Hiệu quả trong chính sách ngoại giao vaccine của Nga và Trung Quốc

Nga, Trung Quốc hy vọng tận dụng lợi thế từ sự khởi đầu chậm chạp và hỗn loạn của việc triển khai tiêm vaccine ở EU và Mỹ, cùng việc các chính phủ coi trọng tích trữ vaccine cho người dân.
Bộ Y tế Nga giới thiệu vaccine Sputnik V phòng COVID-19 do Viện nghiên cứu dịch bệnh và vi trùng học Gamaleya phát triển. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Bộ Y tế Nga giới thiệu vaccine Sputnik V phòng COVID-19 do Viện nghiên cứu dịch bệnh và vi trùng học Gamaleya phát triển. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Đại dịch COVID-19 đã và đang tạo cơ hội để Nga và Trung Quốc thể hiện sức mạnh khoa học, đồng thời xây dựng ảnh hưởng địa chính trị ở các nước đang phát triển.

Việc bán vaccine ra nước ngoài đang hứa hẹn mang lại lợi nhuận tài chính cho các công ty dược phẩm của Trung Quốc và Nga.

Phóng viên TTXVN tại Sydney khai thác bài phân tích của nhà cựu ngoại giao Ian Hill của New Zealand về việc chính sách ngoại giao vaccine của Nga và Trung Quốc đã tiến triển như thế nào đăng trên trang của Viện Quan hệ Quốc tế Australia (AIIA).

Theo đó, trong năm 2020, Nga là quốc gia đầu tiên trên thế giới công bố ra mắt vaccine ngừa COVID-19. Loại vaccine này được đặt tên là Sputnik V, gợi lên một cách có ý thức về chiến thắng khoa học của Nga trong việc phóng vệ tinh nhân tạo đầu tiên vào không gian năm 1957.

Ngay sau đó, Trung Quốc cũng đã đưa vào sử dụng vaccine ngừa COVID-19 do hai hãng dược phẩm nội địa Sinopharm và Sinovac sản xuất.

Những dấu hiệu ban đầu đầy hứa hẹn...

Có thể thấy, Nga và Trung Quốc đã nắm bắt cơ hội để củng cố danh tiếng như những đối tác đáng tin cậy và cam kết coi sức khỏe như một lợi ích công cộng toàn cầu.

Hai quốc gia này hy vọng sẽ tận dụng được sự khởi đầu chậm chạp và hỗn loạn của việc triển khai tiêm vaccine ở Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ, cùng việc các chính phủ coi trọng tích trữ vaccine cho người dân, để giành lấy lợi thế.

Các quốc gia có thu nhập trung bình thấp đang khao khát vaccine nhưng dường như họ không tiếp cận được với vaccine của phương Tây và đã phải nhanh chóng đăng ký vaccine của Trung Quốc và Nga.

Những dấu hiệu ban đầu dường như đầy hứa hẹn đối với Nga. Sự phát triển nhanh chóng của Sputnik V là một thành tựu rất rõ ràng, ngay cả khi việc triển khai sớm trước khi hoàn thành các thử nghiệm cuối cùng đã từng bị coi là có ý nghĩa chính trị.

Và Sputnik V đã nhận được động lực mới khi tính hiệu quả cao của vaccine này được chứng thực trong Tạp chí y khoa hàng đầu thế giới The Lancet.

Quỹ đầu tư trực tiếp của Nga (RDIF) là quỹ tài sản có chủ quyền được giao nhiệm vụ bán Sputnik V ra quốc tế trong báo cáo tháng 3/2021 đã thông báo kế hoạch cung cấp lên tới 700 triệu liều vaccine vào cuối năm 2021, thông qua cơ chế hỗn hợp vaccine do Nga sản xuất và được cấp phép sản xuất tại các nước đối tác chính.

Các đơn đặt hàng đã được đảm bảo từ các chính phủ láng giềng quan trọng như Thổ Nhĩ Kỳ và Iran, cũng như các đối tác quan trọng ở xa hơn, chẳng hạn như Ấn Độ, Ai Cập, Việt Nam, Argentina, Brazil, Mexico và Nam Phi - với các thỏa thuận chuyển giao công nghệ cũng được ký kết để có thể sản xuất trong nước với hầu hết các quốc gia này.

Cho đến nay, vaccine Sputnik V đã được cấp phép sử dụng ở gần 70 quốc gia. Đối với các quốc gia đang phát triển, việc bảo quản và phân phối Sputnik V tương đối dễ dàng là một lợi thế so với các loại vaccine theo công nghệ mRNA của phương Tây.

Đến cuối tháng 8/2021, tổng số đơn đặt hàng đối với vaccine Sputnik V ước tính vào khoảng 610 triệu liều.

Tuy nhiên, phía Nga đã hứa hẹn con số rất cao, nhưng lại giao hàng dưới mức đó. Điều này cho thấy các mục tiêu giao hàng là quá tham vọng và Nga đã không đáp ứng được cam kết cung cấp của chính mình.

Argentina vẫn đang chờ 5,5 triệu liều đầu tiên và 13,1 triệu liều thứ hai. Iran đã đặt hàng 60 triệu liều nhưng chỉ mới nhận được 2 triệu liều.

Mexico đã đặt hàng 24 triệu liều nhưng chỉ mới nhận được 4,1 triệu. Những khách hàng không hài lòng đã phải tìm kiếm các lựa chọn thay thế.

Vấn đề ở đây là thứ nhất, Nga tỏ ra khó khăn trong việc nhanh chóng mở rộng quy mô sản xuất thương mại đối với vaccine Sputnik V trên quy mô lớn. Điều này có lẽ không có gì đáng ngạc nhiên, vì Nga vốn gặp khó khăn lâu năm trong việc thương mại hóa các đổi mới khoa học.

[Nga thông báo hiệu quả của vaccine liều đơn Sputnik Light]

Việc sản xuất hàng loạt liều vaccine Sputnik V thứ hai có khả năng kết hợp một cách hiệu quả với một loại vaccine khác lại không hề đơn giản. Hơn nữa, việc thiết lập các cơ sở sản xuất ở nước ngoài đã mất nhiều thời gian hơn dự kiến, trong bối cảnh Nga ban đầu đánh giá quá cao khả năng công nghệ của một số nước đối tác để có thể sản xuất vaccine Sputnik V.

Tiếp theo, bất chấp sự chứng thực của Tạp chí The Lancet, những nghi ngờ vẫn tồn tại về tính hiệu quả của vaccine Sputnik V. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Cơ quan Quản lý Dược phẩm châu Âu (EMA) vẫn chưa cấp phép theo quy định cho Sputnik V, với lý do thiếu dữ liệu nghiên cứu và thử nghiệm hỗ trợ.

Cơ quan quản lý của Nam Phi cũng chưa phê duyệt Sputnik V để sử dụng và cơ quan quản lý của Brazil chỉ cho phép sử dụng có giới hạn.

Một trở ngại cuối cùng là chi phí tương đối cao của Sputnik V. RDIF ước tính giá cố định là 9,75 USD/liều, cao hơn đáng kể so với AstraZeneca (3 USD/liều) và thậm chí cả Pfizer (6,75 USD/liều).

… và hạn chế trong quá trình sản xuất, phân phối

Trong khi đó, chính sách ngoại giao vaccine của Trung Quốc lại đang mang lại kết quả tốt hơn nhiều. Không giống như Nga, Trung Quốc đã mở rộng quy mô sản xuất thương mại thành công và đạt tiến bộ tốt trong việc đáp ứng các cam kết chuyển giao quốc tế đối với hai loại vaccine COVID-19 chính là Sinopharm và Sinovac.

Đây là điều không có gì ngạc nhiên với kinh nghiệm quản lý chuỗi cung ứng và sản xuất đã được kiểm chứng của Trung Quốc.

Trái ngược với Nga, các khoản quyên góp tập trung một cách sắc sảo đã thể hiện sự nổi bật trong chính sách ngoại giao vaccine của Trung Quốc.

Hiệu quả trong chính sách ngoại giao vaccine của Nga và Trung Quốc ảnh 1Vaccine phòng COVID-19 của hãng dược phẩm Trung Quốc Sinopharm. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Bắc Kinh nhắm đến các mục tiêu tiếp nhận đa phương, chẳng hạn như Cơ quan Cứu trợ và Công trình của Liên hợp quốc (UNRWA), Lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc và Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) trước thềm Thế vận hội Tokyo.

Gần đây hơn, Trung Quốc đã ký kết các cam kết cung cấp thương mại đáng kể cho cơ chế Tiếp cận vaccine COVID-19 Toàn cầu (COVAX).

Tính đến đầu tháng 9/2021, Trung Quốc đã bán khoảng 1,2 tỷ liều vaccine ngừa COVID-19 cho hơn 100 quốc gia, trong đó 755 triệu liều đã được chuyển giao.

Châu Á và Mỹ Latinh là những khách hàng chính mua vaccine Trung Quốc. Indonesia và Brazil là những nước mua nhiều nhất, lần lượt 189 triệu liều và 95 triệu liều. Một số lượng đáng kể cũng đã được chuyển đến Pakistan, Thổ Nhĩ Kỳ, Philippines, Campuchia, Iran, Thái Lan, Morocco và Mexico.

[Sinopharm khẳng định vaccine của hãng an toàn với trẻ em từ 3 tuổi]

Tuy nhiên, nỗ lực ngoại giao vaccine của Trung Quốc đã bị che lấp bởi những dấu hỏi ngày càng lớn về tính hiệu quả của cả Sinovac và Sinopharm.

Mặc dù đã cấp phép sử dụng khẩn cấp cả hai loại vaccine này song WHO đánh giá hiệu quả của Sinovac trong việc ngăn ngừa triệu chứng COVID-19 chỉ ở mức 51% và của Sinopharm là 79%.

Lo ngại về hiệu quả hạn chế đã khiến một số nước tiếp nhận như Thái Lan và Indonesia đề xuất một liều vaccine hỗn hợp giữa Trung Quốc và phương Tây để tăng cường hiệu quả miễn dịch. Thậm chí, Malaysia đang có kế hoạch dừng hoàn toàn việc sử dụng vaccine Sinovac.

Trong khi đó, Trung Quốc cũng bị chỉ trích vì gắn điều kiện đi kèm vào việc ngoại giao vaccine. Việc phân phối vaccine của Trung Quốc cũng làm gia tăng căng thẳng địa chính trị hiện có, điển hình là những căng thẳng gần đây giữa Bắc Kinh và Canberra trong việc hỗ trợ ứng phó đại dịch cho các quốc đảo Thái Bình Dương.

Về các nỗ lực ngoại giao vaccine, có thể thấy Trung Quốc đang làm tốt hơn Nga cho đến nay. Với việc thành công trong việc mở rộng quy mô sản xuất thương mại vaccine và nỗ lực tiếp thị toàn cầu hiệu quả, Bắc Kinh đã tận dụng tối đa lợi thế đi đầu.

Sự nổi bật của các quốc gia đông dân và có tầm ảnh hưởng quan trọng ở Nam và Đông Nam Á, đặc biệt là Indonesia, Thái Lan và Pakistan, và ở Mỹ Latinh là Brazil và Mexico, trong số các khách hàng hàng đầu, cho thấy những nỗ lực phân phối vaccine của Trung Quốc.

Việc cung cấp vaccine của Nga trên toàn cầu không được như kỳ vọng. Các trở ngại là tốc độ phân phối chậm và hạn chế của Nga, cùng việc phê duyệt của WHO và EMA vẫn bị trì hoãn, là dấu hiệu cho thấy điểm yếu trong nền kinh tế Nga - đặc biệt là những khó khăn trong việc mở rộng với tốc độ đổi mới khoa học cho sản xuất thương mại và mức độ minh bạch dữ liệu phổ biến.

Khác xa với việc Sputnik V nâng cao tầm ảnh hưởng trên toàn cầu, hiệu suất phân phối vaccine của Nga lại đang làm giảm uy tín của quốc gia này.

Từ quan điểm địa chính trị, điều đáng chú ý là những cam kết của lãnh đạo Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS) tại hội nghị thượng đỉnh vào tháng 11/2020 để hợp tác về vaccine ngừa COVID-19 dường như đã trở nên vô nghĩa.

Mặc dù vậy, giới chuyên gia vẫn cho rằng bất chấp sự thiếu hụt nguồn cung của Nga và những câu hỏi về tính hiệu quả của vaccine Trung Quốc, cả hai quốc gia sẽ vẫn đang là một phần quan trọng trong nỗ lực ứng phó với đại dịch toàn cầu do nhu cầu vaccine khổng lồ đến nay vẫn được đáp ứng đầy đủ ở các nước đang phát triển./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục