Ngoài công tác huấn luyện, trực sẵn sàng chiến đấu, Tiểu đội Dân quân thường trực xã Bình Tân Phú, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi còn triển khai mô hình nuôi dế giúp tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho các thành viên.
Cuối năm 2019, Tiểu đội Dân quân thường trực xã Bình Tân Phú chọn mô hình nuôi dế để tăng gia sản xuất tại chỗ.
Anh Võ Duy Việt, thành viên Tiểu đội, cho hay đơn vị có 7 người. Ngoài thời gian trực tại trụ sở, mọi người đều muốn có thêm công việc đảm bảo kinh tế gia đình.
[Tăng gia trên nhà giàn giữa biển khơi mênh mông, quanh năm sóng gió]
Thời điểm đó, Tiểu đội trưởng Phạm Thành Nam đã đưa ra ý tưởng nuôi dế thương phẩm. Mô hình này cần ít vốn đầu tư, không tốn nhiều diện tích chuồng trại, tận dụng được nguồn thức ăn có sẵn.
Ban đầu, Tiểu đội gặp khó khăn khi nhiều dế bị chết. Tuy nhiên, với sự nỗ lực của các thành viên khi thay nhau chăm sóc, chuẩn bị thức ăn, cho ăn... nên đàn dế sinh trưởng, phát triển tốt.
Theo anh Võ Duy Việt, ban đầu, các anh chỉ nuôi dế thương phẩm. Sau đó, nhận thấy việc mua dế con về nuôi có nhiều nhược điểm (như thay đổi môi trường làm dế chậm lớn, dễ chết, hiệu quả kinh tế thấp), các thành viên của Tiểu đội đã cùng nghiên cứu nuôi thêm dế sinh sản.
Nuôi dế sinh sản không quá khó nhưng cần phải chăm chỉ, tinh tế. Hiện tại, Tiểu đội còn cung cấp dế giống cho một số cá nhân, tập thể trên địa bàn; đồng thời đang hướng đến việc sơ chế, cấp đông dế thương phẩm nhằm cung cấp thường xuyên cho các nhà hàng.
Trứng dế sau khi ấp, tùy vào điều kiện thời tiết khí hậu từng mùa, khoảng 7-10 ngày sẽ nở.
Dế con được cho vào chuồng nuôi chăm sóc từ 40-50 ngày, tùy theo điều kiện thời tiết sẽ trưởng thành và được thu hoạch xuất bán ra thị trường.
Nguồn thức ăn chính của dế là lá sắn, mía cây, bí đỏ, các loại rau và cám gà.
Trại dế của Tiểu đội Dân quân thường trực xã Bình Tân Phú hiện có 20 chuồng, bình quân 1 chuồng thu được 15kg dế thương phẩm.
Với giá bán từ 100-150.000 đồng/kg, sau mỗi đợt nuôi, Tiểu đội thu về khoảng 30 triệu đồng.
Anh Phù Văn Dương, thành viên Tiểu đội cho biết muốn cho đàn dế phát triển nhanh, năng suất chất lượng cao, tránh được dịch bệnh, trại nuôi dế phải thông thoáng, chuồng làm bằng khung sắt, xung quanh bao nylon, bên trong dùng các vỉ chứa trứng gà, trứng vịt để làm chỗ trú cho dế.
Mỗi ngày cho dế ăn 2 lần vào buổi sáng và chiều. Đặc tính của dế là không uống nước mà chỉ liếm râu, do đó phải phun sương vào lúc cho dế ăn để nước đọng trên râu và thức ăn của dế.
Riêng dế sinh sản, Tiểu đội làm thêm các ổ bằng khay đựng xơ dừa để đảm bảo độ ẩm bảo vệ trứng.
Dế nuôi sau 60 ngày tuổi thì bắt đầu sinh sản. Dấu hiệu nhận biết là dế có cánh dài và gáy thường xuyên.
Khi đó cho dế đẻ vào ổ trong 1-2 ngày thì thay các khay mới. Trung bình một con dế mái đẻ được khoảng 400 trứng cho một chu kỳ sinh sản kéo dài 22 ngày.
Đây là mô hình chăn nuôi tạo được nguồn thức ăn có giá trị dinh dưỡng cao, thân thiện môi trường, mang lại hiệu quả kinh tế.
Ông Nguyễn Minh Hoàng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Bình Tân Phú, cho biết Ủy ban Nhân dân xã đã có định hướng nhân rộng mô hình nuôi dế của Tiểu đội Dân quân thường trực xã.
Ủy ban Nhân dân xã đang kết nối với một số doanh nghiệp để ổn định đầu ra; sau đó sẽ nhân rộng mô hình tại địa phương.
Mô hình nuôi dế của Tiểu đội Dân quân thường trực xã Bình Tân Phú tuy không phải là mô hình mới nhưng đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần tăng thêm thu nhập, cải thiện đời sống cho các thành viên. Qua đó, phát huy tinh thần đoàn kết, trí tuệ tập thể, rèn luyện tính kỷ luật trong công tác và tăng gia sản xuất, góp phần hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao./.