngừng chiến sẽ phát ra vào lúc 17 giờ 30 phút. Đừng nổ súng nữa. Nhưng không giương cờ trắng. Hẹn sớm gặp lại!"

[Chiến thắng Điện Biên Phủ: Chiến hào - Bàn đạp tiến công thuận lợi]

Ông vô cùng xúc động khi hồi tưởng lại quá khứ. Sống sót sau trận chiến, nhưng đó cũng là lúc khó khăn nhất trong cuộc đời ông, khi ông rơi vào trạng thái hổ thẹn vì bị bắt làm tù binh.

Theo nhận định của ông Jacques Allaire, sự sụp đổ của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ là một sai lầm của Bộ chỉ huy Đông Dương, các chính trị gia, các tướng lĩnh cấp cao trong quân đội Pháp.

Họ đã chủ quan rằng Điện Biên Phủ chỉ cách Hà Nội 3 giờ bay, nên việc tiếp tế hoàn toàn được vận chuyển bằng đường hàng không. Họ đã tin rằng nếu thành lập một tập đoàn cứ điểm ở đó, quân đội Pháp có thể chiến đấu chống lại Việt Minh.

Ông Jacques Allaire cho rằng mục đích của cả một cuộc chiến này là "ngu ngốc." Chính vì thế, Pháp đã mất các lãnh thổ thuộc địa ở châu Á và sau đó ở châu Phi.

Đánh giá về bộ đội Việt Minh, ông Jacques Allaire cho rằng "họ rất dũng cảm và rất có động lực, họ chiến đấu vì lý tưởng, vì độc lập và tự do của đất nước. Hơn nữa, sát cánh bên họ luôn có các chính trị viên, những người có vai trò to lớn trong việc khuyến khích, động viên sự can đảm và ý chí của người lính."

Trong khi đó, quân đội thuộc địa Pháp là một đội quân pha trộn đủ các sắc tộc, không có lý tưởng, chiến đấu không phải vì nền độc lập của nước Pháp mà chỉ để giữ lại Đông Dương vốn là thuộc địa của Pháp từ thế kỷ 19.

Chiến tranh Đông Dương luôn là nỗi trăn trở của ông Jacques Allaire. Ông đã đọc và nghiên cứu rất nhiều. Hai tủ sách đồ sộ tại nhà ông chứa hơn 1.000 cuốn sách về cuộc chiến này, trong đó sự thất bại của Pháp đã tạo ra một bước ngoặt lịch sử, mở đường cho phong trào giải phóng thuộc địa tại châu Phi.

Sau khi Việt Nam hoàn toàn thống nhất, ông Jacques Allaire đã nhiều lần trở lại nơi đây và chứng kiến Việt Nam ngày càng thịnh vượng hơn, "một đất nước tuyệt vời."

Lần gần đây nhất là vào tháng 11/2018, trong khuôn khổ chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Edouard Philippe, ông Jacques Allaire đã tháp tùng Thủ tướng đến thăm Điện Biên Phủ, một vùng đất đã hoàn toàn thay đổi so với những ký ức đau thương của ông.

Ông khẳng định Việt Nam là một dân tộc văn minh, giàu giá trị văn hóa và triết lý sống, người dân Việt Nam vẫn luôn năng động và dũng cảm. Ông hy vọng cả Việt Nam và Pháp "biết nắm bắt cơ hội để cùng quay lại giá trị nền tảng của hai nền văn minh thật sự rất gần gũi"./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục