Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành Thông tư quy định chuẩn hiệu trưởng cơ sở giáo dục phổ thông làm căn cứ để hiệu trưởng cơ sở giáo dục phổ thông tự đánh giá phẩm chất, năng lực; xây dựng và thực hiện kế hoạch rèn luyện phẩm chất, bồi dưỡng nâng cao năng lực lãnh đạo, quản trị nhà trường đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục.
Chuẩn hiệu trưởng cơ sở giáo dục phổ thông cũng là căn cứ để các cơ quan quản lý nhà nước đánh giá phẩm chất, năng lực của hiệu trưởng cơ sở giáo dục phổ thông; xây dựng và thực hiện chế độ, chính sách phát triển đội ngũ cán bộ quản lý; lựa chọn, sử dụng đội ngũ cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông cốt cán.
Đồng thời, chuẩn hiệu trưởng là căn cứ để các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục xây dựng, phát triển chương trình và tổ chức đào tạo, bồi dưỡng phát triển phẩm chất, năng lực lãnh đạo, quản trị nhà trường cho đội ngũ cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông.
Đây cũng là căn cứ để các phó hiệu trưởng thuộc diện quy hoạch chức danh hiệu trưởng; giáo viên thuộc diện quy hoạch các chức danh hiệu trưởng hoặc phó hiệu trưởng tự đánh giá, xây dựng và thực hiện kế hoạch rèn luyện, học tập phát triển phẩm chất, năng lực lãnh đạo, quản trị nhà trường.
Chuẩn hiệu trưởng cơ sở giáo dục phổ thông gồm 5 tiêu chuẩn với 18 tiêu chí.
Tiêu chuẩn 1 “Phẩm chất nghề nghiệp” gồm 3 tiêu chí: Đạo đức nghề nghiệp; Tư tưởng đổi mới trong lãnh đạo, quản trị nhà trường; Năng lực phát triển chuyên môn, nghiệp vụ bản thân.
Tiêu chuẩn 2 “Quản trị nhà trường” gồm 7 tiêu chí: Tổ chức xây dựng kế hoạch phát triển nhà trường; Quản trị hoạt động dạy học, giáo dục học sinh; Quản trị nhân sự nhà trường; Quản trị tổ chức, hành chính nhà trường; Quản trị tài chính nhà trường; Quản trị cơ sở vật chất, thiết bị và công nghệ trong dạy học, giáo dục học sinh của nhà trường và Quản trị chất lượng giáo dục trong nhà trường
Tiêu chuẩn 3 “Xây dựng môi trường giáo dục” gồm 3 tiêu chí: Xây dựng văn hóa nhà trường; Thực hiện dân chủ cơ sở trong nhà trường; Xây dựng trường học an toàn, phòng chống bạo lực học đường.
Tiêu chuẩn 4 “Phát triển mối quan hệ giữa nhà trường, gia đình, xã hội” gồm 3 tiêu chí: Phối hợp giữa nhà trường, gia đình, xã hội để thực hiện hoạt động dạy học cho học sinh; Phối hợp giữa nhà trường, gia đình, xã hội để thực hiện giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh; Phối hợp giữa nhà trường, gia đình, xã hội trong huy động và sử dụng nguồn lực để phát triển nhà trường.
Tiêu chuẩn 5, gồm 2 tiêu chí: sử dụng ngoại ngữ và ứng dụng công nghệ thông tin
Mỗi tiêu chí có ba mức đánh giá theo cấp độ tăng dần: mức đạt, mức khá và mức tốt.
Đạt chuẩn hiệu trưởng ở mức tốt khi có tất cả các tiêu chí đạt từ mức khá trở lên, tối thiểu 2/3 tiêu chí đạt mức tốt, trong đó có các tiêu chí cụ thể đạt mức tốt theo quy định tại Thông tư.
[Quy hoạch mạng lưới các trường sư phạm: Việc làm cấp bách]
Đạt chuẩn hiệu trưởng ở mức khá khi có tất cả các tiêu chí đạt từ mức đạt trở lên, tối thiểu 2/3 tiêu chí đạt từ mức khá trở lên, trong đó một số tiêu chí được nêu cụ thể tại thông tư đạt từ mức khá trở lên.
Đạt chuẩn hiệu trưởng khi có tối thiểu 2/3 tiêu chí đạt từ mức đạt trở lên, trong đó các tiêu chí được nêu cụ thể trong Thông tư đạt từ mức đạt trở lên.
Các trường hợp chưa đạt chuẩn hiệu trưởng có trên 1/3 tiêu chí được đánh giá chưa đạt hoặc có tối thiểu 1 tiêu chí trong số các tiêu chí nêu cụ thể trong Thông tư được đánh giá chưa đạt.
Hằng năm, Hiệu trưởng tự đánh giá một lần vào cuối năm học. Cơ quan cấp trên quản lý trực tiếp đánh giá hiệu trưởng theo chu kỳ hai năm một lần vào cuối năm học. Trong trường hợp đặc biệt, cơ quan quản lý cấp trên quyết định rút ngắn chu kỳ đánh giá.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 4/9./.