Hiệu quả từ dự án đào tạo giáo viên người dân tộc thiểu số

Sau 6 năm triển khai, tới nay, dự án đã hình thành nên một đội ngũ hơn 5.000 giáo viên là người dân tộc thiểu số trực tiếp giảng dạy ở quê hương.

Với đặc thù là một quốc gia có tới 54 dân tộc cùng sinh sống, việc tuyển chọn và gây dựng đội ngũ giáo viên cho các dân tộc thiểu số nhiều năm nay luôn là một việc khó.

Chỉ có một cách làm hiệu quả và bền vững nhất là chăm lo đào tạo để các chính các học sinh người dân tộc thiểu số trưởng thành và đủ năng lực trở thành giáo viên giảng dạy trên quê hương của họ. Dự án phát triển giáo viên Trung học phổ thông và trung câp chuyên nghiệp đã chọn cách làm ấy.

Thông qua sự hỗ trợ của Ngân hàng châu Á, trong 6 năm qua (2008-2013), dự án đã cấp 5.044 suất học bổng cho sinh viên người dân tộc thiểu số được đào tạo thành giáo viên, đạt 100,88% kế hoạch (con số dự kiến ban đầu là 5.000 suất).

Phó giáo sư Vũ Quốc Chung, Giám đốc Dự án Phát triển giáo viên trung học phổ thông và trung cấp chuyên nghiệp cho biết một trong những kết quả bền vững của dự án là đã cấp học bổng cho hơn 5000 sinh viên các dân tộc thiểu số, giúp các em theo học ngành sư phạm và sau này trở thành lực lượng nòng cốt phát triển giáo dục ở các địa bàn khó khăn này.

Trong số hơn 5.000 học bổng mà Dự án Phát triển giáo viên trung học phổ thông và trung cấp chuyên nghiệp cấp số sinh viên nữ chiếm 3.176 suất (tương ứng 63,52%). Đây là con số đáng mừng vì Dự án đã nhân thêm cơ hội học tập và cơ hội cống hiến cho cộng đồng của một bộ không nhỏ những người thiếu cơ hội học tập vì lý do kinh tế.

Cô giáo Tô Thị Thanh Tuyền, dân tộc Xtiêng, người trong suốt những năm theo học sư phạm tiểu học tại trường Đại học Đà Lạt được nhận học bổng của Dự án cho biết: "Từ khi còn ở trường Đại học Đà Lạt, qua dự án, em đã được cấp học bổng hỗ trợ chi phí học tập.

Ngoài ra em còn được tham gia một số các lớp tập huấn về phương pháp giảng dạy, kỹ năng đứng lớp, kỹ năng ứng xử với học sinh . Em đã biết nắm bắt tâm lý , cách đối xử với từng nhóm học sinh khác nhau: học sinh cá biệt, học sinh có năng khiếu,… ; kỹ năng soạn bài sao cho hiệu quả nhất, kỹ năng làm giáo án điện tử. Dự án giúp sinh viên sư phạm yêu nghề hơn. Những lớp tập huấn kỹ năng mềm này đã giúp em có được sự tự tin ngay khi bắt đầu công việc của một cô giáo."

Đánh giá về hiệu quả của chương trình cấp học bổng đào tạo giáo viên người dân tộc, cô giáo Nguyễn Thị Chinh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Suối Thông, huyện Đơn Dương, Lâm Đồng - nơi tiếp nhận cô giáo Tô Thị Thanh Tuyền về công tác bày tỏ niềm vui và sự hài lòng. Cô cho biết: "Làm quản lý, thông thường ít người muốn nhận cán bộ và giáo viên người dân tộc thiểu số nói chung về đơn vị mình vì tâm lý phổ biến hiện nay vẫn đánh giá sử dụng đội ngũ này là thực hiện một chính sách ưu ái của Đảng, nhà nước. Nhưng với trường hợp cô giáo Tô Thị Thanh Tuyền, chúng tôi thấy rất hài lòng với chất lượng công việc mà cô Tuyền thực hiện. Là một cô giáo trẻ tốt nghiệp Đại học sư phạm Đà Lạt, cô Tuyền đã đáp ứng tốt yêu cầu đổi mới giáo dục mà nhà trường đang thực hiện."

Có thể nói 5.000 giáo viên người dân tộc thiểu số đã được hỗ trợ chi phí sinh hoạt và đào tạo kỹ năng mềm tuy chưa phải là lớn nhưng đã để lại những kết quả bền vững nhiều năm sau, khích lệ và tiếp thêm tinh thần học tập của nhiều thế hệ học trò người dân tộc trên khắp đất nước. /.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục