Hiệu ứng dây chuyền từ việc hãng Tesla mua Bitcoin

Việc Tesla mua số lượng lớn Bitcoin đã làm nổi bật các vấn đề liên quan tới môi trường cần được giải quyết. Đó là việc hoàn thiện các văn bản pháp luật và xây cơ chế ổn định giữa biến động về giá.
Hiệu ứng dây chuyền từ việc hãng Tesla mua Bitcoin ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: AP)

Đầu tháng 2/2021, Tesla thông báo đầu tư 1,5 tỷ USD vào Bitcoin và cho biết sẽ sớm coi đồng tiền kỹ thuật số này là phương tiện thanh toán cho các sản phẩm của công ty.

Thương vụ đầu tư đình đám này không chỉ kích thích đồng Bitcoin tăng giá mạnh (sau thông báo của Tesla, đồng Bitcoin đã tăng giá gần 72% và giá trị thị trường đã đạt 1.000 tỷ USD lần đầu tiên), mà còn thu hút sự quan tâm rất lớn của dư luận bởi giá trị đầu tư vào Bitcoin của Tesla lớn gấp đôi so với lợi nhuận dòng mà hãng này lần đầu tiên có được vào năm 2020 (721 triệu USD).

Theo Tesla, việc đầu tư vào Bitcoin là để tối đa hóa lợi nhuận và đa dạng hóa kênh đầu tư đối với lượng tiền mặt dư thừa sau khi đã chi cho các hoạt động cần thiết.

Trên thực tế, nếu tính ở mức giá hiện tại khoảng 60.000 USD/Bitcoin, khoản đầu tư của Tesla đã lãi khoảng 1,2 tỷ USD, đủ để giúp họ xây dựng một nhà máy mới sản xuất ra hàng trăm nghìn chiếc xe điện mỗi năm.

Quan trọng hơn, sau thương vụ này, Tesla đã trở thành doanh nghiệp đầu tiên trong số những doanh nghiệp nằm trong chỉ số S&P 500 đầu tư vào Bitcoin, thậm chí trong tương lai sẽ chấp nhận việc khách hàng sử dụng Bitcoin để mua các sản phẩm của hãng.

Theo tờ Kinh tế Nhật báo của vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) ngày 16/3, việc doanh nghiệp sử dụng và đầu tư lượng tiền mặt dư thừa là hoạt động thường thấy. Tuy nhiên, đa số doanh nghiệp đầu tư vào những tài sản có tính ổn định cao.

[Chuyên gia dự báo cổ phiếu Tesla sẽ đạt ngưỡng 3.000 USD vào năm 2025]

Do đó, việc Tesla đầu tư vào Bitcoin, một loại tài sản biến động lớn, rủi ro cao là rất hiếm gặp và đáng được thảo luận.

Thứ nhất, về mặt tài chính, do hạn chế bởi các chuẩn mực kế toán hiện hành, các loại tiền ảo như Bitcoin không được coi là tiền mặt hoặc các tài sản tương đương tiền mặt, cũng không được coi là đầu tư tài chính, mà được xếp vào loại tài sản vô hình cần được kê khai giá gốc.

Loại tài sản này nếu giảm giá sẽ được ghi nhận nhưng trước khi được bán đi thì dù tăng giá thế nào cũng không được ghi thành lãi để giúp giá trị tài sản doanh nghiệp tăng đồng bộ.

Do đó, mặc dù Tesla hiện có kế hoạch nắm giữ Bitcoin lâu dài, nhưng nếu giá đồng tiền kỹ thuật số này giảm trong thời gian nắm giữ, sự suy giảm có liên quan sẽ được thể hiện trong báo cáo tài chính. Cho nên hãng có thể bị ảnh hưởng bởi hoạt động không liên quan gì tới mảng kinh doanh cốt lõi của mình, dẫn tới khả năng lợi nhuận bị giảm.

Đối với Tesla, hãng xe này tuy có giá trị nhất thế giới, nhưng mới chỉ lần đầu tiên báo lãi trong năm 2020. Do đó, việc đầu tư vào Bitcoin rõ ràng sẽ làm gia tăng rủi ro và nhân tố không xác định trong kinh doanh.

Ngoài ra, giá đồng Bitcoin và giá cổ phiếu Tesla cũng tăng vọt trong năm 2020 và được coi là điển hình của các tài sản mang tính đầu cơ với rủi ro cao. Sự kết hợp của cả hai loại tài sản này với nhau có thể làm gia tăng hành vi đầu cơ hoặc biến động về giá.

Thứ hai, về mặt quản trị doanh nghiệp, các bài phát biểu trong quá khứ của CEO Tesla Elon Musk đã gây nhiều tranh cãi. Năm 2018, CEO Elon Musk viết trên Twitter rằng ông cân nhắc việc ban lãnh đạo Tesla sẽ mua lại cổ phiếu hãng với giá 420 USD/cổ phiếu để hủy niêm yết trên sàn chứng khoán, bị Ủy ban Quản lý chứng khoán Mỹ đệ đơn kiện về hành vi lừa gạt.

Sau khi đàm phán dàn xếp, ông Elon Musk bị phạt 20 triệu USD và đăng tải mong muốn kết thúc vụ kiện thông qua luật sư. Khi đó, quyền lực ở Tesla tập trung quá mức vào tay ông Elon Musk, khiến chức năng quản trị và giám sát không phát huy được tác dụng.

Trong lần "bạo tay" đầu tư vào Bitcoin này, ông Elon Musk cũng nhiều lần lên Twitter bảy tỏ sự ủng hộ đối với Bitcoin và các đồng tiền ảo khác, do đó khó tránh được nghi ngờ nhà lãnh đạo này muốn bơm thổi cho giá trị của chúng.

Hành động như vậy đã đi ngược với thỏa thuận đạt được trước đây với Ủy ban Quản lý chứng khoán Mỹ và nếu không tự kiềm chế e rằng ông Elon Musk khó tránh việc một lần nữa bị phạt.

Thứ ba, vì hoạt động khai thác Bitcoin đòi hỏi một lượng lớn điện năng, hầu hết các địa điểm khai thác đều nằm ở những nước đang phát triển như Nga hoặc Trung Quốc, những quốc gia có giá điện thấp và phụ thuộc nhiều vào sản xuất điện từ than. Điều này khiến Bitcoin khó tránh được cáo buộc là không bảo vệ môi trường.

Ở Mỹ, có hàng chục bang yêu cầu các nhà sản xuất ôtô phải bán một tỷ lệ nhất định xe không phát thải carbon ra môi trường. Xe điện Tesla không phát thải carbon, cho nên, hãng này có thể thu lợi từ việc bán lại số carbon dư thừa cho các nhà sản xuất ôtô chạy bằng nhiên liệu.

Thực tế cho thấy 5 năm qua, Tesla đã bỏ túi 3,3 tỷ USD từ hạng mục kinh doanh này. Trong đó, năm 2020, thu nhập từ việc bán quyền thải carbon của Tesla đạt 1,6 tỷ USD, vượt xa lợi nhuận ròng cả năm.

Như vậy, nếu không có nguồn thu này, năm 2020, Tesla vẫn lỗ. Vì chuyên tâm phát triển dòng xe điện thân thiện môi trường, Tesla đã thu về bộn tiền, nhưng lại dùng khoản lợi nhuận đó để mua sản phẩm không thân thiện với môi trường. Sự không thống nhất giữa lời nói và việc làm của Tesla đã gây ra cơn bão chỉ trích, ảnh hưởng lớn tới hình ảnh và đánh giá về doanh nghiệp.

Thứ tư, do biến động mạnh về giá nên Bitcoin khó có thể trở thành một phương tiện thanh toán phổ biến. Trước đây, nhiều ngành khác nhau như trang web đặt phòng khách sạn Expedia và nhà sản xuất máy tính Dell đã cố gắng giới thiệu phương thức thanh toán bằng Bitcoin, nhưng sau đó đều phải dừng lại vì hiệu quả kém.

Do vấn đề biến động giá vẫn chưa được giải quyết, nếu Tesla cuối cùng phải từ bỏ kế hoạch mua xe Tesla bằng Bitcoin, không chỉ giá Bitcoin lao dốc mà giá cổ phiếu Tesla cũng khó tránh bị ảnh hưởng tiêu cực. Cho nên, trong tương lai, việc Tesla có thực sự niêm yết giá bán ôtô bằng Bitcoin hay không sẽ trở thành một chỉ số quan sát quan trọng.

Nói tóm lại, trong xu thế phát triển của nền kinh tế số, không thể phủ nhận tầm quan trọng ngày càng tăng của tài sản số và tiền kỹ thuật số.

Việc Tesla mua số lượng lớn Bitcoin đã làm nổi bật các vấn đề liên quan tới môi trường cần được giải quyết. Đó là không chỉ là việc hoàn thiện các văn bản pháp luật liên quan, mà còn phải xây dựng cơ chế ổn định giữa biến động về giá và thanh toán.

Tất cả những điều này đều đáng để chính phủ các nước tham khảo khi hoạch định chiến lược mới./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục