Ông Nguyễn Văn Chí, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội, cho biết Hà Nội hiện có 1.342 hợp tác xã nông nghiệp; trong đó có 70 hợp tác xã tham gia liên kết chuỗi sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, 50 hợp tác xã ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, 180 sản phẩm của 53 hợp tác xã được thành phố công nhận là sản phẩm đạt chuẩn OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm).
Những năm gần đây, Hà Nội đã đẩy mạnh các giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động của các hợp tác xã, cải thiện năng lực sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, ổn định cuộc sống, góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn của thành phố. Các hợp tác xã trên địa bàn Hà Nội đã tập trung đẩy mạnh áp dụng công nghệ cao vào sản xuất kinh doanh gắn với tiêu thụ sản phẩm, đem lại hiệu quả kinh tế cho các thành viên…
Cụ thể, Hợp tác xã Nông nghiệp Hương Ngải ở xã Hương Ngải, huyện Thạch Thất (Hà Nội), liên kết các hộ dân hình thành vùng sản xuất rau an toàn, khoai tây giống, khoai tây thương phẩm... đơn vị đã lựa chọn giải pháp xác thực nguồn gốc hàng hóa cung cấp sản phẩm rau, củ cho các công ty thực phẩm và siêu thị. Đặc biệt, hơn 50% sản lượng của Hợp tác xã Nông nghiệp Hương Ngải đã được tiêu thụ theo đơn đặt hàng của siêu thị, nhà hàng, bếp ăn tập thể…
Ông Hoàng Văn Khảm - Giám đốc Hợp tác xã Rau quả sạch Chúc Sơn ở thị trấn Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ (Hà Nội), cho biết: "Hơn 5 năm trước, hợp tác xã khi đó chỉ có vài thành viên, sản xuất trên diện tích 5ha, là tập hợp một nhóm hộ nông dân tâm huyết, cùng đam mê với nghề trồng rau sạch. Mong ước của nhóm nông dân này lúc bấy giờ chỉ đơn giản là hình thành được một vùng chuyên canh rau an toàn đạt tiêu chuẩn VietGAP tại thôn Giáp Ngọ."
[Hà Nội phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao]
Bà Uông Thị Tuyết Nhung - Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Phúc Lâm, cho biết nhận thấy nhu cầu về sử dụng dược liệu để chế biến các thực phẩm chức năng phục vụ nâng cao sức khỏe của người dân ngày càng cao, hợp tác xã đã thuê đất của hơn 100 hộ nông dân thuộc thôn Vị Thủy, xã Thanh Mỹ để trồng sâm Bố Chính. Mô hình được hợp tác xã sản xuất theo quy trình hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao ở một số khâu như hệ thống tưới nước tự động và ươm giống. Thời gian trồng sâm bắt đầu vào mùa Xuân. Cây sâm trồng từ tháng thứ 3 đến tháng thứ 9 sẽ cho thu hoa.
Hiện nay, các hợp tác xã nông nghiệp cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu phục vụ sản xuất của các hộ thành viên. Nhiều hợp tác xã đã tạo sức cạnh tranh với các thành phần kinh tế khác, tập trung vào chức năng thực hiện dịch vụ cho các hộ thành viên và nhân dân, làm tốt công tác chỉ đạo sản xuất nông nghiệp, bảo đảm về thời vụ, bố trí cây trồng hợp lý, đưa giống cây trồng, vật nuôi năng suất, chất lượng, giá trị cao vào sản xuất.
Các hợp tác xã nông nghiệp đã chú trọng cải tạo nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ cho thành viên sản xuất như đầu tư trang thiết bị máy móc công cụ làm dịch vụ sản xuất, mạnh dạn đầu tư trang thiết bị, hệ thống chuồng trại tiên tiến để nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm từng bước mở rộng sản xuất kinh doanh tăng thu nhập cho hợp tác xã.
Đặc biệt, một số hợp tác xã đã quan tâm đến liên doanh, liên kết giữa các hợp tác xã với nhau và với doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế khác, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp./.