Hiệu ứng chính trị từ cuộc chiến "giành giật tương lai" Afghanistan

Trên những con đường ở thành phố Ghazni vào tuần này, binh lính Afghanistan và các tay súng Taliban đã chiến đấu để giành giật tương lai của Afghanistan.
Hiệu ứng chính trị từ cuộc chiến "giành giật tương lai" Afghanistan ảnh 1Binh sỹ Afghanistan làm nhiệm vụ trong chiến dịch truy quét phiến quân Taliban tại khu vực Dand-e-Ghori, tỉnh Baghlan. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo Reuters, trên những con đường ở thành phố Ghazni vào tuần này, binh lính Afghanistan và các tay súng Taliban đã chiến đấu để "giành giật tương lai" của Afghanistan.

Đó là một cuộc chiến khốc liệt. Vài trăm tay súng Taliban đã tấn công thị trấn hôm 10/8 và đỉnh điểm cuộc chiến là họ đã làm chủ thành phố này, đẩy lùi các lực lượng an ninh Afghanistan rút về co cụm ở một số vị trí quan trọng.

Nếu Taliban chiếm được Ghazni thì đây sẽ là chiến thắng lớn đầu tiên mà lực lượng này thực hiện được ở khu vực thành thị kể từ khi lực lượng này chiếm đóng Kunduz trong khoảng thời gian ngắn ngủi của năm 2015.

Thế nhưng, Taliban lại một lần nữa bộc lộ những hạn chế của mình. Lực lượng này có thể chiến đấu lão luyện ở vùng nông thôn, song lại tỏ ra bất lực trong việc giành quyền kiểm soát các khu vực thành thị chủ chốt của Afghanistan - nơi được bảo vệ bởi lực lượng an ninh chính phủ với sự hậu thuẫn của không lực Mỹ và phương Tây.

Giờ đây, hơn lúc nào hết, hành động trên chiến trường đối với Taliban là nhằm tạo ra các hiệu ứng chính trị không thua kém gì hiệu ứng quân sự.

Cuộc tấn công tuần này có vẻ như không phải là nỗ lực hòng chiếm đóng thực địa của Taliban mà nghiêng về muốn thể hiện tầm hoạt động và năng lực của tàn quân này, điều đóng vai trò thiết yếu để tạo nền tảng cho các cuộc đàm phán (với chính phủ) vốn đã diễn ra một cách thầm lặng.

17 năm sau vụ tấn công khủng bố 11/9 và theo sau là cuộc xâm chiếm Afghanistan, đây là cách thức mà cuộc chiến ở quốc gia Nam Á này diễn ra hiện nay.

Các cuộc chiến nhỏ lẻ đóng vai trò quan trọng, chủ yếu nhằm dọn đường cho cuộc chiến chính trị rộng lớn hơn.

Đối với cả chính phủ và lực lượng Taliban, bạo lực và thương lượng đóng vai trò ngang nhau trong cùng một tiến trình.

Tình hình diễn biến khác đi kể từ khi Mỹ và đồng minh triển khai hàng chục nghìn binh sỹ NATO với hy vọng đè bẹp lực lượng nổi dậy này.

Thế nhưng, chiến lược triển khai quân này tất yếu thất bại, nhất là vì Taliban luôn hiểu rằng các lực lượng nước ngoài khó có thể duy trì sức ép lâu dài.

Đối mặt với thương vong lớn và phải đổ nhiều tiền của vào cuộc chiến này, phương Tây đã rút lượng lớn binh lính vào năm 2014.

Nhưng đó là khi cuộc chiến thực sự ở Afghanistan bắt đầu, giữa lực lượng quân đội quốc gia Afghanistan được phương Tây hậu thuẫn và đào tạo với lực lượng Taliban.

Trong thời gian từ giữa tháng 4 và tháng 6, Taliban đã tiến hành hàng chục vụ tấn công ở bên trong và quanh Kabul.

[Tướng Mỹ: Afghanistan đứng trước cơ hội hòa bình "chưa từng có"]

Những cuộc tấn công này diễn ra giữa lúc diễn ra cuộc chiến tuyên truyền rộng khắp giữa chính phủ Afghanistan và Taliban, cùng với việc Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani hồi tháng 2 đã đưa ra đề xuất tiến hành các cuộc đàm phán hòa bình vô điều kiện.

Sự phân chia bè phái trong nội bộ Taliban khiến việc theo đuổi quá trình đàm phán này đặt biệt khó khăn, song rõ ràng tàn quân này muốn tiến tời đàm phán.

Ví dụ, hồi tháng 6, Taliban bác bỏ đề xuất tiến hành hòa đàm song lại không ngừng ngấm ngầm thúc đẩy quá trình này.

Rốt cục, Afghanistan sẽ giành được tương lai của mình thông qua các cuộc thương lượng ngoại giao và chính trị cũng như trên thực địa.

Tình hình vẫn sẽ hết sức phức tạp với sự can thiệp của các nước láng giềng, nhất là Pakistan.

Vẫn còn nhiều nhân tố khó lường, ví dụ việc Tổng thống Mỹ Donald Trump trước khi nhậm chức nói rằng sẽ rút toàn bộ binh lính Mỹ khỏi Afghanistan, rồi sau đó lại quyết định tăng quân ở quốc gia này.

Hỗ trợ quốc tế đối với quân đội Afghanistan vẫn đóng vai trò quan trọng, song điều không kém phần quan trọng là Afghanistan cần tự đứng vững hơn bằng chính đôi chân của mình./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục